Chậm trục vớt, cổ vật “bốc hơi”

26/04/2013 03:30 GMT+7

Phát hiện sớm, nhưng do chậm trục vớt nên nhiều cổ vật trong chiếc tàu đắm ở vùng biển Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) bị người dân khai thác trái phép đến cạn kiệt.

Ngày 25.4, Sở VH-TT-DL tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã báo cáo kết quả khai quật chiếc tàu cổ bị chìm ở vùng biển H.Côn Đảo. Theo báo cáo, chi phí để khảo sát khai quật gần 2 tỉ đồng, trong đó gần 1 tỉ là để lực lượng Bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày khai quật chỉ thu về 300 tiêu bản hiện vật chủ yếu là đồ gốm sứ và đất nung, gồm các loại hình hũ, bình, ấm, lọ, và một số bát, tô tráng men... và các vật dụng kim loại bằng đồng như gương, quả rọi, quả cân, muôi, tiền xu...

Do bị khai thác lén lút nên các cổ vật thu được không nhiều và không còn nguyên vẹn
Do bị khai thác lén lút nên các cổ vật thu được không nhiều và không còn nguyên vẹn
- Ảnh: Nguyễn Long
 

Theo báo cáo của Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vào tháng 4.2012, tại Côn Đảo đã có nhiều tàu cá của ngư dân phát hiện vị trí tàu cổ chìm. Nhiều người đã tung tin và bán tọa độ tàu cổ chìm với giá 100 triệu đồng. Ngày 9.7.2012, Bộ đội biên phòng 540 Côn Đảo mới cho mời những ngư dân biết vị trí tàu cổ chìm và sau đó triển khai công tác bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều tàu ngư dân khác đã lén lút đến vị trí tàu chìm để lặn vớt trái phép.

Ông Phạm Chí Thân - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết việc trục vớt chậm đã làm cho cổ vật bị ngư dân lấy đi quá nhiều. “Hiện trường khu vực tàu chìm chứng tỏ đã bị cào bới, chà đi xát lại nhiều lần, vì vậy những cổ vật thu được đều không còn nguyên vẹn”.

Sau khi nghiên cứu giám định các mẫu tiền cổ còn rõ chữ, các chuyên gia đã xác định được năm loại tiền thời Tống, hai loại tiền triều đại nhà Minh. Ông Thân cho biết: "Căn cứ những hiện vật thu giữ được, cho thấy đây có thể là con tàu chở hàng hóa của các thương gia trên con đường tơ lụa từ đông sang tây bị đắm vào cuối thế kỷ 14, cách nay khoảng hơn 600 năm. Vì hiện trạng con tàu chỉ còn dấu tích một số mảnh ván và chưa có tài liệu nào khác xác minh về chủ nhân, nên công việc nghiên cứu còn tiếp tục". Tại buổi họp, TS Nguyễn Đình Chiến - Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng điều tra, thu hồi các cổ vật bị khai thác trộm.

Nguyễn Long

>> Xét xử 11 bị cáo trong vụ náo loạn vùng biển vì cổ vật
>> Ứng xử với cổ vật
>> Khẩn trương khai quật cổ vật trên tàu đắm
>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 5: Những chiếc ấn mang dấu thời gian
>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 4: Nét hoa văn gợi nhớ một vương triều
>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 3: Chiếc ống sứ cổ và tình bạn vong niên
>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 2: Tượng 500 năm tuổi giữa đồng
>> Kỳ thú cổ vật - Tượng người châu Phi lõa thể ở Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.