Di tích phố Hội đang bị biến dạng một phần là do áp lực ngày càng gia tăng của phát triển du lịch. Sự quá tải biểu hiện rõ ở chỗ nhiều thế hệ trong một gia đình chen chúc sống trong một ngôi nhà.
Di tích bị xâm hại
Ông Tống Quốc Hưng, Phó phòng Văn hóa - Thông tin TP.Hội An cho biết: “Do lịch sử tản cư nên tại phố cố ngày nay có nhiều di tích đang bị người dân cơi nới, dựng nhà ở khiến cho các địa chỉ này bị xâm hại nghiêm trọng. Trong đó, ba di tích gồm: Văn chỉ Minh Hương (thờ Khổng tử), Tín Nghĩa từ, Tín Thiện tộc đang bị một số hộ dân xâm chiếm để làm nhà ở”. Riêng nhà thờ Tín Thiện tộc-Miếu m hồn (tại P.Minh An) đang bị biến dạng vì sự xâm hại của con người. Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích TP.Hội An, di tích này tọa lạc trên khoảng đất rộng chừng 500 m2. Tại đây vẫn còn lưu giữ hai mộc bản ghi hai bài vị Lịch đại tiên vàng bằng chữ Hán có nội dung ghi tên, họ những người quá cố được thờ tự. Tuy nhiên, ngôi miếu chỉ còn lại 2/5 gian thờ tự, di tích thì bị biến dạng thấy rõ.
|
Để bảo vệ di tích này, mới đây, ngành chức năng TP.Hội An đã tiến hành các biện pháp di dời nhà dân ra khỏi khuôn viên ngôi miếu. Một số hộ dân sinh sống tại ngôi miếu này được hỗ trợ giải tỏa để chuyển đến khu tái định cư. Trong đó, sẽ ưu tiên việc di dời hai hộ dân sống cạnh hai gian miếu bị sập để dành diện tích phục hồi. Ông Hưng nói: “Chuyển các hộ dân sống trong các di tích về nơi ở mới là việc rất cần để bảo vệ di tích đang bị xuống cấp. Hiện chúng tôi cũng thực hiện phương án giãn dân ra khối phố 8, P.Thanh Hà để giảm áp lực dân số lên kiến trúc phố cổ”.
Giữ tính chân xác
Để ngăn hiện tượng biến dạng di tích và giữ tính chân xác trong công tác bảo tồn nhà cổ, chính quyền TP.Hội An đã ra nhiều quy định việc xây dựng mới, cải tạo, tu bổ trong khu phố cổ. Qua đó, đã thành lập đội kiểm tra việc tôn tạo các di tích, nhà cổ; quán triệt quy chế bảo tồn phố cổ đến từng người dân để thực hiện. “Qua quá trình kiểm tra các nhà cổ đang trùng tu nếu phát hiện sai phạm, sẽ đình chỉ, lập biên bản. Và sẽ xử phạt nặng đối với những chủ hộ là người địa phương, bởi họ đã biết nguyên tắc mà không thực hiện. Mới đây, một chủ hộ đã bị phạt đến 25 triệu đồng (khung phạt cao nhất), buộc tháo dỡ không gian xây dựng trái phép...”, ông Tống Quốc Hưng nói thêm. Theo thạc sĩ Phạm Phú Ngọc (Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An), trong tu bổ di tích cần duy trì tính chân xác về lịch sử và tính nguyện vẹn của di sản văn hóa. Nên mỗi sự can thiệp phải dựa trên nền tảng cơ bản nghiên cứu chính xác và được đánh giá đầy đủ.
Thạc sĩ Ngọc dẫn trong báo cáo của mình: “Công việc sửa chữa các di tích, quy định quan trọng nhất là giữ lại các vật liệu cũ. Việc thay thế có thể tiến hành, nhưng ở giới hạn nhỏ nhất”. Các vi kèo thường được trang trí, cấu tạo rất công phu và đó chính là sự hấp dẫn của các ngôi nhà cổ. Một phương pháp trong tu bổ khẩn các cấu kiện kèo là thay thế phần lõi hư hỏng nhưng phải giữ lại phần gỗ nguyên gốc trang trí hai bên.
Giảm tải cho phố cổ
Theo ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy TP.Hội An, thời gian qua, TP quyết liệt chấn chỉnh tình trạng trùng tu không đảm bảo gây biến dạng di tích. Đồng thời, thường xuyên ra quân sắp xếp đường phố để tránh tình trạng việc trưng bày buôn bán biến dạng cảnh quan. “Tương lai tất cả tuyến đường tại phố cổ Hội An đều là đường đi bộ. Các hộ dân sẽ kinh doanh các mặt hàng mang tính truyền thống với hình thức như một bảo tàng tư nhân, để khách du lịch vừa mua sắm vừa ngắm nhìn, chứ không phải là khu thương mại, như cái chợ bây giờ. Dứt khoát về mặt lâu dài phải làm được...”, ông Sự nói.
Ông Sự tiếp lời: “Hội An sẽ trở thành khu du lịch yên tĩnh nhưng phát triển, bán sự yên tĩnh để làm giàu cho dân Hội An. Bản thân sự làm giàu từ yên tĩnh sẽ khiến Hội An ngày càng yên tĩnh hơn. Hội An mà động là thua ngay...”. Theo ông Sự, hiện chính quyền địa phương đang xây dựng một TP có sự riêng biệt.
Trao đổi với Thanh Niên về định hướng phát triển du lịch biển, đảo trong giai đoạn sắp tới, ông Nguyễn Sự cho biết thêm "Hội An còn có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đó là Khu dự trữ sinh quyển thế giới - Cù Lao Chàm. Nhiệm vụ bây giờ là phải mở ra Cù Lao Chàm để vừa giảm áp lực vào phố cổ vừa để du khách lưu trú trên đảo. Ở đó không phải xây dựng nhà cao, cửa lớn, khách sạn 5 sao... mà để cho du khách chiêm ngưỡng, sống với thiên nhiên: leo núi, lặn biển, thể thao nước, ngắm san hồ, thậm chí du khách ngủ dưới bãi biển... Ngoài ra, phải giãn ra vùng ven. Nuôi trâu, trồng lúa bây giờ không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn để làm du lịch…”, ông Sự nhận định.
Hoàng Sơn
>> Đèn lồng Hội An đến Đức
>> Biến dạng di tích phố cổ Hội An
>> Đấu giá khai thác các tuyến đò ở Hội An
Bình luận (0)