Cầm trên tay tờ vé giá hai mươi ngàn, tôi được đi một vòng qua các khu chứng tích chiến tranh trên đảo, được gắn một phù hiệu đảo mà ở những khu di tích trong đất liền thì phải ghé khu bán hàng lưu niệm để mua. Bắt đầu từ Bảo tàng Côn Đảo vốn là ngôi nhà chúa đảo khi xưa đến khu chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ, chuồng bò… Những câu chuyện ly kỳ, đau thương và gan bền của hàng vạn người tù chính trị, có những cái tên được ghi vào lịch sử, và rất nhiều cái tên giản dị đời thường. Nhiều câu chuyện trong tù rung chạm đến từng tấc lòng mỗi khi nghe hướng dẫn viên kể lại. Đối với tôi, điều đặc biệt nhất là những câu chuyện ấy tôi được nghe không phải qua hướng dẫn viên chuyên nghiệp mà từ một người kể sử bình dân.
Tôi đến khu chuồng cọp Mỹ tầm gần trưa, không còn khách tham quan nào, chỉ có người phụ nữ trung niên cục mịch, khuôn mặt sạm sắt vì nắng gió biển, mặc đồng phục của khu di tích đón tôi ở cổng trại giam. Dường như sẵn mặc cảm của người ít chữ, cô dò hỏi khách có muốn cô thuyết minh hay tự tham quan vì cô chỉ là người dọn cỏ, quét tước, trồng hoa cho khu di tích. Thuyết minh không phải phận sự của cô, cô chỉ làm bằng tấm lòng của một người sống lâu trên đảo, đỡ được phần việc cho những người em làm thuyết minh. Tôi mau mắn gật đầu, vì sự lặng lẽ nhưng đầy thuyết phục của người phụ nữ mà sau đó tôi được biết có cha là cựu tù chính trị, cả hai cha con đã gắn chặt cuộc đời mình với vùng đất thiêng này.
Được biết mỗi ngày cô chỉ thu xếp thuyết minh cho một vài khách lẻ, nhưng lịch sử về hòn đảo và những con người nơi đây thì cô đã nằm lòng từng chữ. Nghe cô thuyết minh không khác chi được xem một cuốn phim tư liệu hoặc đọc lại cuốn truyện dài ngồn ngộn chi tiết. Không tránh khỏi những vụng về thô mộc, thậm chí sách vở nhưng cô vẫn đầy xúc động với mỗi nội dung truyền tải. Nhiều đoạn người kể sử không chuyên đã diễn tả cảm xúc bằng cả giọng nói và thần thái của mình khiến tôi rất xúc động.
Đêm xuống, tôi đến mộ chị Sáu thắp nén nhang như hầu hết ai tới đảo đều làm cho được điều này. Nghĩa trang Hàng Dương tối lạnh lẽo. Lúc trở về, tôi nghe tiếng gọi từ góc đài tưởng niệm, người kể sử đang ngồi yên vắng trong mùi nhang khói. Tôi quay lại nắm tay cô cảm ơn về những câu chuyện sử bi thương và sống động hồi trưa. Từ Hàng Dương về nhà khách, tôi càng thương và khâm phục người kể sử, khi cô lại lặng lẽ trở về với công việc quét dọn tàn nhang, vật cúng trên những ngôi mộ trước khi đảo bước sang một ngày mới.
Trần Minh Hợp
>> Nhà thơ Phạm Thiên Thư nói về Phạm Duy: “Trôi theo” dòng đời lặng lẽ
>> Lý Trần Quỳnh Giang - “quả cảm lặng lẽ”
>> Một Tiên tích lặng lẽ
>> Về trong lặng lẽ
>> Lặng lẽ chiều" - Thơ của Nguyễn Tấn Hải
>> Lặng lẽ tiếng dương cầm
>> Chim trắng - Chuyến ra đi lặng lẽ
Bình luận (0)