Nghĩa trang Nhân dân Bình An có bị giải tỏa?

02/05/2013 14:00 GMT+7

(TNO) Thông tin về việc mở đường ảnh hưởng tới một phần nghĩa trang Bình An, trước đây là nghĩa trang Biên Hòa thuộc Quân đội VNCH, khiến nhiều người lo ngại. Thanh Niên Online đã gặp những người có quyền quyết định để làm rõ vấn đề.

>> Khoảng lặng nơi Nghĩa trang Nhân dân Bình An
>> 38 năm non sông một dải

Ông Phạm Tấn Phát - Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Nhân dân Bình An - cho biết nghĩa trang này có từ năm 1968 với diện tích khoảng 25 ha. Hiện nay, còn khoảng 18.000 ngôi mộ hiện hữu.

Do thời gian sau 1975, nhiều ngôi mộ đã được người thân bốc cốt mang về quê nhà an táng, nên theo ông Phát, số ngôi mộ thực chất có cốt vào khoảng 16.000. Trong đó, có khoảng trên 5.000 ngôi mộ có bia, tên nhưng không thấy người đến nhận, thăm viếng. Số ngôi mộ bị mất bia, tên cũng khá nhiều, khoảng 6.000.

Nghĩa trang Bình An có bị giải tỏa? 2

Nghĩa trang Bình An có bị giải tỏa? 3
Người dân đến viếng mộ người thân tại Nghĩa trang Nhân dân Bình An - Ảnh: Đỗ Trường

Giải thích về số ngôi mộ hiện hữu, ông Lê Ngọc Thuận, Phó trưởng ban quản lý nghĩa trang, cho biết sau ngày 30.4.1975, nghĩa trang được giao lại cho một đơn vị quân đội quản lý. Đến năm 2007, nghĩa trang được giao lại cho địa phương là UBND thị xã Dĩ An. UBND thị xã Dĩ An giao lại cho Công ty công trình công cộng Dĩ An quản lý, công việc chủ yếu là bảo vệ, cắt tỉa cây xanh, diệt cỏ, vệ sinh…

“Trong quá trình chuyển giao và sau ngày thống nhất, có những ngôi mộ được người dân mang cốt về quê hương chôn cất, khi đào đất lên thì tạo thành những ụ đất bên cạnh ngôi mộ cũ. Thời gian và mưa nắng xói mòn, những ụ đất này có hình thù giống như ngôi mộ. Do đó, khi tiếp nhận rà soát, thống kê để tu bổ, quản lý thì chúng tôi không thể thống kê hết vì không dám chắc dưới những ụ đất đó có cốt hay không”, ông Thuận nói.

 

Nghĩa trang Bình An có bị giải tỏa? 1

UBND tỉnh Bình Dương không quy hoạch tuyến đường đi qua Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Việc đo vẽ, cắm mốc trước đây là do ở địa phương thực hiện không đúng. Tôi đã chỉ đạo UBND thị xã Dĩ An dẹp bỏ hết những cái đó

Ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Ông Nguyễn Hữu Trí - Giám đốc xí nghiệp công trình công cộng nghĩa trang thị xã Dĩ An - cho biết hiện nay nghĩa trang đã được quy hoạch lại, phân ra thành 8 khu được đánh dấu theo thứ tự chữ cái A, B, C để thuận tiện cho thân nhân đến tìm kiếm, tôn tạo, chăm sóc mộ. Ở mỗi khu mộ đã được xây dựng một bàn thờ chung và ở tượng đài chính cũng được xây một bàn thờ mới.

Phía bên trong và xung quang tượng đài, phóng viên nhận thấy chính quyền đã cho trồng hoa, cây kiểng theo hình thức công viên.

“Không có quy hoạch con đường đó”

Thời gian qua, nhiều gia đình có mộ người thân nằm trong Nghĩa trang Nhân dân Bình An lo ngại việc chính quyền địa phương quy hoạch tuyến đường đi ngang qua một phần Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Nếu tuyến đường này được thực hiện sẽ phá vỡ một phần khuôn viên nghĩa trang, ảnh hưởng đến hàng trăm ngôi mộ.

