Chuyến chu du không gian một tháng của chuột

19/05/2013 15:50 GMT+7

(TNO) Hôm nay 19.5, khoang tàu vũ trụ thuộc một vệ tinh nghiên cứu sinh học đã đáp xuống khu vực Orenburg của Nga, gần biên giới với Kazakhstan, mang các sinh vật trở về Trái đất sau chuyến chu du không gian kéo dài một tháng.

(TNO) Hôm nay 19.5, khoang tàu vũ trụ thuộc một vệ tinh nghiên cứu sinh học đã đáp xuống khu vực Orenburg của Nga, gần biên giới với Kazakhstan, mang các sinh vật như chuột, chuột nhảy Mông Cổ, tắc kè, các loại thực vật và vi sinh vật trở về Trái đất sau chuyến chu du không gian kéo dài một tháng, RIA Novosti dẫn Trung tâm Kiểm soát sứ mệnh Nga cho biết.

Khoang tàu vũ trụ trên đã tách khỏi vệ tinh Bion-M1 vào lúc 6 giờ 32 phút sáng 19.5 (giờ Nga, tức 9 giờ 32 phút cùng ngày theo giờ VN). Sau khi vượt qua tầng khí quyển dày đặc của Trái đất, khoang tàu vũ trụ đã đáp xuống khu vực định trước ở Orenburg, cách Moscow khoảng 1.200 km về phía đông nam, vào lúc 7 giờ 12 phút sáng 19.5 (giờ Nga).


Vệ tinh Bion-M1 - Ảnh: Trung tâm Nghiên cứu và chế tạo tên lửa vũ trụ Progress

Ngay sau đó, các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu và chế tạo tên lửa vũ trụ Progress của Nga, Viện Nghiên cứu Sinh vật học và Y học Nga đã đến nơi khoang tàu đáp xuống để mở cửa sập, bắt đầu mang các sinh vật ra ngoài, RIA Novosti dẫn lời một chuyên gia cho biết.

Theo AFP thì hiện chưa rõ là có bao nhiêu sinh vật trong cuộc thử nghiệm này còn sống.

Được biết, khoang tàu vũ trụ trên được gắn với vệ tinh Bion-M1 được Nga phóng lên quỹ đạo vào ngày 19.4 qua và bay trên quỹ đạo cách Trái đất 575 km.

Đây là vệ tinh nghiên cứu sinh vật học đầu tiên của Nga kể từ năm 2007, có nhiệm vụ thực hiện các nghiên cứu cơ bản cùng việc ứng dụng các vấn đề về sinh vật học, sinh lý học và công nghệ sinh học trên quỹ đạo, giúp mở đường cho các chuyến bay liên hành tinh trong tương lai, theo Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos).

Vệ tinh Bion-M1 mang theo tám con chuột nhảy Mông Cổ, 45 con chuột, 15 con tắc kè, mốt số ốc sên, các thùng chứa thực vật và các vi sinh vật khác nhau.

Trong suốt 30 ngày qua, đã có hơn 70 cuộc thí nghiệm về sinh lý học, hình thái học, gien và sinh học phân tử được thực hiện, nhằm tạo tiền đề cho các chuyên bay liên hành tinh với thời gian kéo dài trong tương lai, bao gồm cả sứ mệnh đến sao Hỏa.

Tiến Dũng

>> Sao Hỏa bị "nã đạn" 200 lần mỗi năm
>> Thử nghiệm giấc ngủ cho sứ mệnh lên sao Hỏa
>> Rối loạn giấc ngủ trong sứ mệnh sao Hỏa
>> Tàu thăm dò sao Hỏa sẽ về lại trái đất ?
>> Nhìn rõ đường phố từ ảnh vệ tinh viễn thám Việt Nam
>> Mỹ phóng vệ tinh định vị lên quỹ đạo
>> Vệ tinh cảm tử tấn công rác vũ trụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.