Phú Mỹ Hưng tổng kết kinh nghiệm biến “đầm lầy” thành khu đô thị hiện đại

17/05/2013 08:00 GMT+7

(TNO) Những bài học kinh nghiệm trong nỗ lực biến “bãi đầm lầy bị lãng quên” ở phía nam TP.HCM thành khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng, cũng như những thách thức trong thời gian tới..., đã được thảo luận tại buổi hội thảo với chủ đề “Phú Mỹ Hưng - 20 năm hình thành và phát triển” diễn ra sáng nay 17.5.

>> Phú Mỹ Hưng - khu đô thị “mọc lên” từ đầm lầy

Hội thảo được tổ chức tại tòa nhà Lawrence S.Ting (số 801 Nguyễn Văn Linh, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM) với sự có mặt của các chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch, luật... Ngoài ra, còn có đại diện của các lãnh đạo trung ương, đại diện các cơ quan, sở, ban, ngành, HĐND, UBND thành phố và các nhà nghiên cứu về quy hoạch ở nước ngoài.

 

Ngày 18.5, tại Dinh Thống Nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), Công ty Phú Mỹ Hưng sẽ tổ chức lễ kỷ niệm “20 năm thành lập Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng”.

Buổi lễ được tổ chức nhằm đánh giá, tổng kết về chặng đường 20 năm thành lập và phát triển của Công ty Phú Mỹ Hưng.

Hội thảo tập trung vào các tham luận khoa học có liên quan đến sự hình thành, phát triển của Công ty Phú Mỹ Hưng, thảo luận về các bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, quản lý khu đô thị, áp dụng luật pháp, nâng cao ý thức cộng đồng…

Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã được biết đến như một hình mẫu thành công về quá trình phát triển đô thị, cả trên bình diện quy hoạch, kiến trúc đô thị cũng như trong quản lý, kinh doanh bất động sản.

Tổng kết về khu đô thị Phú Mỹ Hưng, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, quy hoạch cho rằng, những người thực hiện đã khai phá một “vùng đất đầm lầy bị lãng quên” thành một khu đô thị hướng ra biển, cũng như tạo dựng mô hình đô thị văn minh, hệ thống dịch vụ hạ tầng và kỹ năng tổ chức quản lý đô thị hiện đại... Do đó, tại TP.HCM, Phú Mỹ Hưng được coi là khu đô thị tiêu biểu của 20 năm đổi mới.

Tuy vậy, có không ít thách thức trong thời gian tới đối với Phú Mỹ Hưng như: Thị trường bất động sản đang trong thời kỳ khủng hoảng; những khu ở mới xây dựng sau có lợi thế cạnh tranh do tính ưu việt về vị trí địa lý, về chất lượng dịch vụ, cảnh quan đô thị; khoảng cách di chuyển đến khu trung tâm thành phố gần hơn...


Video clip buổi hội thảo - P1


Video clip buổi hội thảo - P2


Video clip buổi hội thảo - P3


Video clip buổi hội thảo - P4


Video clip buổi hội thảo - P5


Video clip buổi hội thảo - P6


Video clip buổi hội thảo - P7

Hội nghị

Hội nghị Phú Mỹ Hưng
Quang cảnh buổi hội thảo - Ảnh: Độc Lập

Đến tham dự buổi hội thảo khoa học "20 năm xây dựng và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng" có các khách mời:

- Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng
- Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng
- Ông Phạm Sĩ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng; Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
- Ông Phạm Văn Đỗ, Phó trưởng cơ quan đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (phía Nam)
- Ông Shigehisa Matsumura, đến từ Viện nghiên cứu Nikken Sekkei
- Ông Nguyễn Công Ái, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM; nguyên Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM
- GS - TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư
- Ông Lê Văn Năm, nguyên Ủy viên UBND TP.HCM; nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM
- Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM
- Ông Trần Công Lợi, Phó trưởng Ban Quản lý khu Nam
- Ông Phạm Xuân Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên phát triển Tân Thuận
- Ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrences S.Ting
- Bà Ba Dah Wen, Thường trực hội đồng thành viên Công ty Phú Mỹ Hưng
- Ông Arthur Ting, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CT&D Công ty Phú Mỹ Hưng
- Bà Gayle Tsien, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn CT&D
- Ông Gary Tseng, Tổng giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng

Cùng các thành viên trong Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng, Công ty Tân Thuận, Công ty Hiệp Phước, Công ty Sino - Pacific.

Đúng 8 giờ 30, buổi hội thảo bắt đầu. Mở đầu buổi hội thảo, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đánh giá cao tầm quan trọng của việc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn 20 năm xây dựng và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Ông Hòa cho rằng, đây là khu đô thị kiểu mẫu, tạo tiền đề cho việc xây dựng cơ sở pháp luật và thiết kế cho các khu đô thị mới trong tương lai.

Ông Nguyễn Trọng Hòa
Ông Nguyễn Trọng Hòa (đứng) phát biểu trong hội nghị - Ảnh: Độc Lập 

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Dah Wen, Thường trực Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng, hết sức vui mừng khi có cơ hội gặp lại những người đã tham gia và giúp đỡ, tư vấn khởi động dự án Phú Mỹ Hưng, cách đây 23 năm.