Một số thông tin cũng cho rằng quy hoạch tổng thể của UBND thị xã Dĩ An đến năm 2020 có quy hoạch tuyến đường vành đai đi qua nghĩa trang nối thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) hiện nay với tuyến metro Suối Tiên - TP.HCM. Tuyến đường có chiều dài khoảng trên 1 km (theo hình cong) đi qua một phần Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Ở đoạn đầu và cuối, tuyến đường đi vòng vào một phần nghĩa trang ôm vòng sát với tuyến đường hiện có. Ở đoạn cong nhất thì tuyến đường băng ngang qua một phần nghĩa trang.

Từ những lo ngại của người có mộ người thân nằm trong Nghĩa trang Nhân dân Bình An, phóng viên Thanh Niên Online đã phản ánh với chính quyền địa phương. Làm rõ vấn đề này, theo tìm hiểu của phóng viên, vào năm 2009, UBND huyện Dĩ An (hiện nay thị xã Dĩ An) thực hiện quy hoạch kinh tế - xã hội chung của Dĩ An (quy hoạch tổng thể theo định kỳ 5 năm một lần, nếu quy hoạch tiếp theo sẽ được điều chỉnh tiếp). Trong quy hoạch tổng thể đó, UBND huyện Dĩ An có đề xuất quy hoạch tuyến đường vành đai đi qua Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Một vị lãnh đạo ở Bình Dương cho biết: “Đến nay, đã hơn 5 năm, có nghĩa là quy hoạch đã đến thời hạn điều chỉnh, quy hoạch lại và trong quy hoạch mới thì không có tuyến đường này. Vấn đề là một số việc đo vẽ, cắm mốc trước đây của quy hoạch cũ mà còn để đến nay là thiếu sót của địa phương”.

Nghĩa trang Bình An có bị giải tỏa? 4
Nhiều ngôi mộ có bia ghi rõ thông tin về người chết - Ảnh: Đỗ Trường

Chiều 27.4, trả lời phóng viên qua điện thoại, ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết: “UBND tỉnh Bình Dương không quy hoạch tuyến đường đi qua Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Việc đo vẽ, cắm mốc trước đây là do ở địa phương (huyện Dĩ An cũ - PV) thực hiện là không đúng. Tôi đã chỉ đạo UBND thị xã Dĩ An dẹp bỏ hết những cái đó. Vấn đề này tôi cũng đã trả lời Thông tấn xã Việt Nam, Bình Dương không có quy hoạch con đường đó”, ông Lê Thanh Cung khẳng định.

Thực tế, ngày 23.4, phóng viên có mặt tại Nghĩa trang Nhân dân Bình An thì các công nhân đã dọn dẹp hết những cọc mốc được cắm trong quá trình đo vẽ trước đây, trả lại hiện trạng nguyên vẹn cho khuôn viên nghĩa trang.

Thuộc thẩm quyền địa phương

Trao đổi với Thanh Niên Online, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết dự án đại lộ Đông Tây do Bộ phê duyệt quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/2.000. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết 1/500 do địa phương chịu trách nhiệm phê duyệt. Liên quan đến tuyến đường vành đai Đông Tây nối thành phố mới Bình Dương với tuyến Metro Suối Tiên - TP.HCM đi qua khu vực có nghĩa trang nói trên, ông Trường cho biết không nắm được thông tin chi tiết, vì Bộ chỉ chịu trách nhiệm phê duyệt quy hoạch tổng thể. “Khi triển khai thực hiện cụ thể, cắm mốc giải phóng mặt bằng địa phương vẫn có thể được điều chỉnh, miễn là đảm bảo quy hoạch tổng thể chung”, ông Trường nói.

Mai Hà

 Đỗ Trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.