Khác hoàn toàn với suy nghĩ của tôi về một đại gia thích chơi trội, anh Nguyễn Trung Thành, biệt danh Thành “vàng”, là người khá giản dị và khiêm tốn.
Nếu như cách đây không lâu, người ta chỉ biết đến cái tên Thành “vàng” là chủ nhân của chuỗi cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý ở đất Việt Trì, Phú Thọ, thì từ năm 2008, tên của doanh nhân này nổi lên như cồn nhờ sở hữu cây sanh cổ mang tên “Mâm xôi con gà”. Rất nhiều câu chuyện được thêu dệt xung quanh “siêu” cây này. Nào là cây có xuất xứ từ chùa Hương nên rất linh thiêng, nào là chủ nhân của nó giàu có đến mức đem vàng đi dát khắp chậu trưng bày cây, nhiều người lại bảo cây này đã được thẩm định giá 120 tỉ nên mỗi chiếc lá được tính bằng tiền triệu, thậm chí có người còn khẳng định chắc nịch là cây sanh đã về tay một đại gia Nhật Bản (?!)...
Những câu chuyện đồn thổi cứ truyền tai nhau đã vô tình khiến “Mâm xôi con gà” càng thêm sức hút. Cao trào nhất là tại triển lãm sinh vật cảnh nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, độ “nóng” của “Mâm xôi con gà” càng được đẩy lên đỉnh điểm khi “siêu” cây này được giới chuyên môn xếp vào “tứ kỳ mộc” của đất ngàn năm văn vật.
|
Duyên chơi cây
Không bận tâm đến các lời đồn, cũng như không nhắc gì đến số tiền “khủng” đã bỏ ra để mua cây, anh Thành chỉ kể cho tôi nghe về cái “duyên” của anh đối với “Mâm xôi con gà” và niềm đam mê bất tận của anh về một thú chơi tao nhã, thanh lịch nhưng mang đầy tính nghệ thuật - thú chơi cây cảnh cổ.
“Mâm xôi con gà” là cây sanh cổ thụ hơn 150 tuổi, có xuất xứ từ làng thôn Ngô Sài, xã Sài Sơn, Quốc Oai, thuộc Hà Tây cũ của dòng họ Phạm. Năm 1996, họa sĩ Đặng Xuân Cường, biệt danh Cường họa sĩ, một nghệ nhân nổi tiếng ở đất Hà thành đã phát hiện, tìm mua và trực tiếp tạo dáng cho cây này. Theo lời Cường họa sĩ kể lại, “Mâm xôi con gà” nguyên bản là một cây sanh già, thối hết bệ rễ, thân trực, có nhiều rễ ôm thành vách, cách gốc chừng 1m có rất nhiều cành đan xen chằng chịt tạo thành tán tròn tượng trưng cho mâm xôi, phía trên ngọn là một con gà trống đứng sừng sững như đang chuẩn bị cất tiếng gáy. Sau 8 năm chỉnh sửa, tạo dáng, thổi hồn cho cây, “Mâm xôi con gà” đã trở thành cây quý. Năm 2004, cây được bán lại cho một doanh nhân ở Đan Phượng, Hà Tây cũ. Đến tháng 3.2008, trong một lần tình cờ chiêm ngưỡng, anh Thành đã “phải lòng” trước cây sanh cổ này, sau đó quyết định rước về vườn nhà mình.
|
“Buổi chiều, lúc tôi mang cây về tới vườn nhà, anh em chơi cây trong tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây cũ kéo nhau đến xem và chia vui rất đông, chuyện trò râm ran đến gần nửa đêm và suốt mấy ngày hôm sau. Sau đó, lần lượt nhiều anh em chơi cây ở các đoàn sinh vật cảnh trong nước và các nghệ nhân nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng tìm đến thăm vườn”, anh Thành hoan hỉ kể.
Nhiều người trong giới chơi cây kháo nhau rằng, để có được “Mâm xôi con gà” anh Thành đã đánh đổi cả con xe Rolls Royce (?!).