Bà nhấn mạnh quan điểm đầu tư của công ty lúc đó và vẫn duy trì đến bây giờ là “không bận tâm tới việc lấy đi những gì mà quan trọng là để lại những gì”.

“Chúng tôi vinh dự và tự hào rằng Phú Mỹ Hưng đã trở thành biểu tượng của sự thành công trong quy hoạch đô thị TP.HCM”, bà Dah Wen phát biểu.

Đồng thời, bà cũng nêu quan điểm sáng tạo và đổi mới luôn là động lực cho DN phát triển đi lên. Do vậy, với bất cứ hạng mục nào Phú Mỹ Hưng xây dựng cũng đều được quán triệt, đổi mới thường xuyên từ đầu đến cuối (từ thiết kế, vật liệu, quản lý…). Chính vì vậy Phú Mỹ Hưng đã trở thành một khu đô thị kiểu mẫu mang tính tiên phong.

Bà Dah Wen cũng vui mừng thông báo, Bộ Xây dựng đã công nhận Phú Mỹ Hưng là khu đô thị kiểu mẫu tại VN. Đồng thời, vừa qua Chủ tịch nước cũng đã trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho Phú Mỹ Hưng.

Ông Nguyễn Tấn Vạn
Ông Nguyễn Tấn Vạn (đứng) phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Độc Lập

KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, người đầu tiên trình bài tham luận khoa học cho rằng sau 20 năm phát triển, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã được cộng đồng trong nước và ngoài nước biết đến như một hình mẫu và sự thành công về phát triển đô thị, cả trên bình diện quy hoạch, kiến trúc đô thị cũng như trong quản lý, kinh doanh bất động sản.

KTS Nguyễn Tấn Vạn cho biết Phú Mỹ Hưng đạt được sự thành công trên sáu khía cạnh sau:

1. Khai phá một vùng đất đầm lầy bị lãng quên thành một Khu đô thị hiện đại, hấp dẫn; Giải quyết chỗ ở chất lượng cao cho một bộ phận dân cư có mức thu nhập được cải thiện trong giai đoạn đổi mới, mở cửa kinh tế; Khẳng định một hướng phát triển của thành phố hướng ra biển.

2. Trên góc độ lý luận và thực tiễn, đô thị phát triển thành công trên nền tảng một đồ án quy hoạch có chất lượng, tiếp cận được xu thế hiện đại trên thế giới, kết hợp sơ đồ phát triển giữa tuyến và cụm của đô thị hiện đại, đặc biệt tại châu Á.

3. Tạo dựng mô hình không gian ở đô thị hướng đến nếp sống văn minh, cùng hệ thống dịch vụ hạ tầng và kỹ năng tổ chức quản lý đô thị hiện đại; Tạo sự hòa quyện giữa không gian sống riêng tư với không gian chung của cộng đồng, không biệt lập, ngăn cách, khép kín như một số khu đô thị khác.

4. Xây dựng một khu đô thị có kiến trúc thân thiện với con người, lấy sự hòa nhập giữa thiên nhiên, môi trường, cảnh quan với nếp sống của đối tượng người ở trong xã hội mới.

 

Ý tưởng của đồ án quy hoạch chung đô thị Nam Sài Gòn là cung cấp các dịch vụ cho người dân TP.HCM theo ba định hướng lớn:

- Hình thành một vành đai xanh văn hóa và nghỉ dưỡng phía nam thành phố.

- Hình thành một dòng sông cảnh quan như một bộ phận trong cấu trúc của bộ khung bảo vệ môi trường thiên nhiên.

- Hình thành một cơ cấu quy hoạch đô thị linh hoạt mềm dẻo và mở, trên nền tảng một đô thị tuyến - cụm đa chức năng láng giềng, được gắn kết chặt chẽ với nhau thông qua đại lộ Nguyễn Văn Linh, đảm bảo cự ly có thể đi bộ trong từng phân khu và được kết nối trực tiếp với TP.HCM.

5. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hiện đại, tạo khả năng phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.

6. Là khu đô thị có hiệu quả đầu tư, hiệu quả xã hội, hiệu quả kiến trúc - quy hoạch đô thị, đã đưa Phú Mỹ Hưng trở thành “khu đô thị tiêu biểu của 20 năm đổi mới” do Hội KTS Việt Nam bình chọn và trao giải vàng năm 2010, cũng như năm 2012, được Bộ Xây dựng công nhận là “khu đô thị kiểu mẫu”.

Đồng thời, KTS Nguyễn Tấn Vạn cũng nêu ra những thách thức trong thời gian tới.

Theo đó, thị trường bất động sản (BĐS) tại Việt Nam và một số nước trên thế giới đang trong thời kỳ khủng hoảng. Khủng hoảng BĐS là căn bệnh của thị trường mà bất cứ nước nào có giai đoạn kinh tế phát triển nóng, quản lý, phát triển BĐS lỏng lẻo, chạy theo lợi nhuận thuần túy, đều không tránh khỏi.

