Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 1: “Vua” lộc bình giấy

24/04/2013 03:10 GMT+7

Có người nói anh dở hơi, bỗng dưng bỏ công việc ổn định để theo đuổi ý tưởng mơ hồ. Vợ anh từng "hết nước mắt" khi anh quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Còn anh quyết theo đuổi niềm đam mê đến cùng.

Có người nói anh dở hơi, bỗng dưng bỏ công việc ổn định để theo đuổi ý tưởng mơ hồ. Vợ anh từng "hết nước mắt" khi anh quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Còn anh quyết theo đuổi niềm đam mê đến cùng.

Từ những sóng giấy

Anh Hàn Quốc Định (49 tuổi, ở P.Vĩnh Hải, TP.Nha Trang) đến với lộc bình giấy như duyên trời định. Sau 18 năm làm việc tại một công ty bao bì ở Nha Trang, những sóng giấy carton cứ lặp đi lặp lại đã gieo vào suy nghĩ của anh Định về điều gì đó bất tận. Trong anh hình thành ý tưởng làm sao để những cuộn giấy này trở nên có hồn, sống động qua một tác phẩm nghệ thuật. Nhưng tác phẩm cụ thể là gì thì phải mất hai năm trăn trở anh mới biết đó là lộc bình giấy.

Họa sĩ Hàn Quốc Định bên cặp lộc bình giấy hình rồng thời Lý 
Họa sĩ Hàn Quốc Định bên cặp lộc bình giấy hình rồng thời Lý - Ảnh: Nguyễn Chung

Nhiều người tin rằng lộc bình có thể đem lại sự sung túc về tiền bạc, phát tài phát lộc, sự sinh sôi nảy nở, những điều mới mẻ, may mắn cho gia chủ. Người có cách nhìn phong thủy nói rằng, hình dạng của lộc bình (thân phình to, cổ thắt lại, miệng loe ra) có tác dụng thu và giữ khí rất tốt, nhất là khi kết hợp với các hoa văn uốn lượn hoặc trạm trổ rồng, phượng sẽ làm tăng thêm sự huyền ảo, lưu chuyển, tụ hội của trường năng lượng. Thú chơi lộc bình có từ xa xưa, lộc bình bằng chất liệu gỗ là phổ biến nhất, về sau có lộc bình bằng pha lê, đá quý, mạ vàng... nhưng lộc bình bằng giấy thì trước anh Định có lẽ chưa ai làm.

Từ khi niềm đam mê trong anh hối thúc, ngoài công việc ở công ty, anh Định hầu như dành hết thời gian cho lộc bình giấy. Cuối năm 2012, sau gần 4 tháng tỉ mỉ cắt dán từng mẩu giấy để tạo hình bình và hoa văn, anh Định hoàn thành cặp lộc bình khổng lồ có hình rồng thời Lý, chiều cao hơn 2 m, mỗi chiếc nặng 40 kg, chu vi lớn nhất của bình 1,9 m, nhỏ nhất 0,72 m, hoa văn hình rồng dài 4,1 m. Hình ảnh con rồng thời Lý mình thon mềm mại, uốn khúc hình sin, bàn chân có 3 ngón tượng trưng: thiên, địa, nhân; miệng rồng ngậm minh châu, xung quanh đầu cũng có những viên châu. Bề mặt lộc bình được phủ lên một lớp nhũ vàng, nhằm tăng tính thẩm mỹ và độ bền cho tác phẩm. “Từng chi tiết nhỏ nhất trên tác phẩm đều phải được làm tỉ mỉ, vì nếu không biết trân trọng những cái nhỏ thì không thể tạo nên những điều lớn lao hơn. Khó nhất là làm sao tạo ra con rồng có hồn, sống động, vừa uy vũ vừa mềm mại, uyển chuyển”, anh Định nói.

Hiện cặp lộc bình này đã được anh Định đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam, sau đó bán đấu giá để làm từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo.

Bỏ việc theo đam mê

Anh Định kể: “Càng ngày tôi càng mê lộc bình giấy, kể cả lúc ăn, lúc ngủ tôi cũng lên ý tưởng cho những chi tiết nhỏ nhất. Tôi quyết định nộp đơn xin nghỉ việc từ đầu năm 2013, vì đi làm mà đầu óc cứ nghĩ đến lộc bình giấy thì không làm được. Nhiều người cho tôi là dở hơi, bạn bè nói là “đi trên mây”, vợ thì khóc lóc vì sắp tới không biết lấy tiền đâu mà sống. Tôi đã đấu tranh tư tưởng cả năm trời, giữa một bên là đam mê nghệ thuật và một bên là miếng cơm manh áo. Cuối cùng tôi theo đam mê”.

Sau khi hoàn thành cặp lộc bình giấy hình rồng thời Lý, anh Định hứa với lòng sẽ làm một cặp lộc bình lớn hơn, đẹp hơn tặng Trường Sa. Nghỉ việc ở công ty, anh toàn tâm toàn ý thực hiện ước muốn của mình. Đến nay, cặp lộc bình có tên Việt Nam long hình đồ đã cơ bản hoàn thành, mỗi chiếc cao 2,41 m, nặng khoảng 60 kg, chu vi lớn nhất 2,4 m, nhỏ nhất 0,72 m. Trên thân lộc bình, một mặt là bản đồ Việt Nam mang dáng hình con rồng đang bay lên, chân rồng ôm chặt lấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một mặt hình ảnh cột mốc chủ quyền hai quần đảo ấy. Hoa văn trang trí trên cổ lộc bình là những cánh hoa sen. Anh Định nói: “Có người gợi ý tôi làm lộc bình bằng khung tre, lớp bên ngoài sử dụng giấy, để có thể hoàn thành tác phẩm nhanh hơn, nhưng tôi không chịu. Tất cả đều phải được làm từ giấy, bản đồ hình rồng được gắn kết với nhau từ hàng ngàn mẩu giấy nhỏ”.

Khi được hỏi: “Làm thế nào để cặp lộc bình giấy có độ bền trong điều kiện nắng gió ở Trường Sa?”, anh Định cười nói: “Tôi có kinh nghiệm trong ngành bao bì nên sử dụng các chất chống thấm không độc hại để tăng “tuổi thọ” cho tác phẩm. Cặp lộc bình đảm bảo không bị thấm nước, không bị mối mọt và chịu được va đập”.

Mong muốn lớn nhất của anh Hàn Quốc Định là từ ý tưởng của mình có thể phát triển thành nghề làm lộc bình giấy, anh sẽ nhận những trẻ em nghèo để truyền nghề.

Theo dự định, anh Định sẽ đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam cho cặp lộc bình Việt Nam long hình đồ là Cặp lộc bình giấy lớn nhất Việt Nam, sau đó gửi tặng quân và dân huyện đảo Trường Sa trong dịp Festival Biển Nha Trang 2013 (diễn ra từ 8-11.6).

Nguyễn Chung

>> Festival nghề truyền thống Huế - 2007: Trưng diễn ba nghề thủ công tuyệt kỹ Việt Nam
>> Rối gỗ, nghề thủ công 900 tuổi ở Việt Nam
>> Bỉ hỗ trợ làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.