>> Phú Mỹ Hưng tổng kết kinh nghiệm biến “đầm lầy” thành khu đô thị hiện đại
TP.HCM là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước đã nghiên cứu để kêu gọi đầu tư các khu đô thị mới.
Việc chính quyền thành phố quyết định cho đầu tư phát triển khu đô thị mới Nam Sài Gòn và trục đường Nguyễn Văn Linh, trong đó khu vực lõi là trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng, đã thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược của các cấp lãnh đạo, người dân thành phố và chủ đầu tư.
Hướng ra biển Đông
Với việc mở rộng này, không gian TP.HCM phát triển xuống phía nam và hướng ra biển Đông, một khu đất rộng 3.600 ha nằm trên địa bàn của 4 quận, huyện.
|
Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, bên cạnh những trăn trở về công tác quản lý đất đai, quản lý các dự án đầu tư… khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đã được công nhận là “khu đô thị kiểu mẫu” của cả nước.
Lý giải về sự thành công này, không ít chuyên gia về quy hoạch, quản lý đô thị nhấn mạnh, trước hết là do có sự đột phá của chính quyền TP.HCM trong công tác quản lý phát triển đô thị; phá vỡ quan niệm cứng nhắc về ranh giới của các đồ án quy hoạch phải theo ranh giới quản lý hành chính.
Giới chuyên gia cũng đánh giá cao đồ án quy hoạch đô thị được nghiên cứu khá tốt bởi một công ty tư vấn có năng lực và kinh nghiệm (Công ty SOM - Mỹ). Bên cạnh đó là vai trò của nhà đầu tư, không chỉ có năng lực tài chính mà còn rất có kinh nghiệm trong quản lý phát triển dự án.
Ít ai ngờ, khu đô thị Phú Mỹ Hưng khang trang, hiện đại như ngày nay lại “mọc” lên từ đầm lầy.
|
“Từ 20 năm trước, khu vực lập quy hoạch còn là một vùng đất chua, mặn, hoang sơ, mang trên mình một hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt, chưa có hệ thống giao thông dù là sơ đẳng, ai muốn đến đây phải đi bằng ghe thuyền. Đồng ruộng nơi đây bị nhiễm mặn, không con gì cây gì sống nổi, ngoại trừ lúa độc canh một vụ và những con cá lóc nhỏ, cá sặc bé chịu được phèn chua và nắng gắt”, PGS - TS Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ kiến trúc quy hoạch - Bộ xây dựng, người từng gắn bó với dự án nhớ lại.
Ban đầu, việc chọn vùng đất ngập mặn hoang hóa của vùng Nhà Bè để làm khu chế xuất và các khu đô thị đã làm nhiều người nghi ngại tính khả thi của dự án.
Tuy vậy, dựa vào lợi thế về vị trí địa lý (cách trung tâm thành phố khoảng 4 - 5 km, sát Q.5) và là khu đất hoang sơ không gặp trở ngại nhiều về đền bù giải tỏa, đặc biệt là sự cần thiết phải giải quyết vấn đề giao thông cho khu chế xuất Tân Thuận, một nhóm tư vấn quy hoạch quốc tế có tiếng như SOM (Mỹ), Kenzo Tange (Nhật Bản) và một số công ty khác từ Mỹ, Đài Loan đã tham gia lập quy hoạch chung đô thị Nam Sài Gòn.
Và khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng được coi là “linh hồn” của khu đô thị Nam Sài Gòn.
Thách thức
Đánh giá về những thành công và phát triển của khu đô thị Nam Sài Gòn nói chung, Phú Mỹ Hưng nói riêng, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng, những đơn vị thực hiện đã khai phá “một vùng đất đầm lầy bị lãng quên” thành một khu đô thị hiện đại, hấp dẫn; Giải quyết chỗ ở chất lượng cao cho một bộ phận dân cư; Khẳng định hướng phát triển của TP.HCM là hướng ra biển.
|
Ngoài ra, KTS Nguyễn Tấn Vạn đánh giá cao về đồ án quy hoạch có chất lượng, tiếp cận được xu thế hiện đại trên thế giới, kết hợp sơ đồ phát triển giữa tuyến và cụm của đô thị hiện đại, đặc biệt tại châu Á; Tạo dựng mô hình không gian ở đô thị hướng đến nếp sống văn minh, cùng hệ thống dịch vụ hạ tầng và kỹ năng tổ chức quản lý đô thị hiện đại…
Đặc biệt, theo KTS Vạn, những người đặt nền móng cho khu đô thị Nam Sài Gòn, Phú Mỹ Hưng đã xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hiện đại, tạo khả năng phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên cùng với những thành công này, các chuyên gia cho biết, khu đô thị Phú Mỹ Hưng trong thời gian tới có khả năng phải đương đầu với những thách thức. Trong đó có những băn khoăn: Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng sẽ giữ vai trò thế nào trong việc hình thành, phát triển các chuỗi thành phần còn lại của cả khu vực phía nam thành phố trong hoàn cảnh mới, kể cả tình hình biến đổi khí hậu; sự cạnh tranh gay gắt hơn trên nhiều lĩnh vực…
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 24/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 (khi đó, dự kiến dân số của thành phố sẽ vào khoảng 10 triệu người. Trong đó, dân số các quận nội thành khoảng 7-7,5 triệu người, khách vãng lai và tạm trú khoảng 2,5 triệu người). Theo đồ án điều chỉnh gần nhất này, bán kính khu vực nội thành của thành phố là 15 km và 4 cực phát triển. Cụ thể: Phát triển thành phố theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại 4 hướng phát triển; Phát triển thành phố với hai hướng chính là hướng đông và hướng nam ra biển và hai hướng phụ là hướng tây - bắc và hướng tây, tây - nam nhưng tuyệt đối không phát triển đô thị vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ và các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh, Củ Chi… |
Vy Anh
>> Phú Mỹ Hưng tổng kết kinh nghiệm biến “đầm lầy” thành khu đô thị hiện đại
>> Happy Valley: Lịch thanh toán 30 tháng, thêm cơ hội mua nhà Phú Mỹ Hưng
>> Thung lũng hạnh phúc Happy Valley tại đô thị Phú Mỹ Hưng
>> Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng 2013 - Chút quê giữa lòng phố thị
>> Đô thị Phú Mỹ Hưng đạt giải thưởng toàn cầu cho quy hoạch xuất sắc
>> Phú Mỹ Hưng - Dự án biệt thự Mỹ Phú 3 đang thu hút thị trường
>> Môi trường giáo dục tốt cho trẻ phát triển toàn diện ở Phú Mỹ Hưng
>> Phú Mỹ Hưng công bố dự án nhà ở đầu tiên trong khu thương mại tài chính quốc tế
>> Phú Mỹ Hưng dành gần 6 triệu USD cho xử lý nước thải sinh hoạt
>> Đêm nhạc Trịnh ở Phú Mỹ Hưng
Bình luận (0)