Tuy vậy, nhu cầu nhà ở của một bộ phận dân cư có thu nhập khá vẫn rất phong phú. Trong một đô thị với mật độ dân cư cao như TP.HCM, thì việc đi tìm một chỗ ở yên tĩnh, gắn với thiên nhiên, môi trường trong lành đang là  nhu cầu vừa cấp bách, vừa thực tế của một bộ phận không nhỏ dân cư TP.

Phú Mỹ Hưng đang đứng trước thách thức bởi những khu ở mới có lợi thế cạnh tranh do tính ưu việt về vị trí địa lý, về chất lượng dịch vụ, cảnh quan đô thị.

Có thể trong tương lai rất gần, các khu đô thị như Ba Son, Tân Cảng, Thủ Thiêm… là những khu đô thị mới đi sau, nằm tiếp cận với trung tâm TP (quận 1, 3…), hưởng thụ cảnh quan sông Sài Gòn và hạ tầng thuận lợi… sẽ thu hút lượng khách hàng có thu nhập khá và cao đến ở. Vì thế Phú Mỹ Hưng cần có giải pháp kinh doanh và cải thiện môi trường đô thị để duy trì sức cạnh tranh này.

Cũng theo KTS Vạn, tiếp cận nhu cầu sống làm việc của con người trong giai đoạn phát triển kinh tế công nghiệp chuyển sang xã hội kinh tế tri thức. Đô thị TP.HCM đang trong giai đoạn phát triển của thời đại kinh tế công nghiệp. Đô thị được hình thành, phát triển trên 4 chức năng chính: cư trú, làm việc, nghỉ ngơi, giao thông. Thời gian đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc là yếu tố quan trọng để lựa chọn nơi cư trú. Có thể đây là thách thức của Phú mỹ Hưng, khi mà hệ thống hạ tầng kết nối với trung tâm hiện hữu của TP tuy được cải thiện, nhưng vẫn luôn bị tắc nghẽn. Thời gian đi lại làm cho khoảng cách tuy không dài nhưng tạo cảm giác xa cách với cuộc sống sôi động của trung tâm TP, nơi cung cấp việc làm của những người sống ở Phú Mỹ Hưng.

Toàn cảnh hội nghị
Các đại biểu tham dự hội thảo - Ảnh Độc Lập

Ông Vạn lưu ý Phú Mỹ Hưng cần hướng tới thời đại kinh tế tri thức, điều mà TP.HCM phải đi đầu trong thời gian không xa, đô thị Phú Mỹ Hưng cần chuẩn bị tiếp cận với xu hướng phát triển đô thị của xã hội kinh tế tri thức.

Đó là thời kỳ mà công năng cư trú, sản xuất (làm việc) được sắp xếp lại, hòa quyện với nhau. Việc đi lại giữa nơi làm việc và nơi ở ít đi… nhu cầu hoạt động nghỉ ngơi, du lịch, nhu cầu tiếp cận và gần gũi với thiên nhiên, với bạn bè được tăng lên do khát vọng của con người, mà kinh tế tri thức không thể mang lại, hay tạo ra được.

Mặt khác, hình thái vật chất không gian đô thị cũng biến đổi, mọi người sẽ tăng cường làm việc tại nhà, tại một đơn vị phân tán nhỏ của công ty hoặc tại trung tâm làm việc của cộng đồng.

Địa điểm cư trú và hình thức nhà ở có xu hướng chuyển ra ngoại ô. Ngôi nhà không chỉ là nơi ở, nghỉ ngơi mà là nơi làm việc, hội họp (như chương trình nhà ở đa phương tiện của Nhật Bản).

Xu hướng này của tương lai là thế mạnh của Phú Mỹ Hưng và cũng là cách mà Phú Mỹ Hưng cần điều chỉnh trong việc nghiên cứu các căn hộ, các cụm nhà ở… để tiếp cận và thỏa mãn nhu cầu của bộ phận dân cư đang đi đầu trong cách sống, làm việc của xã hội kinh tế tri thức.

Ông Vạn đưa ra giải pháp tiếp cận với xu hướng biến đổi đô thị và nhu cầu sống của dân cư TP.HCM đối với Phú Mỹ Hưng.

Theo đó, trong giai đoạn hiện nay, cần giải quyết hai yếu tố: Rút ngắn cảm giác xa cách giữa trung tâm TP với Phú Mỹ Hưng do sự cản trở của giao thông. Trong đó, coi trọng đường trên cao nối kết trực tiếp giữa Phú Mỹ Hưng với trung tâm TP. Cũng như dự án metro nối Q.1 đến Phú Mỹ Hưng trong tương lai.

Nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ của Phú Mỹ Hưng để vừa phục vụ dân cư sống ở đây, vừa thu hút người dân TP đến với Phú Mỹ Hưng.

