(TNO) Liên tiếp 4 vụ du khách nước ngoài bị bắt chẹt, "chặt chém" xảy ra trên địa bàn Thủ đô Hà Nội chỉ trong tháng 4.2013. Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay: “Những chuyện "chặt chém", lừa đảo như thế đã diễn ra hàng chục năm nay rồi và một mình ngành du lịch không thể chống chọi nổi”.
Cụ thể, ngày 4.4, tại khu vực phố cổ, bằng việc đặt đôi quang gánh, đội chiếc nón lá lên đầu để chụp ảnh lưu niệm, rồi bán 3 quả dứa, bà Lê Thị Sinh đã bắt chẹt hai du khách người Đức phải trả số tiền 840.000 đồng.
Trưa 23.4 bà Ilona Schultz (quốc tịch Úc), cùng hai con nhỏ lên một chiếc xích lô đi từ Lăng Bác về Nhà hát múa rối Thăng Long trên phố Đinh Tiên Hoàng (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), với thỏa thuận 70.000 đồng cho quãng đường dài 5 km. Tuy nhiên, khi tới nơi, tài xế xích lô Phạm Văn Chiêu đã lấy của bà Ilona Schultz 1,3 triệu đồng.
Tài xế taxi Chiêu (ngoài cùng bên phải) - Ảnh: Nam Anh
Tới ngày 24.4, sau khi xuống sân bay quốc tế Nội Bài, 3 du khách người Pháp đã bị một tài xế taxi và nhân viên khách sạn cấu kết lừa đảo, thậm chí còn đe dọa tính mạng. Cho tới khi Công an Q.Hoàn Kiếm vào cuộc, nhân viên khách sạn này mới đứng ra xin lỗi và bồi thường số tiền 10 triệu đồng.
Kế đến, trưa ngày 28.4, đôi vợ chồng người Úc sau khi đi chuyến taxi với lộ trình dài 7 km đã bị tài xế taxi Trung Việt đòi 980.000 đồng.
Nhận định về những vụ việc trên, ông Bình cho biết, việc "chặt chém", cướp giật khách nước ngoài không chỉ diễn ra thường xuyên mà còn rất nhiều. Những trường hợp đó, các doanh nghiệp du lịch đã gửi thư tố cáo, hội cũng lên tiếng gửi công văn cho thành phố. Tuy nhiên, những thư đó đều không có hồi âm.
“Vấn đề là chính quyền có quan tâm thật hay không. Có quan tâm thì sẽ rất khác. Trường hợp khách bị hét giá xích lô 1,3 triệu hay vụ dắt khách Pháp trên phố cổ, chỉ có một ngày đã tìm ra ngay lập tức. Chẳng qua chính quyền có thực sự quan tâm không, Hà Nội có thấy điều đó quan trọng không thôi”, ông Bình phân tích.
Ba du khách người Pháp bị lừa - Ảnh: Nam Anh
Về việc có nên yêu cầu các nhà hàng, khách sạn công khai đường dây nóng để khách phản ánh về dịch vụ, ông Bình cho rằng điều này đã có quy định trong văn bản pháp luật về du lịch. “Cái đó luật Du lịch ghi rõ, Nghị định 92 cũng ghi rõ. Nhưng mà đường dây nóng gọi cho ai. Tổng cục Du lịch không đủ người. Cũng không có công an trong tay. Cảnh sát du lịch cũng không có”, ông Bình nói.
“Ngành du lịch không thể chống chọi với toàn bộ cướp giật lừa đảo trên toàn đất nước này được. Ngành du lịch chỉ có thể bảo vệ khách trong phạm vi của mình thôi. Ngành du lịch làm gì có vũ khí mà chống lại. Nhiều người bảo du lịch phải có cái này cái kia. Nhưng ngoài luật ra ngành du lịch làm gì có gì trong tay”, ông Bình chia sẻ.
Khách tự do phải tự lo?
Những trường hợp khách bị lừa ở trên, có thể thấy đều không phải khách đi theo tour. Điều này, theo các chuyên gia, rất khó có thể nói chỉ là trách nhiệm của ngành du lịch. “Những quy định ở các điểm vui chơi, nơi công cộng đều là cách để bảo vệ khách du lịch. Những người nào đi theo tour thì được phục vụ. Những người không mua tour thì phải tự phục vụ. Ngành du lịch bảo vệ họ bằng luật lệ, bằng quy định. Tất cả các nước đều thế”, ông Bình cho biết.
Điều này cũng rất giống với quan điểm của PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch: “Khách đi theo tour thì công ty phải chịu trách nhiệm lo cho khách không bị hại, liên hệ nếu khách bị hại. Khách đi lẻ thì phải tự mình chịu”.
Ông Lương cũng nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo địa phương: “Giữ trật tự an ninh là chuyện của lãnh đạo địa phương. Đó là vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói: “Cái này Tổng cục không thể quản lý trực tiếp thay địa phương được. Những chuyện như thế vào mùa cao điểm thì năm nào cũng có, nơi nào cũng có. Chúng tôi chỉ có thể khuyến cáo và không thể làm thay địa phương được”.
Hà An - Trinh Nguyễn
Bình luận (0)