Sự quá đà của báo Trung Quốc

06/05/2013 03:10 GMT+7

Giữa lúc Ngoại trưởng Trung Quốc thăm 4 nước ASEAN, tờ China Daily khen ngợi những nước này, nhưng lại chỉ trích Việt Nam và Philippines.

China Daily, nhật báo tiếng Anh có số phát hành lớn nhất Trung Quốc, hồi cuối tuần vừa đăng bài bình luận của ông Nguyễn Tông Trạch - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc lên giọng kêu gọi một số nước ASEAN không “gây thêm rắc rối ở biển Đông để đảm bảo quan hệ ASEAN - Trung Quốc được tốt đẹp”.


Ông Vương Nghị (trái) và Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tại Jakarta - Ảnh: Reuters
 

Bài xã luận có đoạn vu cáo: “Vài nước ASEAN cố ý phá hỏng quan hệ ASEAN - Trung Quốc vì lợi ích ích kỷ của họ bằng cách khuấy động rắc rối ở biển Đông. Việt Nam và Philippines chiếm biển đảo của Trung Quốc và đang cố gắng lôi kéo các lực lượng bên ngoài để củng cố việc chiếm đóng phi pháp của họ”. Ông Nguyễn còn lớn tiếng: “Trung Quốc không ngại đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC), nhưng trước hết phải xác định (những) nước nào đang vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Nếu không, sẽ chẳng có một COC nào là đáng tin cậy”. Thực tế, trong thời gian qua, chính Trung Quốc nhiều lần đưa tàu hải giám, tàu ngư chính và tàu chiến tuần tra phi pháp ở vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Bài xã luận xuất hiện trùng thời điểm chuyến thăm 4 nước ASEAN Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei từ 1 - 4.5 của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Tân Hoa xã dẫn lời ông Vương tuyên bố ngày 5.5 rằng Trung Quốc coi trọng quan hệ với ASEAN và đặt khối này vào vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Tại Brunei, phái đoàn Trung Quốc và nước chủ nhà ra thông cáo chung nhất trí rằng tất cả các bên có tranh chấp ở biển Đông cần thực hiện nghiêm túc DOC và tiến tới COC.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn khẳng định tranh chấp ở biển Đông không phải là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc và cần được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp. Với việc Brunei đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, nội dung này rõ ràng phục vụ ý đồ của Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng bằng đàm phán song phương. Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa ngày 2.5, Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu rằng Trung Quốc luôn cởi mở về thảo luận COC. Tuy nhiên, ông vẫn tuyên bố nước này “có bằng chứng về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam”.

Về chuyến công du của ông Vương Nghị, bài xã luận trên China Daily có đoạn: “Trong số 4 nước mà Ngoại trưởng đang thăm, Indonesia và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền một phần ở biển Đông, nhưng khác với Việt Nam và Philippines, vì họ muốn giải quyết thông qua đàm phán. Thái Lan và Singapore không muốn vấn đề biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác và hữu nghị ASEAN - Trung Quốc”. Từ những lời lẽ này và các tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị, giới quan sát đặt câu hỏi phải chăng đang có sự tác động vào sự nhất trí của ASEAN sau khi tại hội nghị cấp cao cuối tháng 4, khối đã đạt được đồng thuận về cùng nhau đàm phán COC với Trung Quốc.

Trước thực trạng tranh chấp ở biển Đông, trong cuộc đối thoại ASEAN - Mỹ lần thứ 26 tại Washington ngày 2 - 3.5, Mỹ cũng đã đề nghị ASEAN và Trung Quốc sớm đàm phán về COC, theo TTXVN.

Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc):

Bài bình luận của tác giả Nguyễn Tông Trạch phản ánh rất rõ phương thức Trung Quốc đang áp dụng để giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Theo tôi, điểm đáng chú ý trong bài là đoạn: “Trung Quốc không ngại đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC), nhưng trước hết phải xác định (những) nước nào đang vi phạm Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC). Nếu không, sẽ chẳng có một COC nào là đáng tin cậy”.

Với quan điểm đó, không khó để nhận ra rằng Trung Quốc đang “mặc cả” với ASEAN rằng nếu muốn có tiến triển về COC, cần phải có thay đổi về chính sách của “một số nước” mà Bắc Kinh cho là đang “gây sóng gió tại biển Đông và dây các thế lực bên ngoài vào (ám chỉ Mỹ)”.

Trong chuyến công du các nước ASEAN vừa rồi, Ngoại trưởng Vương Nghị đã bỏ qua cả Philippines và Việt Nam. Rõ ràng, Ngoại trưởng Vương đang cố gắng tận dụng những điểm còn chưa thống nhất nếu có trong nội bộ ASEAN và gây áp lực cô lập buộc Philippines bớt “lên giọng” trong tranh chấp biển Đông và hủy vụ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Dĩ nhiên, việc Trung Quốc chủ động tiếp xúc với các nước ASEAN để bắt đầu đàm phán về COC là một bước tích cực. Tuy nhiên, bộ máy tuyên truyền của nước này đã đi quá đà khi chính Trung Quốc đang áp dụng triệt để chính sách ngoại giao kiểu gây áp lực.

An Điền
(thực hiện)

Văn Khoa

>> Căng thẳng với Trung Quốc, Nhật tăng cường hợp tác với ASEAN
>> Báo Trung Quốc dọa dẫm ASEAN, Việt Nam và Philippines
>> TTK ASEAN có tên trong Bản đồ Quyền lực
>> TTK ASEAN Lê Lương Minh vào top 500 người quyền lực nhất hành tinh
>> Ngoại trưởng Trung Quốc thăm 4 nước ASEAN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.