Tuy nhiên, ông chủ tiệm vàng vẫn khiêm tốn cho biết, lý do khiến anh say mê “Mâm xôi con gà” chỉ vì đây là một cây kiểng cổ quá đẹp, một tác phẩm nghệ thuật quý giá hội đủ 4 yếu tố “cổ - kỳ - mỹ - văn”. Chẳng thế mà qua các cuộc triển lãm, các nhà nghiên cứu sinh vật cảnh đã gọi “Mâm xôi con gà” là một bức tranh thiên nhiên hoàn thiện với “Tay ngón long quần thụ - Bông tán tản vân - Thân vách dáng làng – Thạch thụ tương sinh”. Nhìn cây ta có thể thấy được “cảnh đẹp thiên nhiên dường như được thu vào trong tầm tay, xanh tươi ấm áp mà không bức bối, thoáng đãng mà không khuyết trống hở lạnh, tầm thước mà nói lên hình dáng cổ thụ ngoài đời”. Đặc biệt, chiếc rễ buông từ ức nhánh cây có hình cổ gà đâm xuống phiến đá đỡ chính là điểm nhấn tinh tế của bức tranh tuyệt đẹp này.
Chơi cây dưỡng tâm
Nếu không có dịp tiếp xúc và trò chuyện với anh, ít ai ngờ rằng, đằng sau vẻ rắn rỏi của một doanh nhân đầy bản lĩnh trên thương trường là một trái tim lãng mạn yêu thơ ca, dễ dàng rung động trước cái đẹp của thiên nhiên, cây cảnh. Và niềm đam mê ấy, đã được anh ví như cái “nghiệp” mà khi lỡ vận vào người thì không thể rời xa.
Thế nên, ngoài những lúc quay cuồng với công việc kinh doanh, anh Thành lại đắm mình với những món “đồ cổ sống” đầy ma lực, chiêm nghiệm triết lý cuộc sống trong những dáng thế tuyệt mỹ của cây.
Anh bảo: “Các cụ ngày xưa có câu “Chơi cây dưỡng tâm, chơi cá chim dưỡng trí, chơi đồ cổ dưỡng thần, thờ Phật dưỡng tâm linh”, dưỡng tâm sẽ rất tốt cho kinh doanh. Sau những lúc mệt mỏi căng thẳng trong công việc, ngắm cây lại hết mệt nhọc, lại tiếp thêm sinh lực cho việc kinh doanh, đó là lý do tại sao ngày càng nhiều doanh nhân trở nên “nghiện” với nghề chơi cũng lắm công phu này.”
Không chỉ có “Mâm xôi con gà”, đến nay anh Thành đã sưu tầm được trên dưới 10 cây cổ thuộc dạng cổ kỳ quý hiếm, từ cây bonsai mini dạng “xách tay” đến các loại cây “khủng” trên dưới 20 tấn. Đặc biệt, tuổi đời của những món “đồ cổ sống” này, nếu tính ra, có cây được đo bằng cả đời người, có cây lên tới hàng trăm năm, được truyền giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lạ một điều, dù có được “báu vật” trong vườn nhà, nhưng anh không giữ cho riêng mình mà luôn rộng cửa đón khách yêu cây vào tham quan, chụp ảnh. Bởi theo anh, chơi cây có một thú vui là phải giao lưu, tiếp nhận ý kiến khen chê của nhiều người thì mới thấy hết được giá trị tiềm ẩn của cây.
Từ ngày “Mâm xôi con gà” trở nên nổi tiếng, có rất nhiều ý kiến khen chê xoay quanh tác phẩm nghệ thuật này. Đặc biệt cuối năm 2009, khi anh nhờ họa sĩ Đặng Xuân Cường ký đá vào cây với số tiền bạc tỉ, nhiều người đã bảo anh chơi ngông.
Không chút mảy may, anh tâm sự: “Nghệ thuật thì thường có tranh luận quanh những gì nổi tiếng, mà có nổi tiếng thì anh em mới để ý và tranh luận. Cây sanh của tôi nhận được những ý kiến khen có, chê có, nhưng cơ bản là khen và công nhận được đa số ý kiến bình chọn. Có thế mới vui!”.
Ngay cả khi được hỏi về lời đồn siêu cây được định giá 120 tỉ, anh chỉ cười xòa: “Tôi chỉ là người yêu cây đơn thuần, không phải dân kinh doanh nên không bàn về giá cả, cũng như không có ý định sang nhượng lại “báu vật” này”.
Kim Oanh
>> Cảm biến theo dõi cây cảnh
>> Cây cảnh giả hoành hành dịp cuối năm
>> Đào trộm cây rừng làm cây cảnh
>> Triển lãm cây cảnh nghệ thuật lần 2
>> Để cây rừng không trở thành cây cảnh
>> Cấm xuất khẩu cây cảnh nguồn gốc từ rừng tự nhiên
Bình luận (0)