Hình thành các không gian công cộng đủ lớn, đủ hấp dẫn để tổ chức các sự kiện lớn của TP mà tại trung tâm hiện hữu không có điều kiện về đất đai và cảnh quan để thực hiện những sự kiện hấp dẫn như: đại nhạc hội, liên hoan quốc tế, triển lãm…; nơi đặt trụ sở của các tổ chức, công ty trong nước và quốc tế, biến Phú Mỹ Hưng không chỉ là nơi ở thuần túy mà là điểm đến hấp dẫn, một trung tâm mới đích thực của TP.HCM.

Nhìn nhận thách thức và cạnh tranh trong phát triển, dự báo xu hướng, nhu cầu sống và nghỉ ngơi của con người trong lộ trình phát triển kinh tế, xã hội, để đi trước, đón trước thời cơ, phát huy lợi thế địa lý, cảnh quan môi trường. Ông Vạn nói, làm được những điều này, Phú Mỹ Hưng sẽ tiếp tục là khu đô thị hiện đại, hấp dẫn của TP.HCM và cả nước.

Dự án tiên phong

PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, phân tích về dự án phát triển khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng: Dự án xây dựng khu trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng nằm trong một tổng thể dự án phát triển khu vực phía nam thành phố với đồ án quy hoạch được thiết lập từ nhiều năm trước, trong hoàn cảnh khác với hiện nay về nhiều mặt.

Thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ trước, chưa có những cơ sở pháp lý những quy định pháp luật mà cụ thể là những văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng về lập các đồ án quy hoạch đô thị còn rất sơ sài. Khi đó, Phú Mỹ Hưng là nhà đầu tư lớn, có tiềm năng về vốn. Điểm đặc biệt của Phú Mỹ Hưng là nhà đầu tư đã có ý tưởng, chuẩn bị vốn và có quy hoạch. Vì vậy, đây như là dự án tiên phong.

“Thời đó có nhiều quy định, chính sách chúng ta phải chạy theo để hỗ trợ cho dự án này xây dựng. Đến nay, thực tế đã chứng minh quy hoạch, xây dựng và quản lý tại khu đô thị là thành công”, ông Hòa nhận định.

Theo ông Hòa, qua đó vai trò của đồ án quy hoạch đô thị được thấy rõ. Trong đó thể hiện được ý tưởng, tầm nhìn và quyết tâm trong việc thực thi của nhà đầu tư. Đặc biệt, sự tham gia từ đầu của các nhà đầu tư phát triển có tầm, có tâm sẽ đưa đến những đồ án quy hoạch hoàn toàn khả thi.

Theo ông Hòa, mặc dù đã hình thành và xây dụng từ 20 năm trước nhưng Phú Mỹ Hưng là bài học kinh nghiệm vẫn có thể rút ra trong bối cảnh quy hoạch hiện nay là vẫn thực hiện theo quy hoạch rồi “ép” nhà đầu tư vào quy hoạch của chúng ta.

Như vậy, nhiều quy hoạch vẫn mang tính chủ quan, chưa khả thi, phù hợp với năng lực vốn, nhu cầu của nhà đầu tư nên dẫn đến chệch choạt.

“Tôi để ý đám cưới nào ở TP cũng đến PMH để chụp ảnh. Đây như minh chứng Phú Mỹ Hưng như là công viên lớn của TP, khu dân cư, lối sống đô thị mơ ước của nhiều người dân”, ông Hòa nói. Ông Hòa hy vọng rằng từ những nghiên cứu về khu đô thị Phú Mỹ Hưng có thể rút ra kinh nghiệm, bài học cho quy hoạch những khu đô thị tiếp theo.

Ông Volker Martin
Giáo sư Volker Martin phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Độc Lập 

Từng có mặt ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua, GS Volker Martin đến từ Đức nhận định Phú Mỹ Hưng là khu đô thị rất thành công. Về thiết kế, khu đô thị này là sự cạnh tranh của các nhà kiến trúc sư hàng đầu thế giới. Phú Mỹ Hưng đã giữ lại rất nhiều mảng thiên nhiên để hòa hợp với kiến trúc đô thị.

Ngoài ra, khu đô thị này cũng rất thành công khi có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế cả nhà nước lẫn tư nhân.

"Điều tôi cảm thấy phấn khích là những người thi công Phú Mỹ Hưng đã giữ lại nguyên ý tưởng thiết kế ban đầu của mình chứ không thay đổi. Đường xá được nối kết với cây cối rất đẹp. Hôm nay sinh nhật lần thứ 20 của Phú Mỹ Hưng, chúng ta có thể tin tưởng rằng Phú Mỹ Hưng đang ở độ tuổi thanh niên với thân thể rất cường tráng", GS Volker Martin nói.

Tuy nhiên, GS Volker Martin cũng chỉ ra sự hạn chế của Phú Mỹ Hưng. Đó là theo nghiên cứu, tương lai nước biển sẽ dâng cao, từ đó Việt Nam sẽ mất một phần đất. Vào mùa mưa, vùng đất bao quanh Phú Mỹ Hưng ngập 60% diện tích. Nếu nước biển dâng lên 1/2 mét nữa, khu vực này hoàn toàn ngập trong nước.

"Đây là sự hạn chế lớn mà chúng ta cần khắc phục", GS Volker Martin nhấn mạnh.

