3 năm theo đuổi... một chiếc đồng hồ
Những khách quen của quán cà phê Family (đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đều có chung một sở thích là nghe nhạc chuông đồng hồ cổ. Chủ quán - anh Phạm Quang Hào (45 tuổi) đang sở hữu hơn 40 chiếc đồng hồ treo tường nhãn hiện Odo (Pháp) ra đời từ những thập niên 1930, 1950, 1960..., đồng hồ Amuf, Junshang (Đức), đồng hồ 2 tạ lê (Hà Lan)... “Mỗi lần nghe tiếng chuông đồng hồ là tôi nhớ lại thời ấu thơ. Hồi ấy, nhà nào khá giả mới có một chiếc đồng hồ treo tường, tiếng chuông của nó giúp được cho cả xóm. Người đi làm đồng, làm ruộng, trẻ con đi học đều chờ đợi tiếng chuông đồng hồ đó”, anh Hào kể.
Thời trẻ, hai anh em Quang Học, Quang Hào thường xuyên chơi với anh Bản “đồ cổ” (tức anh Nguyễn Kim Ba, người chơi đồ cổ ở TP.Quy Nhơn). Nhìn và nghe về lai lịch những cổ vật mà anh Bản tìm tòi, sưu tầm được, hai anh em mê tít. Anh Hào cho biết: “Khoảng năm 2000, được anh Bản hướng dẫn, anh em chúng tôi bắt đầu chơi cổ vật. Nhớ lại chiếc đồng hồ treo tường của gia đình ngày xưa, tôi nảy ra ý tưởng sưu tầm đồng hồ treo tường cổ. Càng tìm hiểu, tôi càng mê đồng hồ và điệu nhạc chuông của nó”.
|
Anh Hào kể, trong một lần vào nhà một người bạn ở TP.HCM chơi, nghe tiếng chuông đồng hồ treo tường là anh mê ngay. Người bạn cho biết đấy là chiếc đồng hồ của cha để lại, có nguồn gốc từ Đức. Dù rất thích nhưng anh Hào không dám mở lời đề nghị người bạn bán lại cho mình. Nhiều lần vào thăm gia đình bạn sau đó anh Hào mới thổ lộ tâm sự. Theo đuổi, thuyết phục gần 3 năm thì chiếc đồng hồ cổ mới được người bạn bán lại với giá 10 triệu đồng. Bây giờ thì anh Hào quý nó như vàng.
“Khoảng 20 năm trước đây, đồng hồ treo tường có niên đại khoảng 100 năm nhiều lắm nhưng bây giờ thành hàng hiếm rồi. Mỗi lần đi đâu, nghe tiếng nhạc chuông đồng hồ là tôi liền tìm đến để hỏi mua. Giá mỗi chiếc đồng hồ treo tường từ vài chục đến 100 tuổi tầm 10 triệu đồng trở lại, giá đó là vừa khả năng của tôi”, anh Hào nói.
Ngoài đồng hồ, anh Hào còn sở hữu nhiều vật gốm, sứ ngự dụng quý hiếm, đồ sứ men xanh trắng đời Thanh, đời Minh, điện thoại cũ, đèn đồng, lư hương cổ... và nhiều vật dụng của đồng bào dân tộc thiểu số ngày xưa.
Đặc biệt, anh Hào đang sở hữu 4 sắc phong của triều Nguyễn. Trong đó, 1 sắc phong của vua Duy Tân ban cho ông Bùi Truy, đương chức Huấn đạo huyện Phù Cát (Bình Định) vào năm Duy Tân thứ 2 (1908) và 2 sắc phong của vua Khải Định cho một thôn thuộc tỉnh Bình Định và 1 thôn thuộc tỉnh Bình Thuận vào năm Khải Định thứ 9 (1924). Những sắc phong này được anh Hào mua lại từ một người chơi cổ vật ở Quy Nhơn.
Người có duyên với nghiên mực
Khác với người em trai, anh Phạm Quang Học - cán bộ một đơn vị thuộc Điện lực Bình Định - khá kín tiếng về những món đồ cổ của mình. Trong căn nhà ở một hẻm nhỏ đường Trần Hưng Đạo (P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn), anh Học trưng bày những món đồ gốm cổ, đồ sứ men thời nhà Thanh, thời Minh (Trung Hoa) và những cây đèn dầu bằng đồng có từ thời Pháp thuộc, những bức hoành phi, liễn gỗ triều Nguyễn... Tuy nhiên, những món đồ cổ mà anh Học đặc biệt yêu thích là gốm Chu Đậu.
Theo anh Học, đồ gốm Chu Đậu hình thành, phát triển tại Việt Nam từ thế kỷ 13 - 18, có nhiều món đẹp hơn đồ nhà Minh và không kém gì đồ gốm men lam của nhà Thanh. Hình ảnh vẽ trên các đồ gốm Chu Đậu rất thuần Việt. Trong số những cổ vật của mình, anh Học rất tâm đắc những nghiên mực thuộc dòng gốm Chu Đậu mà anh sưu tầm hơn 10 năm nay. Tất cả đều có chung nguồn gốc từ con tàu đắm được khai quật tại vùng biển Hội An (Quảng Nam) năm 1997.
“Tôi đã sưu tầm được hơn 20 nghiên mực. Giá mỗi cái khoảng 300.000 - 500.000 đồng nhưng lại rất hiếm thấy. Trưng bày những nghiên mực này trong nhà, tôi muốn nhắc nhở con cháu mình nhớ tấm gương học tập của cha ông ta ngày trước và phải biết tự hào về nền văn hiến ngàn năm của dân tộc”, anh Học tâm sự.
Trong nhà anh Học cũng không ít món đồ mà anh khẳng định mình đã bị người ta “mìn”, bởi đó là đồ giả. Những món đồ giả này vẫn được anh giữ lại trong nhà, xem đó là “học phí” mà những người mới bắt đầu chơi đồ cổ phải trả. “Anh em trong giới chơi đồ cổ chúng tôi thường trao đổi cổ vật cho nhau. Có những món mình yêu thích thì người khác không thích hoặc đã có nhiều. Ngược lại, lắm món người ta không quan tâm nhưng mình lại mê. Nghề chơi đồ cổ rất tốn kém nên chỉ có những người sở hữu bạc tỉ mới dám chơi. Nhưng người có thu nhập thấp cũng đừng vì thế mà thất vọng, nếu thích thì chơi những món vừa sức mình. Làm cán bộ nhà nước lương thấp nên tôi chỉ chơi những món đồ tầm dăm ba triệu đồng trở lại. Cứ sưu tầm dần dần rồi sẽ có nhiều, sẽ đủ bộ sưu tập lớn”, anh Học nói.
Hoàng Trọng
>> Thêm bản đồ cổ khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
>> Tượng Phật Di Lặc vào tay giới buôn đồ cổ ?
>> Tiếp tục khảo sát, thăm dò cổ vật dưới biển
>> Người mê “đồ cổ sống”
Bình luận (0)