“Gia đình Robinson” trên đảo Trần

30/04/2013 09:01 GMT+7

Đó là cặp vợ chồng đầu tiên sinh sống ở đảo Trần, hòn đảo tiền tiêu của tỉnh Quảng Ninh.

>> Quảng Ninh thu hút thanh niên ra đảo tiền tiêu

Từ bỏ nghề làm nông ở tại xã Phú Hải, H.Hải Hà, anh Hoàng Văn Hiển (35 tuổi, quê Hải Phòng) và chị Nguyễn Thị Cảnh (33 tuổi) đã ra đảo Trần lập nghiệp 8 năm trước khi nơi này còn hết sức hoang sơ, chỉ có bộ đội biên phòng (Đồn số 6) đóng quân.

 Đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Ninh thăm gia đình anh chị Hiển - Cảnh
Đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Ninh thăm gia đình anh chị Hiển - Cảnh - Ảnh: BQL

Gửi con trai nhà ngoại, anh chị ra đảo dựng một căn nhà bằng cót ép, thắp đèn dầu, ăn nước giếng khơi. Anh Hiển sắm một cái thuyền đi quanh đảo đánh bắt cá tôm, chị Cảnh mở một lán nhỏ bán hàng tạp hóa cho bộ đội biên phòng và những tàu thuyền đánh cá đi qua.

Năm 2009, chị về Hải Hà sinh con thứ 2. Cháu bé tên Việt Anh được 40 ngày tuổi đã được mẹ bế ra đảo làm bạn với sóng gió. Cá tôm đánh được, anh chị bán lấy tiền mua sữa cho con nhỏ, gửi về cho bà ngoại nuôi con lớn. 

Bé Việt Anh cứ thế lớn lên, da đen giòn, mắt đen láy, tiếng cười trong veo. Đó là em bé đầu tiên trên đảo Trần, được các chú bộ đội biên phòng nâng như nâng trứng.

Năm 2012, chị Cảnh nuôi thêm gà vịt, trồng rau màu. Công việc đi biển của anh Hiển khá thuận lợi, hàng hóa của chị Cảnh bán được nhiều hơn, gia đình anh chị mua được tủ lạnh, ti vi màu, được tỉnh đoàn Quảng Ninh hỗ trợ, gia đình có một căn nhà gạch khang trang. Năm nay, Việt Anh đã 5 tuổi, mới về lại Hải Hà để đến trường vì nơi đây vẫn chưa có cơ sở y tế và trường học dù đã bớt khắc nghiệt hơn.

Đảo Trần sắp thành đảo thanh niên

Một ngày cuối tháng 4, trong một buổi giao lưu với thanh niên Quảng Ninh, chị Cảnh như một “ngôi sao” khi nhận được rất nhiều hoa và nhiều câu hỏi của các bạn trẻ về việc cuộc sống ở đảo Trần. Người phụ nữ dũng cảm dám xây dựng cuộc sống ở đảo hoang thổ lộ: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm. Ngoài đảo Trần giờ đã có điện chạy bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, có chảo kỹ thuật số thu sóng truyền hình Việt Nam, một tuần có 2 chuyến đò máy về đất liền. Chúng tôi chỉ mong có nhiều người ra đảo sống hơn, có bệnh viện, trường học để các con không phải xa bố mẹ”.

Ước muốn của gia đình anh chị Cảnh không còn bao xa nữa, khi trong tương lai, có đến 30 hộ gia đình sẽ ra đảo Trần theo dự án đưa dân ra đảo Trần của UBND tỉnh Quảng Ninh. Nhiều đoàn thanh niên tình nguyện đã ra đảo phát quang cỏ dại, lắp đặt hệ thống điện chạy bằng năng lượng gió, mặt trời. Các đầu thu kỹ thuật số đã sẵn sàng để bắt sóng truyền hình Việt Nam. Khó khăn lớn nhất là thiếu nước ngọt được các đơn vị trong tỉnh chia sẻ bằng cách ủng hộ các téc trữ nước ngọt.

 Gia đình anh chị Hiển - Cảnh trên đảo Trần
Gia đình anh chị Hiển - Cảnh trên đảo Trần - Ảnh: Anh Tòng

Anh Hoàng Bá Nam, Bí thư tỉnh đoàn Quảng Ninh cho biết: tỉnh đoàn đã nhận được 200 đơn xin ra đảo Trần (trong đó 81 đơn là của hộ gia đình thanh niên). Trong năm 2013, khoảng 15 gia đình được chọn từ đất liền ra đảo. Tất cả những người ra đảo phải trong độ tuổi thanh niên và phải chứng minh có đủ sức khỏe, khả năng hoạt động ngư nghiệp, canh tác nông nghiệp trong thời gian dài.

Mỗi gia đình được hỗ trợ vốn vay ban đầu (khoảng 38 triệu đồng) để mua ngư cụ, lấy vốn sản xuất. Cơ sở hạ tầng như năng lượng điện, thiết bị thu phát sóng, téc trữ nước ngọt được giúp đỡ. Các hộ gia đình cũng sẽ được tham gia các lớp học miễn phí về cách nuôi trồng thủy sản, đánh cá, câu mực. Định kỳ sẽ có các buổi khám chữa bệnh từ các bác sĩ tình nguyện trong đất liền.

Từ khát vọng được sống trên hòn đảo tiền tiêu của những người trẻ, không bao lâu nữa, ở đảo Trần sẽ có thêm những gia đình Robinson mới.

Nguyễn Thúy Hằng

>> Đảo tiền tiêu sắp sáng bừng ánh điện
>> Ăn Tết sớm trên đảo tiền tiêu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.