Siêu lá chắn giữa chảo lửa

05/05/2013 03:05 GMT+7

Không chỉ trụ vững giữa khu vực Trung Đông nóng bỏng, Israel còn từng bước trỗi dậy với nền công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ.

Cuối thế kỷ 19, người Do Thái bắt đầu di cư trở lại vùng đất Israel ngày nay để tái dựng một quốc gia đã bị tan rã từ cách đó nhiều thế kỷ. Tất nhiên, sự tái dựng không hề dễ dàng và người Do Thái lại phải chờ hơn nửa thế kỷ nữa với bao biến cố thì một nhà nước Israel mới được tuyên bố thành lập. Sau đó, Israel trải qua những cuộc chiến tranh đẫm máu với các quốc gia Hồi giáo lân cận. Dẫu còn nhiều tranh cãi về các cuộc chiến này, nhưng những gì mà Israel làm được vẫn là điều mà nhiều người phải thán phục.

Siêu lá chắn giữa chảo lửa
Vòm Sắt có tỷ lệ đánh chặn chính xác đến 85% - Ảnh: Reuters

Israel không chỉ trông cậy vào sự hỗ trợ của những đồng minh phương Tây mà còn từng bước xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, đủ sức nằm trong nhóm đầu về xuất khẩu vũ khí trên thế giới. Hồi cuối tháng 4.2013, tạp chí Jane’s Defence Weekly dẫn báo cáo từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Tel Aviv từ năm 2002 - 2012 đã trở thành nhà xuất khẩu quân sự lớn thứ 10 toàn cầu. Trước đó, vào ngày 8.4.2013, Hãng thông tấn UPI đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đang xúc tiến nối lại các hợp đồng mua vũ khí của Israel mặc dù 2 nước vẫn còn nhiều bất đồng. Diễn biến này chứng minh sự hấp dẫn của những món “đồ chơi” lợi hại mà Tel Aviv cung cấp. 

Khí tài đa dạng

Sau nhiều năm hợp tác và tự lực phát triển, Israel từng bước sở hữu một nền công nghiệp quốc phòng hiện đại hàng đầu thế giới. Đến nay, chỉ nước này cùng với Mỹ chính thức chế tạo thành công và vận hành máy bay không người lái (UAV) vũ trang. Tel Aviv đang có các loại UAV vũ trang nổi bật như IAI Harop (tầm bay 1.000 km, mang được cơ số đầu đạn nặng 23 kg), IAI Harpy (tầm bay 500 km, mang được cơ số đầu đạn nặng 32 kg). Không chỉ UAV, nước này còn phát triển khá mạnh về máy bay chiến đấu. Điển hình như việc Tel Aviv chế tạo chiến đấu cơ F-16I, dựa trên F-16 của Mỹ. Dự kiến, Israel cũng có thể sớm đạt được bước tiến tương tự với chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35.

Về khí tài bộ binh, Israel hiện rất nổi tiếng với các dòng xe tăng Sabra và Merkava, xe bọc thép RAM-2000. Đặc biệt, tên lửa chống tăng Spike của Israel là một trong những món vũ khí được hàng chục nước chọn mua, kể cả Mỹ, Đức, Anh. Tại Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan cũng đã sở hữu Spike.

Về tàu chiến, Israel ghi dấu trên thị trường bằng các loại tàu tấn công nhanh (FAC) với ưu thế tác chiến linh hoạt, đa nhiệm, vũ khí hiện đại. Theo tạp chí Asian Military Review, Đài Loan từ thập niên 1980 đã tập trung thành lập lực lượng FAC thiện chiến giữa bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh. Trong số 60 chiếc FAC mà Đài Bắc sở hữu, có 35 tàu thuộc lớp Dvora do Tel Aviv nhượng quyền sản xuất. Dvora là loại tàu chiến tấn công nhanh nổi tiếng của Israel. Gần đây, Tel Aviv đã đưa ra thế hệ mới nhất của loại FAC này là Super Dvora MK III đạt vận tốc 90 km/giờ, tầm hoạt động lên đến 700 hải lý (1.300 km). Ngoài ra, nó còn sở hữu 2 pháo cỡ nòng từ 20 - 30 mm, 2 súng máy, tên lửa đối hải và có thể lắp đặt thêm súng phóng lựu để chống người nhái hoặc xe tăng sát bờ biển. Trong đó, hệ thống pháo chính được điều khiển tự động nên có độ chính xác cao. Vì thế, Super Dvora MK III hoạt động hiệu quả trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia để ngăn chặn kịp thời các đợt tấn công bất ngờ. 

