Có những đạo diễn trẻ "dám liều, dám chơi"

25/04/2013 09:10 GMT+7

(TNO) Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 (diễn ra tối 22.4 tại TP.HCM) chỉ tập hợp được 21 gương mặt trẻ từ Nam tới Bắc tham gia. Quá ít ỏi so với số lượng thực tế ở các đơn vị. Nhìn lại những gương mặt trẻ hôm nay, sao còn nhiều quá những ưu tư…

(TNO) Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu 2013 (diễn ra tối 22.4 tại TP.HCM) chỉ tập hợp được 21 gương mặt trẻ từ Nam tới Bắc tham gia. Quá ít ỏi so với số lượng thực tế ở các đơn vị. Nhìn lại những gương mặt trẻ, thấy sao còn nhiều quá những ưu tư…

Không dễ làm nghề

Nhìn vào danh sách dự thi sẽ thấy có ba thành phần đạo diễn trẻ. Một là những anh em trong biên chế của đơn vị sân khấu nhà nước, hai là những anh em của các đơn vị xã hội hoá, và ba là đạo diễn vừa tốt nghiệp chưa có đơn vị nào để “nương thân”.

Thực tế, cả ba thành phần đều không dễ dàng để làm nghề.

Đạo diễn của các đơn vị nhà nước bình thường cũng ít khi có cơ hội xuất hiện, bởi mỗi đơn vị hằng năm chỉ dựng chừng 2 vở thì các cây đa cây đề đã đứng tên, hiếm khi tới tay đàn em.

Lần này, đi thi thì đạo diễn trẻ được trực tiếp dựng, nhưng hầu như phải theo định hướng phục vụ là chính, bởi đang sử dụng kinh phí nhà nước rót xuống.

 Đạo diễn trẻ - anh là ai?
Vở Othello của đạo diễn Cao Thanh Danh - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đạo diễn Hồng Thắm (Đoàn cải lương Long An) nói: “Thật ra công văn thông báo về cuộc thi đưa xuống trễ quá, tôi chỉ kịp lấy vở phục vụ đem đi dự thi. Không quá kỳ vọng vào giải thưởng đâu! Vì khi dựng phục vụ tôi phải tính toán đến yếu tố gọn, nhẹ, đơn giản, không thể tung hoành theo máu nghề được”.

Đạo diễn Lịch Sử (Đoàn cải lương Cà Mau) cũng tương tự, bởi kinh phí phải được sử dụng hiệu quả lâu dài cho cả trăm đêm diễn phục vụ chứ không thể đi thi rồi cất kho.

Nhưng họ có cái may mắn hơn người là được đơn vị đầu tư kinh phí, đỡ phải chạy vạy. Cho nên cũng có người dám phóng tay như đạo diễn Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội) dám thể nghiệm với vở kịch hình thể. Đặc biệt, Trung Thảo, Quốc Kiệt là hai gương mặt được Nhà hát Trần Hữu Trang (TP.HCM) ưu ái nhiều năm qua vì những vở họ dựng đều bán vé khá tốt. Những trường hợp như thế này quả là hiếm hoi.

Nhưng khi đã chạm đến chuyện “bán vé” thì vấn đề đã khác, tương tự như các đạo diễn của đơn vị xã hội hóa. Các ông bà bầu có dám để cho người trẻ phiêu lưu thật sự với cơm áo gạo tiền mà họ bỏ ra? Mấy chục triệu, có khi cả trăm triệu, không đạt doanh thu được thì giải thưởng không có ý nghĩa gì cả. Cho nên, hầu như không thấy ông bà bầu nào dám làm “bà đỡ” cho người trẻ.

Trong danh sách dự thi, duy nhất Kịch Phú Nhuận tham gia 5 vở, toàn là những vở đã bán vé, và đều mang hơi hướng kinh dị, sinh hoạt...

Dám liều, dám chơi!

Còn lại thành phần đạo diễn thứ ba, là những người đang “tự do”, hay nói cách khác là “không nơi nương tựa”, lại chính là những người dám liều, dám chơi.

Đạo diễn Cao Thanh Danh dám dựng Othellokịch cổ điển nhưng phả vào đó hơi thở hiện đại, thoại ngắn đi, thêm hành động, đẩy nhanh tiết tấu.

Đạo diễn Thanh Nga dựng Duyên lạ hồn hoang được chọn làm vở khai mạc cuộc thi hẳn có lý do của nó, bởi sự chỉn chu, hàn lâm của phương Bắc kết hợp với chất gần gũi, thuần hậu của phương Nam, khán giả xem vẫn cười, vẫn hấp dẫn, nhưng vẫn suy gẫm, thấm thía.

Đạo diễn Phi Long có một định hướng rất rõ là loại kịch bám sát vấn đề nóng của xã hội, chẳng hạn nạo phá thai, để gây sự kiện, cảnh báo, và có thể xin tài trợ từ các dự án hoặc mạnh thường quân giúp đỡ các nạn nhân, người nghèo khó.

Đạo diễn Khắc Duy cũng dám thể nghiệm với vở kịch hát Chicago, được chờ đợi chắc chắn tạo ra một món ăn mới lạ.

Máu nghề của họ phải đánh đổi bằng sự chạy vạy từ tiền bạc đến phục trang, đạo cụ, kho bãi, tấm vé... Người nào cũng trút hết số tiền dành dụm của mình, hoặc vay mượn gia đình, bạn bè, và tự thân làm hết những công việc lặt vặt vì không có người hỗ trợ. Nhìn mặt ai cũng xác xơ, sụt ký. Nhưng họ rất sung sức.

Cao Thanh Danh nói: “Cuộc thi là dịp để tôi tự giới thiệu mình, hy vọng sẽ có người cho tôi cơ hội tiếp tục làm nghề”. Thanh Nga, Phi Long, Trần Minh Bảo Quốc, Phan Ngọc Thức đều có chung tâm sự. Bởi họ khó chen chân được vào những sân khấu đã có chủ, chỉ hy vọng sau cuộc thi này có người sẽ hỗ trợ về điểm diễn, thậm chí mua dàn để họ đi lưu diễn, phục vụ giá hữu nghị cũng được.

Hành trình của đạo diễn trẻ còn rất nhiều gian khó, nhưng “Chúng tôi không thể bỏ nghề. Đã theo thì ráng mà theo cho trót” - đạo diễn Thanh Nga cười, chia sẻ.

Hoàng Kim - Hoàng Vũ

>> Tài năng trẻ được Forbes vinh danh
>> Phát triển tài năng trẻ
>> Đêm trình diễn của các tài năng trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.