Ấn, Nhật, Philippines đồng loạt tố cáo Trung Quốc

28/04/2013 03:25 GMT+7

Trung Quốc đang bị cáo buộc có hành vi xâm lấn trắng trợn tại nhiều nơi, từ đại dương đến đất liền, từ biển Đông đến Hoa Đông.

Theo AFP hôm qua, trong buổi điều trần trước Quốc hội Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Shashi Kant Sharma cho hay khoảng 30 binh sĩ Trung Quốc đã xâm nhập sâu đến gần 20 km vào vùng đất đang do New Delhi kiểm soát. Vào ngày 15.4, lực lượng biên phòng Ấn Độ phát hiện nhóm binh sĩ trên vượt qua giới tuyến LAC không chính thức giữa 2 nước và ngang nhiên dựng trại tại khu vực Ladakh. Để đối phó, Ấn Độ đã điều Lữ đoàn bộ binh Ladakh Scouts đến chốt tại vị trí cách trại lính Trung Quốc khoảng 500 m. Trước đó, báo The Times of India loan tin 2 trực thăng quân sự của Trung Quốc cũng xâm phạm không phận Ladakh, lượn lờ một lúc rồi thả xuống một số hộp thực phẩm, thuốc lá và giấy tờ để “đánh dấu hiện diện” trước khi trở về. New Delhi và Bắc Kinh vẫn chưa hoàn thành phân giới chính thức và còn tranh chấp ở nhiều khu vực, nhưng 2 bên đã ký các thỏa thuận vào năm 1993 và 1996 cam kết duy trì hòa bình dọc LAC. Đây là lần đầu tiên lính Trung Quốc bị cáo buộc vượt qua đường biên này xa đến vậy.

 Biểu tình phản đối Trung Quốc tại New Delhi
Biểu tình phản đối Trung Quốc tại New Delhi - Ảnh: AFP

Đến nay, mọi cuộc đàm phán ngoại giao nhằm giải quyết vụ việc vẫn chưa mang lại kết quả nào khi Trung Quốc bác bỏ cáo buộc và khẳng định binh sĩ của mình “chưa hề lấn qua LAC”. Đến ngày 27.4, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng vấn đề sẽ được giải quyết hòa bình”. Ông cho biết thêm New Delhi đã có một kế hoạch nhưng không nói rõ chi tiết. AFP dẫn lời chuyên gia Sujit Datta tại New Delhi cho rằng hành động của Trung Quốc đã được tính toán kỹ lưỡng nhằm “dằn mặt” trước việc Ấn Độ tăng cường phòng thủ và xây dựng cơ sở hạ tầng tại biên giới. Trong khi đó, đáp lại những lời chỉ trích rằng chính phủ tỏ ra mềm yếu trước Trung Quốc, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid khẳng định trên tờ India Today: “Ấn Độ không phải dễ ăn hiếp. Chúng tôi không sợ Trung Quốc”.

 Tàu Ngư chính 310 của Trung Quốc trong một đợt tuần tra gần bãi cạn Scarborough - Ảnh: News.ccvic.com
Tàu Ngư chính 310 của Trung Quốc trong một đợt tuần tra gần bãi cạn Scarborough
- Ảnh: News.ccvic.com

Cũng trong ngày 27.4, tờ Sankei Shimbun dẫn lời giới chức giấu tên của Nhật Bản cho hay chỉ trong ngày 23.4 đã có 40 lần máy bay quân sự Trung Quốc bay gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Theo đó, máy bay Trung Quốc, bao gồm máy bay tiêm kích Sukhoi Su-27 và Su-30, tiến đến vùng trời Senkaku/Điếu Ngư cùng lúc với 8 tàu hải giám đi vào vùng biển 12 hải lý ngoài khơi quần đảo. Lực lượng Nhật đã lập tức triển khai chiến đấu cơ F-15 từ đảo Okinawa để ứng phó và giới chức nhận định đây là “mối đe dọa chưa từng có”. Bộ Quốc phòng Nhật chưa chính thức xác nhận thông tin trên, vốn được đưa ra một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Senkaku/Điếu Ngư là “lợi ích cốt lõi” của nước này.

Chưa hết, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 26.4 tố cáo Trung Quốc đang cố áp đặt “sự chiếm đóng trên thực tế” đối với bãi cạn Scarborough ở biển Đông, theo AFP. Ông cho hay 3 tàu công vụ Trung Quốc vẫn đang lượn lờ gần bãi cạn này để xua đuổi ngư dân Philippines, bất chấp cam kết cùng rút tàu ra khỏi khu vực sau đợt căng thẳng hồi giữa năm ngoái. Bên cạnh đó, Kyodo News dẫn lời một nhà ngoại giao Philippines khẳng định nước này sẽ theo đuổi vụ kiện Trung Quốc về tranh chấp biển Đông tại tòa án quốc tế “bằng mọi cách” và dứt khoát từ chối đề nghị giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ song phương của Bắc Kinh. Trung Quốc chưa phản ứng về các tuyên bố trên.

Tàu du lịch phi pháp xâm phạm Hoàng Sa

Theo cổng thông tin China.org.cn, vào hôm nay (28.4), giới chức tỉnh Hải Nam, Trung Quốc chính thức cho nhổ neo một tàu du lịch chở khách trái phép ra quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Con tàu chở 100 người  “được chọn lựa kỹ lưỡng về sức khỏe, nhân thân” và truyền thông Trung Quốc đưa tin giới hữu trách nước này sẽ phối hợp “bảo đảm an ninh” cho chuyến du lịch này. Trước đó, theo TTXVN, đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ kế hoạch du lịch ra Hoàng Sa của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Ngày 12.4, đại diện Bộ Ngoại giao đã trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối kế hoạch này.

Lê Loan

>> Xung đột biên giới Ấn Độ-Trung Quốc có thể được giải quyết
>> Trung Quốc tuyên bố Senkaku/Điếu Ngư là “lợi ích cốt lõi”
>> Mỹ lo ngại chi tiêu quân sự của Trung Quốc
>> Việt Nam theo dõi sát tiến trình vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc
>> Trung Quốc lên giọng với Philippines về biển Đông
>> Căng thẳng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc
>> Đồn đoán Trung Quốc lập hạm đội mới
>> Trung Quốc chuẩn bị lập hạm đội hải quân thứ 4?
>> Trung Quốc nói Mỹ, Nhật “khiêu khích” khi lên lịch tập trận chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.