Tam giác vàng chưa yên ổn: Đau đầu vì cây anh túc

08/05/2013 03:55 GMT+7

Thái Lan không chỉ đối mặt với lượng ma túy luồn vào nội địa mà còn đau đầu với những cánh đồng anh túc.

>> Tam giác vàng chưa yên ổn: Điểm nóng Myanmar
>> Tam giác vàng chưa yên ổn

Cứ vài tháng một lần, ông Pipop Chamnivkaipong lặn lội vào sống trong làng Om Koi, nơi có những cánh đồng anh túc màu mỡ chạy dài cả trăm hecta. Là một chuyên gia của Cục Phòng chống ma túy, nhiệm vụ của ông là bài trừ vấn nạn này thế nhưng ông Pipop lại đến giúp người dân trồng cây anh túc. Thực ra đây chỉ là thất sách mà ông Pipop tạm sử dụng để được gần gũi với người dân vì muốn từ đó thuyết phục họ từ bỏ cây ma túy, điều mà hơn 3 năm nay viện của ông cố gắng nhưng chưa đạt được. “Quả là khó để từ bỏ những gì quen thuộc bởi nó không chỉ gắn liền với cuộc sống của người dân tộc qua nhiều thế hệ mà còn được bảo kê bởi những băng nhóm rất gần gũi với họ”, ông Pipop tâm sự với PV Thanh Niên.

 Tam giác vàng chưa yên ổn: Đau đầu vì cây anh túc
Cây anh túc trong Bảo tàng ma túy ở khu Tam giác vàng (tỉnh Chiang Rai, Thái Lan) - Ảnh: Minh Quang

Ông Pipop, cũng là Viện trưởng Viện Giám sát và nghiên cứu ma túy thuộc Cục Phòng chống ma túy Thái Lan (NCB), cho biết những cánh đồng anh túc ở Om Koi là vấn đề đau đầu nhất của Thái Lan. Đây cũng là nơi có diện tích gieo trồng nhiều nhất nước với hơn 100 ha và có truyền thống trồng cả trăm năm nay. Người dân ở Om Koi được các băng mafia chu cấp đủ thứ, đủ để họ sống cả đời sung sướng, trong khi đó chương trình của chính phủ lại chẳng có gì, ít gần gũi, khiến cho cuộc chiến loại bỏ cánh đồng anh túc trở nên dai dẳng. 

Nỗ lực lâu dài

Là loại cây rất đặc thù, anh túc phát triển tốt và mạnh ở trên đồi núi có khí hậu lạnh, đó cũng là nơi cách xa với thế giới văn minh. Thái Lan thực hiện chương trình loại bỏ cây anh túc hơn 30 năm nay với sự giúp đỡ của LHQ. Theo NCB, hơn 200 ha diện tích gieo trồng loại cây này trên 76 khu vực được loại bỏ, chủ yếu là các vùng miền núi cao phía bắc. Những cánh đồng “chết người” này được thay bằng những vườn chè, cà phê. Tuy nhiên, rải rác ở vùng núi cao, giao thông khó khăn như ở Chiang Mai, Tak, Mae Hong Son, Chiang Rai và Kampengpet... người dân vẫn duy trì cây anh túc, thậm chí phát triển diện tích gieo trồng hơn trước. Cục trưởng NCB, ông Pongspat Pongcharoen, cho biết người trồng khá cấp tiến, sử dụng công nghệ mới để tăng năng suất, thậm chí sử dụng cả thiết bị hiện đại để tránh vệ tinh thăm dò tìm kiếm khu vực gieo trồng.

Trong khi miền bắc chống chọi với nạn gieo trồng anh túc, thì ở miền trung và nam ma túy được đưa vào với mức độ ngày càng nhiều, gồm hàng đá và heroin. Cảnh sát Thái Lan không ngày nào lại không bắt được vài vụ buôn lậu ma túy, có những vụ lên đến cả triệu viên methamphetamine. Ở Thái Lan số người sử dụng ma túy ước 6 -7% dân số. Giá của loại hàng này tăng 100 - 500 baht, tương đương 70.000 - 350.000 đồng/viên, khiến cho nhiều người lao vào con đường buôn lậu.

Phần lớn ma túy vào Thái Lan theo cửa ngõ biên giới khu Tam giác vàng với Myanmar và Lào. Giới chức Thái Lan cho biết chính phủ Myanmar làm căng và muốn dẹp loạn ở khu vực trồng và sản xuất ma túy. Vì thế, các băng nhóm buôn lậu tập kết hàng ở khu vực biên giới và đổ vào Thái Lan hòng tránh truy quét. Ma túy len lỏi vào tận các phòng giam. Những cuộc lục soát liên tục được cảnh sát tiến hành trong các trại giam và bao giờ cũng thu được hàng trắng.

Minh Quang
(Văn phòng Bangkok)

>> Bí mật Tam giác vàng" lên sóng
>> Trung Quốc tuyên án tử trùm ma túy vùng Tam giác vàng
>> Làm phim ở Tam giác vàng
>> Tăng cường chống tội phạm vùng “Tam giác vàng”
>> Tam giác vàng bình yên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.