>> Thực tiễn đòi hỏi Luật Báo chí phải sửa đổi
>> Chính phủ ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Đây là khẳng định của ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) tại buổi họp báo diễn ra hôm nay (17.5) công bố nội dung thay đổi của Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Quyết định 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
“Vấn đề nóng quy định phải trả lời chậm nhất trong một ngày mà không chịu trả lời thì các đồng chí cũng báo cáo về Bộ. Chính các đồng chí báo chí phải phản ánh, các đồng chí không phản ánh thì Bộ cũng không thể biết hết được”, ông Lượng nói.
|
* Quy định về việc thời hạn cung cấp thông tin cho báo chí chậm nhất là 1 ngày trong trường hợp đột xuất, bất thường theo ông có là quá chậm trong điều kiện hiện nay?
- Quy chế nói là chậm nhất một ngày chứ anh trả lời càng nhanh càng tốt. Văn bản thì phải có độ lùi nhất định. Ví dụ như có vụ việc bão lũ chết người ở địa bàn vùng sâu vùng xa cần thông tin ngay nhưng người ta chưa có điều kiện cập nhật thông tin. Quy định chậm nhất một ngày nhưng khuyến khích có thông tin sớm nhất. Ít năm nữa khi điều kiện, năng lực của chúng ta tốt hơn thì có thể xem xét lại điều này. Hiện tại chúng tôi cho quy định này là hợp lý.
* Thực tế trong quá trình tác nghiệp có những vụ việc “nóng” báo chí phải liên hệ với các địa phương để có thông tin ngay nhưng lại được địa phương yêu cầu phải có công văn hoặc đến làm việc trực tiếp mà yếu tố thời gian không đảm bảo. Theo ông vấn đề này nên xử lý như thế nào?
- Trong trường hợp báo ở xa, không có cơ quan đại diện, không có phóng viên thường trú thì hoàn toàn có thể liên hệ qua điện thoại. Tất nhiên chúng ta cũng phải chứng minh mình là ai và cũng phải nói cho họ thấy đây là những thông tin nóng cần cung cấp kịp thời, nếu để dư luận hiểu sai sẽ có hậu quả không tốt. Tôi nghĩ các cơ quan, địa phương nếu thấy được đó là thông tin cần công bố ngay thì chắc họ cũng không từ chối.
Họ có thể cung cấp ngay qua điện thoại hoặc qua các cổng thông tin chính thức của địa phương. Trừ những bài phỏng vấn hoặc các vấn đề không phải thời sự. Sắp tới khi tập huấn về việc thực hiện Quy chế cho một số bộ, ngành, địa phương chúng tôi cũng sẽ nói về vấn đề này. Ngay bản thân tôi cũng thường xuyên được đài BBC phỏng vấn mà họ cũng chỉ giới thiệu qua điện thoại thôi. Mình thấy vấn đề cần thì mình phải nói để họ hiểu, không họ sẽ hiểu sai. Tôi nắm được thông tin chắc chắn tôi sẽ trả lời ngay trừ trường hợp mình không nắm được, hoặc vấn đề mình không biết.
* Hiện nay có những thông tin mà báo chí chính thống chưa đưa tin thì các trang mạng, blog đã đăng tải rồi và nhiều thông tin sau này cho thấy cũng là chính xác. Ví dụ như thông tin về Hội nghị T.Ư 7 vừa qua chẳng hạn. Ông có ý kiến thế nào về chuyện này? Cũng xin hỏi là khi báo chí muốn được cung cấp thông tin từ phía các cơ quan Đảng thì sẽ như thế nào?
- Về chuyện cung cấp thông tin từ phía các cơ quan Đảng thì hiện tại Quy chế này quy định cho các cơ quan hành chính thôi chứ không quy định cho bên Đảng, bên Đảng có thể sẽ có quy định riêng sau này.
Đúng là hiện nay có tình trạng thông tin chính thống chưa có nhưng bên ngoài đã nói rồi, cái này rất khó xử lý. Đã có quy định các Đại hội, Hội nghị phải có quy trình công bố thông tin, bầu xong rồi thì đến lúc nào công bố. Đồng chí quan tâm Hội nghị T.Ư 7 chưa xong đã có tin đồn người này vào, người kia chưa vào..., sau này có thông tin chính thống thì ta phải đợi thông tin đó thôi. Còn nghe chưa hẳn đã chuẩn xác. Có thể sau này công bố cũng đúng như thông trên các blog hoặc đâu đó nói. Nhưng với trách nhiệm của chúng ta, chúng ta phải công bố thông tin chính thống và đây cũng là trách nhiệm của các cơ quan phải đảm bảo bí mật thông tin. Từ những cơ quan rất cao mà anh để lộ thông tin ra ngoài là hỏng. Đây là trách nhiệm của nhiều phía.
Tr.Sơn (ghi)
Bình luận (0)