Cơ chế thông thoáng

Không chỉ có ưu thế “đồ chơi phong phú”, Tel Aviv còn có một chính sách xuất khẩu vũ khí khá thông thoáng. Cuối năm ngoái, tờ The Times of India dẫn nguồn tin quân sự cho hay Israel đã qua mặt Mỹ để bán đơn hàng tên lửa chống xe tăng trị giá 1 tỉ USD cho Ấn Độ. Theo đó, Washington mất phần do quá miễn cưỡng trong việc cung cấp bản quyền công nghệ để New Delhi có thể tự sản xuất số lượng lớn sau khi mua. Ngược lại, Tel Aviv lại khá “chịu chơi”, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhận bản quyền công nghệ của New Delhi. Đặc biệt, Israel còn tích cực phát triển phiên bản riêng, phù hợp với điều kiện của khách hàng. Trong thương vụ trên, nước này đưa ra phiên bản riêng của tên lửa Spike có tầm bắn từ 8 - 24 km, phù hợp với nhiều điều kiện địa lý của Ấn Độ.

Xa hơn, thông qua Tel Aviv, một số đối tác đang bị hạn chế trong việc mua bán vũ khí với Washington cũng có thể tiếp cận công nghệ vũ khí của Mỹ, vốn được Israel hợp tác phát triển mạnh mẽ. Điển hình như tên lửa Spike khá giống với loại FGM-148 Javelin mà Washington dự định bán cho New Delhi. Tương tự như thế, việc mua Super Dvora MK III của Israel cũng giúp các nước có thể sở hữu những loại vũ khí hiện đại như tên lửa AGM-114 Hellfire của Mỹ. Đó là vì loại hỏa tiễn này vốn nằm trong danh sách vũ khí được trang bị cho Super Dvora MK III.

Tất nhiên, vì quan hệ khắng khít với Mỹ nên Israel sẽ khó bán vũ khí cho những đối tác mà chưa được Washington “bật đèn xanh”. Đó là lý do, mà theo tờ Haaretz, khiến Trung Quốc từng ngậm đắng nuốt cay khi không được Israel thực hiệp hợp đồng nâng cấp UAV hồi năm 2004 chỉ vì Mỹ chẳng đồng ý.

Bức tường lửa

Hồi năm ngoái, tờ Haaretz đưa tin hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng đối với việc xuất khẩu vũ khí của Tel Aviv. Đó là vì siêu lá chắn này đang chứng minh hiệu quả tuyệt vời kể từ khi được triển khai chính thức hồi năm 2011. Vòm Sắt có tỷ lệ đánh chặn chính xác đạt đến 85%, quá lý tưởng đối với một hệ thống đánh chặn các rốc két và đạn pháo 155 mm có tầm bắn từ 4 - 70 km mà các lực lượng vũ trang thường dùng để tấn công Israel. Lâu nay, những hệ thống đánh chặn của Mỹ hay Nga chủ yếu tập trung vào các loại tên lửa có tầm bắn xa hơn hoặc chiến đấu cơ nên chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của Tel Aviv.

Một ưu điểm khác không thể bỏ qua của Vòm Sắt là giá cả chỉ vào khoảng 50 triệu USD cho mỗi khẩu đội gồm 1 đơn vị điều khiển, 1 đơn vị radar dò tìm và 3 bệ phóng. Trong đó, mỗi bệ phóng mang theo 20 tên lửa đánh chặn, có giá từ 35.000 - 50.000 USD, được lắp trong 20 ống phóng. Ngoài ra, lá chắn này có tính cơ động cao, dễ dàng triển khai hoạt động mà không đòi hỏi quá nhiều điều kiện phức tạp. Vì thế, đây sẽ là lựa chọn phù hợp cho nhiều quốc gia nhằm đảm bảo khả năng ngăn chặn các vụ tập kích bất ngờ từ phía các nước láng giềng. Cuối năm ngoái, Bloomberg dẫn một số nguồn tin cho hay Singapore đang xúc tiến việc trang bị Vòm Sắt cho quân đội nước này. Thậm chí, một số đại gia vũ khí khác cũng có thể đặt mua Vòm Sắt.

Ngô Minh Trí

>> Bộ trưởng Quốc phòng Israel sẽ rời chính trường sau tổng tuyển cử
>> Israel nghi Iran tăng cường vũ trang cho Hamas
>> Gaza thiệt hại 1,2 tỉ USD vì cuộc không kích của Israel
>> Israel thử thành công hệ thống phòng thủ David's Sling
>> Khủng bố ở Israel, 10 người bị thương 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.