Ông Trần Trọng Hanh
PGS.TS Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh trình bày quan điểm của mình tại hội thảo - Ảnh: Độc Lập 

Theo PGS.TS.KTS Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ kiến trúc quy hoạch, Bộ xây dựng, sau 20 năm, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã và đang phát triển vững chắc, góp phần đáng kể vào công cuộc xây dựng và chỉnh trang đô thị ở TP.HCM trong sự nghiệp đổi mới chung của đất nước. Kinh nghiệm cho thấy, một số nội dung sau đây cần phải được đảm bảo để hình thành một đô thị kiểu mẫu ở Việt Nam như Phú Mỹ Hưng:

Muốn phát triển bền vững đô thị trước hết phải có quy hoạch tốt: Có ý tưởng và mục tiêu quy hoạch mạch lạc rõ ràng, phù hợp với quy luật đô thị hóa hiện đại, bám sát nhu cầu của thị trường và gắn kết với đô thị trung tâm; phương pháp lập quy hoạch khoa học; cơ cấu quy hoạch mềm dẻo, linh hoạt và sống động trên cơ sở hình thành 21 phân khu để lập quy hoạch chi tiết phục vụ cho việc đầu tư xây dựng các dự án trong giai đoạn đầu, đảm bảo được tính khoa học, tính hiệu quả, tính khả thi và sự phát triển bền vững của đô thị.

Phải có chủ đầu tư chiến lược có đủ điều kiện năng lực; toàn tâm, toàn ý cho sự thành công của dự án. Bên cạnh sự quyết tâm chính trị cao của các cấp chính quyền thành phố và nhà đầu tư, sự thành công của dự án khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng còn phụ thuộc vào năng lực và những quyết đoán đúng, chính xác trong việc lựa chọn và thực hiện đầu tư các dự án thành phần. Chẳng hạn như việc chọn đầu tư xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh qua ba giai đoạn là một chiến lược và phương thức đầu tư đúng đắn, thông minh, tạo ra sự đột phá, và động lực phát triển của đô thị mới Nam Sài Gòn. Cùng với việc xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh, các phân khu dọc đại lộ đã được xâu chuỗi, kết nối với nhau và có cùng cơ hội để phát triển.

Vai trò của Nhà nước là rất quan trọng: Chính phủ, các Bộ ngành và UBND TP.HCM đã tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư có thể hoàn thành các hạng mục dự án được giao trong thời gian sớm nhất.

Ông Trần Trọng Hanh cho rằng, sau 20 năm xây dựng và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng, với tư cách là người được tham gia và có những đóng góp nhỏ trong sự thành công của dự án, ông rất vui mừng vì những thành tựu đã đạt được và chân thành chúc mừng cho TP.HCM và Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng đã làm được một điều kỳ diệu là góp phần quan trọng trong sự nghiệp quản lý quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam nói chung sau 27 năm đổi mới.

Đại biểu trao đổi
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị - Ảnh: Độc Lập 

Ông Shigehisa Matsumura, Viện nghiên cứu Nikken Sekkei, đánh giá sự đóng góp của Phú Mỹ Hưng trong sự phát triển chung của TP.HCM là rất lớn vì nó phù hợp với chính sách phát triển chung, cấu trúc đô thị đa trung tâm của TP.HCM.

Theo phân tích của ông Matsumura, ở Việt Nam hiện nay, việc thiếu hụt ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu là một trong những vấn đề quan trọng của công tác phát triển đô thị. Vì vậy, trong hầu hết các trường hợp, nhà đầu tư phải tự xây dựng hạ tầng hoặc sử dụng các ưu đãi tài chính cho việc xây dựng này. Điều này rất khó khăn khi các nhà đầu tư phải gánh chịu một khoản kinh phí lớn cho việc đầu tư các hạ tầng có phạm vi rộng như các trục đường chính và các tiện ích chủ yếu.

Đối với Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, đại lộ Đông - Tây (đại lộ Võ Văn Kiệt) được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và việc xây dựng cầu Thủ Thiêm và các cây cầu khác được thực hiện bằng nguồn vốn hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP), bao gồm các loại hình: Xây dựng - Chuyển giao (BT), Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (BOT)…

Ở Khu đô thị Nam Sài Gòn, hầu hết các công trình hạ tầng thiết yếu đều do nhà đầu tư - Công ty Phú Mỹ Hưng - thực hiện, bao gồm: trục đường chính Nguyễn Văn Linh; các hệ thống xứ lý nước thải quy mô nhỏ; Nhà máy điện Hiệp Phước; Nhà máy xứ lý nước trong Khu chế xuất Tân Thuận.

Đồng thời, tại Trung tâm đô thị mới Phú Mỹ Hưng, chất lượng nhà ở và môi trường sống được nâng cao nhờ việc phát triển theo giai đoạn dựa vào quy hoạch dài hạn; tạo ra chất lượng môi trường sống tốt một cách ổn định thu hút người có thu nhập cao và người nước ngoài.

