Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

17/05/2013 03:10 GMT+7

Không chỉ người tiêu dùng mà các nhà mạng cũng có thể hưởng lợi từ xu hướng phát triển của những ứng dụng OTT.

Hiện tại, hàng triệu người Việt Nam đang sử dụng các ứng dụng OTT (Over The Top) cho phép nhắn tin, gọi điện miễn phí thông qua điện thoại thông minh (smartphone) có kết nối internet, như: KakaoTalk, Viber, WhatsApp, Line, Zalo, Facebook Messenger… Trong đó, chỉ riêng ứng dụng Viber hiện có khoảng 3,5 triệu người dùng ở Việt Nam, riêng tháng 2.2013 có thêm khoảng 500.000 người dùng và khoảng 20.000 người sử dụng đăng ký mới mỗi ngày. Theo thống kê của MobiFone, mỗi ngày có khoảng 280.000 cuộc gọi và 8,7 triệu SMS tại Việt Nam được thực hiện thông qua Viber.

 Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí đang được ưa chuộng - Ảnh: Khả Hòa

Các ứng dụng trên phát triển mạnh mẽ nhờ vào ưu điểm là chỉ cần thông qua kết nối wifi hoặc các gói cước 3G giá rẻ là có thể gọi điện, nhắn tin mà không phải trả thêm cước phí gì khác. Tuy nhiên, quyền lợi này của người tiêu dùng đang gặp phải nhiều hạn chế. Một số khách hàng than phiền rằng dù điện thoại của mình có sóng và kết nối internet bình thường nhưng không thể truy cập vào các ứng dụng OTT. Trên nhiều diễn đàn cũng như mạng xã hội, nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do các nhà mạng dùng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn nhằm hạn chế bị giảm doanh thu của những dịch vụ thoại và SMS truyền thống. Tất nhiên, một số nhà mạng đã lên tiếng bác bỏ. Về phía quản lý nhà nước, đại diện Bộ TT - TT khẳng định những ứng dụng OTT không vi phạm các quy định về viễn thông, còn các nhà mạng không được phép chặn.

Các bên cùng có lợi

Trong khi đó, các công ty cung cấp OTT nhận định các ứng dụng OTT trước mắt có thể ảnh hưởng đến doanh thu nhà mạng nhưng về lâu dài thì chưa hẳn như thế.

Ông Đào Trường Giang, Phó giám đốc VTC Online - đơn vị cung cấp dịch vụ OTT KakaoTalk, cho rằng: “Nếu biết tính toán, các dịch vụ OTT sẽ không ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của các nhà mạng, bởi cước phí 3G tại Việt Nam hiện rất thấp, chỉ bằng khoảng 40% so với các nước trong khu vực. Các ứng dụng OTT phát triển mạnh, nhà mạng có thể tăng cước phí 3G một cách hợp lý, vừa đảm bảo nguồn thu, người dùng vẫn được lợi trong khi các nhà cung cấp ứng dụng OTT cũng có điều kiện phát triển. Đây chỉ là một trong nhiều cách mà nhà mạng có thể sống chung với OTT”.

Thậm chí, một số doanh nghiệp cung cấp OTT còn sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận với nhà mạng. Ví dụ, ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty VNG - đơn vị đang cung cấp ứng dụng OTT có tên Zalo - cho biết: “OTT là một xu hướng tất yếu, cũng giống như làn sóng công nghệ sử dụng email và mạng xã hội trước đây vậy. Chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị hợp tác để sử dụng hệ thống hạ tầng, đồng thời chia sẻ lợi nhuận từ dịch vụ OTT đến 3 nhà mạng lớn nhất ở Việt Nam. Còn tỷ lệ chia sẻ như thế nào thì sẽ bàn cụ thể sau”.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, sự phổ biến của các ứng dụng OTT sẽ tạo ra sức ép tích cực để các nhà mạng tăng chất lượng dịch vụ nhằm giữ vững doanh thu từ dịch vụ tin nhắn ngắn và thoại, họ sẽ phải tăng chất lượng dịch vụ. Đó là vì về cơ bản, chất lượng thoại của các dịch vụ OTT không thể bằng dịch vụ thoại viễn thông. Hơn nữa, hệ thống tin nhắn OTT dù miễn phí nhưng vẫn có thể mang đến những phiền toái, ví dụ như người dùng ứng dụng WhatsApp muốn sử dụng bản không chứa quảng cáo thì phải đóng phí 1 USD.

Hoàng Đình

>> Giải tỏa cơn khát khám phá smartphone cho mùa hè 2013
>> Android dẫn đầu thị trường smartphone
>> Mozilla tặng smartphone cho lập trình viên
>> Amazon đang phát triển smartphone 3D? 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.