Ông Shigehisa Matsumura
Ông Shigehisa Matsumura (Viện nghiên cứu Nikken Sekkei) phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Độc Lập 

Ông Matsumura đánh giá việc tạo ra chất lượng môi trường sống nói trên là tổng hợp các giải pháp: không gian xanh và mở được quản lý và điều hành hợp lý; hạ tầng hoàn thiện với đường sá và tiện ích công cộng; tiện ích giáo dục hấp dẫn (bao gồm trường quốc tế và các trường dành cho người Nhật, người Hàn, người Đài Loan), vốn được xây dựng trước khi bắt đầu giao nhà năm 1998; tiện ích y tế (có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp như ở các nước phát triển).

Đặc biệt, khu đô thị này đã thiết lập một hệ thống quản lý môi trường sống thích ứng với các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn.

“Thông qua việc đầu tư xây dựng thực tế tại Trung tâm đô thị mới Phú Mỹ Hưng, hình ảnh các khu chung cư chất lượng cao đã được tạo dựng thành công tại Việt Nam. Phương pháp tiếp cận đã tiến hành tại khu Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng rất hữu ích và là mô hình phát triển, quản lý đô thị ở Việt Nam trong tương lai”, ông Matsumura đúc kết.

Rắc rối pháp lý

Ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Lawrence S.Ting, một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng Phú Mỹ Hưng cho biết việc xây dựng Phú Mỹ Hưng cách đây 20 năm trong bối cảnh luật pháp Việt Nam chưa có quy định, quy chế liên quan, vừa làm vừa mò mẫm nhưng có sự quyết đoán của lãnh đạo nhà nước thời đó nên đã hình thành nên khu đô thị này.

Tuy nhiên, không may của Phú Mỹ Hưng được "sinh ra" từ thời kỳ mò mẫm, pháp luật chưa có những quy chế, quy định ràng buộc nên hiện vẫn còn những rắc rối pháp luật liên quan đến Phú Mỹ Hưng.

Ông Dưỡng cho hay cần phải coi Phú Mỹ Hưng nằm trong tổng thể phát triển của TP.HCM mới thấy hết giá trị của khu đô thị này.

"Không nên coi Phú Mỹ Hưng là một công ty đơn thuần kinh doanh địa ốc. Nếu xem như thế thì rất tội Phú Mỹ Hưng và không đánh giá hết tầm quan trọng của khu đô thị này", ông Dưỡng nói.

Theo ông Dưỡng, chỉ một phân khu Phú Mỹ Hưng đã góp phần thay đổi bộ mặt TP.HCM. Tuy nhiên điều đáng tiếc là hiện nay 19 phân khu còn lại ở khu vực xung quanh Phú Mỹ Hưng đã không được quy hoạch bài bản giống như thiết kế ban đầu.

Ông Dưỡng nói thêm: "Thành công của Phú Mỹ Hưng không chỉ là xác đô thị mà còn bởi cái phần hồn trong đó. Ngày nay khu đô thị này tổ chức nhiều cuộc thi như đi bộ gây quỹ từ thiện, thả diều, đua xích lô, chụp hình... Đó là điều để Phú Mỹ Hưng động lại rất đẹp trong mắt người dân".

Ông Phan Chánh Dưỡng
Ông Phan Chánh Dưỡng, Giám đốc Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrences S.Ting phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Độc Lập

“Bí hiểm” Phú Mỹ Hưng

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia TP.HCM, sau 20 năm phát triển, Phú Mỹ Hưng đã khẳng định được vị thế của mình là một khu dân cư kiểu mẫu đầu tiên của Việt Nam và được coi là một trong số các dự án đa mục tiêu thành công nhất ở Đông Nam Á vào giai đoạn cuối của thế kỷ 20 và tiếp tục khẳng định sự phát triển bền vững của mình trong thế kỷ 21.

 
Quy hoạch và thiết kế của Phú Mỹ Hưng đã kế thừa được cùng lúc sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông-Tây, giữa văn hóa hiện đại và văn hóa Việt truyền thống để tạo ra một "môi trường sống lớn" (khái niệm của chính các nhà quản lý Phú Mỹ Hưng đưa ra) dành cho khu dân cư nơi đây

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Đại học Quốc gia TP.HCM

Theo TS Nguyễn Minh Hòa, đã có nhiều bài viết về sự thành công của Phú Mỹ Hưng về chiến lược phát triển, công tác quy hoạch không gian, xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến tạo cảnh quan môi trường, thiết kế kiến trúc, phát triển dịch vụ xã hội, huy động vốn… cho nên ông không có hy vọng phát hiện thêm điều gì thật mới mẻ mà chỉ tô đậm về phong cách sống tại Phú Mỹ Hưng.

Đó là, Phú Mỹ Hưng đã tạo ra một quan niệm mới và giá trị mới về "nơi chốn cư trú". Việc xuất hiện khu dân cư Phú Mỹ Hưng đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân và tư duy của các nhà lãnh đạo, chuyển từ nhu cầu về "một căn nhà, một căn hộ" sang “một không gian sống" đa chức năng.

Phú Mỹ Hưng xuất hiện như là hình mẫu hiện thực làm thay đổi hẳn nhận thức của con người, cho dù chưa chắc người ta thỏa mãn được nhu cầu đó trong thực tế, nhưng thay đổi nhận thức, nâng tầm ước mơ là một khởi đầu quan trọng và điều quan trọng hơn thế nữa là làm thay đổi tư duy trong những người lãnh đạo, những nhà quản lý, những người ra chính sách.

Ông Hòa nói, đến Phú Mỹ Hưng ông cảm nhận lối sống văn minh, kỷ cương, trật tự và tôn trọng luật pháp.

TS Hòa cho rằng hình thành được lối sống trên là nhờ việc quy hoạch đồng bộ không gian sống tại Phú Mỹ Hưng. Bất kỳ ai đến Phú Mỹ Hưng đều nhận thấy đường phố, vỉa hè, các khu vực công cộng khá sạch sẽ, rất ít rác, các hoạt động thường nhật diễn ra trong trật tự, không có cảnh chạy xe lộn xộn, bấm còi tùy hứng, quần áo phơi lộn xộn, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, càng không có cảnh say xỉn, to tiếng, và hiếm khi có trộm cắp.

“Để con người từ bỏ một số thói quen cố hữu truyền thống của mình và để hình thành nên một lối sống mới thì cần đến rất nhiều yếu tố như luật pháp, thiết chế xã hội, các hình thức chế tài, tuyên truyền… nhưng có một yếu tố quan trọng liên quan đến tổ chức không gian sống đó là việc tạo ra một môi trường sống ở trong đó cá nhân "không thể, không được và không nên" làm điều sai trái, hay nói một cách khác là những người làm ra Phú Mỹ Hưng đã thành công trong việc tạo ra một môi trường sống để cho mỗi cá nhân biết "tự ý thức, tự kiểm soát được hành vi của mình", TS Nguyễn Minh Hòa nói.

Ông Nguyễn Minh Hòa
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Khoa Đô Thị Học, Trường Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu - Ảnh: Độc Lập

Ngoài ra, TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng, việc quy hoạch theo tiêu chuẩn quốc tế kết hợp với đặc tính địa phương đã tạo ra được một lối sống vừa mang tính cá nhân hóa cao vừa mang tính cộng đồng thân thiện gắn bó.

Cách thiết kế không gian, phát triển dịch vụ xã hội, tổ chức hoạt động cộng đồng theo kiểu Phú Mỹ Hưng đã khắc phục được sự lạnh lùng, vô cảm cố hữu của đô thị phương Tây, và khắc phục được cả văn hóa làng xã thái quá của lối sống nông thôn lạc hậu. Có được điều này chính là do các nhà quy hoạch và thiết kế SOM của Phú Mỹ Hưng đã kế thừa được cùng lúc sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông-Tây, giữa văn hóa hiện đại và văn hóa Việt truyền thống để tạo ra một “môi trường sống lớn” (khái niệm của chính các nhà quản lý Phú Mỹ Hưng đưa ra) dành cho khu dân cư nơi đây.

TS Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh, việc nghiên cứu nhân rộng toàn bộ mô hình Phú Mỹ Hưng hoặc những khía cạnh ưu trội của nó ra cả nước là cần thiết, tuy nhiên để làm được điều đó thì không chỉ bằng các cuộc hội thảo, mít tinh, các bài báo mà cần có những cuộc nghiên cứu nghiêm túc, công phu và chuyên nghiệp.

Bài học Phú Mỹ Hưng

Thạc sĩ Luật sư Trương Thị Hòa khẳng định thành công của Phú Mỹ Hưng đi kèm với những bước đi trải qua các rào cản do pháp luật chưa rõ ràng, chưa đồng bộ dẫn đến nhiều khó khăn vướng mắc trong thực hiện. Qua Phú Mỹ Hưng, đến nay, hàng loạt các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, nhà ở, thuế được ban hành, sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển.

Cụ thể, từ năm 1993, khi Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng được thành lập và triển khai dự án đến nay, từ chỗ còn thiếu nhiều quy định, pháp luật về đất đai, nhà ở đã có những thay đổi để cuối cùng nhà đầu tư nước ngoài được nộp tiền sử dụng đất thuê một lần và được chuyển nhượng nhà ở trong dự án gắn liền với quyền sử dụng đất.

Thêm vào đó, người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài từng bước được mở rộng trong việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Luật Đầu tư năm 2005 đã được ban hành thống nhất các loại hình đầu tư, thể hiện sự đối xử bình đẳng của Nhà nước đối với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.

Công tác quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài lưu trú tại đây được thực hiện khoa học, quy củ. Các loại thủ tục hành chính được cải cách và thực hiện triệt để. Công tác đảm bảo an ninh trật tự luôn được đề cao. Ý thức pháp luật của cư dân ngày càng được nâng cao đi cùng với kỹ năng quản lý, điều hành khoa học, minh bạch của chủ đầu tư Phú Mỹ Hưng.

Việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho cư dân ở Phú Mỹ Hưng tuy còn chậm nhưng vẫn nhanh hơn những nơi khác.

Đồng thời, bà Hòa phân tích giá đất tại các tuyến đường trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng được Nhà nước xây dựng dựa trên mức độ đô thị hóa, cơ sở hạ tầng, giá trị sinh lợi của đất trong khu này.

Những cơ sở này được hình thành từ việc đầu tư, xây dựng của Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng (nay là Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng) mang lại. Do đó nếu ban hành giá đất cao và thay đổi theo từng năm sẽ dẫn đến gánh nặng tiền sử dụng đất cho khách hàng, làm giảm khả năng cạnh tranh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi trong đầu tư của doanh nghiệp.

“Vì vậy, cần xem xét xây dựng giá đất tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở mức hợp lý, có thể thấp hơn giá đất ở khu vực cùng loại và cố định trong thời gian 5 năm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của công ty và cư dân tại khu đô thị mới này”, bà Hòa đề xuất.

Bà Trương Thị Hoa
Luật sư Trương Thị Hòa đưa ra nhiều đề nghị rất thiết thực tại hội thảo - Ảnh: Độc Lập

Mặt khác, khu đô thị Phú Mỹ Hưng là nơi cư trú của rất nhiều người nước ngoài, có nhu cầu sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Sản phẩm của Phú Mỹ Hưng không chỉ là căn hộ mà còn là nhà phố và biệt thự đáp ứng được nhu cầu của nhiều người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống tại đây. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chỉ cho phép người nước ngoài được sở hữu căn hộ chung cư.

Bà Hòa đề xuất thêm, để tạo điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như đáp ứng nhu cầu nhà ở của khách hàng là người nước ngoài, nhất là trong lúc thị trường bất động sản đang gặp khó khăn, Nhà nước cần xem xét cho phép người nước ngoài không chỉ sở hữu căn hộ mà còn được sở hữu nhà phố và biệt thự tại Việt Nam với hình thức thuê đất.

Một điểm nữa là hiện nay, bộ luật Dân sự quy định người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác. Trong khi đó, luật Đất đai và luật Nhà ở không quy định về quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở đối với trường hợp này.

Vì vậy, bà Hòa cho rằng các cơ quan thẩm quyền cần quan tâm vấn đề này để những người là ông bà, là cha mẹ có thể tạo lập tài sản bất động sản cho cháu, cho con chưa thành niên theo đúng quy định của bộ luật Dân sự.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc bảo trì nhà chung cư được quan tâm theo quy định của luật Nhà ở, Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Xây dựng. Do đó, quỹ bảo trì được giao cho Ban quản trị nhà chung cư để thực hiện việc bảo trì chung cư theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu của cư dân khu nhà chung cư.

Pháp luật không quy định gì về vấn đề bảo trì biệt thự, nhà liên kế… trong các dự án nhà ở thương mại. Vì vậy, thực tế phát sinh vấn đề bảo trì và quỹ bảo trì nhà biệt thự, nhà liên kế tại Phú Mỹ Hưng, nhưng Công ty Phú Mỹ Hưng chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết. Đó cũng là một khó khăn pháp lý, Phú Mỹ Hưng đang gặp phải trong việc bảo trì đồng bộ các sản phẩm của dự án.

Quy hoạch quan trọng, nhưng…

Ông Nguyễn Trần Nam
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Độc Lập

Phát biểu kết luận hội thảo khoa học “20 năm xây dựng và phát triển khu đô thị Phú Mỹ Hưng”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói trong chặng đường 20 năm phát triển, khu đô thị Phú Mỹ Hưng đạt được những thành quả rất đáng tự hào và được chính quyền, dư luận và nhân dân đánh giá rất cao.

Điều đáng nói là việc đánh giá này không chỉ ở vai trò kinh tế mà còn ở góc độ văn hóa đô thị.

Trong quá trình hình thành và xây dựng, những bài học về phát triển đô thị, luật pháp... ở Phú Mỹ Hưng đang được nghiên cứu để áp dụng vào các khu đô thị khác.

Từ hội thảo về sự phát triển của Phú Mỹ Hưng, có thể nhận thấy việc quy hoạch đô thị là quan trọng nhưng quan trọng hơn là việc quản lý thực hiện quy hoạch đó.

Ngay như khu vực Nam Sài Gòn có 21 phân khu nhưng chỉ có khu Phú Mỹ Hưng và trục đường Nguyễn Văn Linh là thực hiện việc quy hoạch rất tốt còn các phân khu còn lại quản lý quy hoạch rất rời rạc, manh mún.

"Tôi rất mong muốn Phú Mỹ Hưng tổng kết sâu hơn cả chuỗi quy hoạch, quản lý, đầu tư... để áp dụng ở thực tiễn. Tại sao Phú Mỹ Hưng ít có khiếu kiện tranh chấp giữa chủ đầu với khách hàng, với người dân trong khi dạng tranh chấp kiểu này rất nhiều", ông Nam nói. 

Một số tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi "Ảnh đẹp Phú Mỹ Hưng 2013":

Hình ảnh

Nhóm PV Thanh Niên Online
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.