Sức mạnh đội tàu sân bay Ấn Độ

20/05/2013 03:05 GMT+7

Theo kế hoạch, trong vòng 10 năm nữa Ấn Độ sẽ sở hữu 4 tàu sân bay cùng phi đội chiến đấu cơ với sức chiến đấu mạnh mẽ.

Ấn Độ hiện có một tàu sân bay đang hoạt động là INS Viraat mua lại của Anh từ năm 1987. Hiện tàu này đang được bảo dưỡng và sẽ tiếp tục có mặt trên Ấn Độ Dương ít nhất đến năm 2018. Trong bối cảnh tình hình an ninh trong khu vực đang có nhiều chuyển biến, New Delhi không thể hài lòng với một tàu sân bay duy nhất và đang tích cực xây dựng hạm đội hàng không mẫu hạm hùng mạnh với ít nhất 4 tàu là INS Viraat, INS Vikramaditya, INS Vikrant và INS Vishal. Theo giới quan sát, một trong những lý do khiến Ấn Độ tích cực nâng cao năng lực hải quân là nhằm ứng phó việc Trung Quốc đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng trên Ấn Độ Dương, vốn là tuyến hàng hải quan trọng nối với biển Đông qua eo biển Malacca.

Báo Hindustan Times hồi tháng 4 dẫn báo cáo được giải mật từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ tiết lộ trong năm 2012, nước này phát hiện ít nhất 22 lần tàu ngầm “lạ” hiện diện ở Ấn Độ Dương. Thậm chí có lần, tàu ngầm xuất hiện cách quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ có 90 km. New Delhi cho rằng đây là tàu ngầm Trung Quốc và là “đe dọa nghiêm trọng”. Đến nay, Bắc Kinh vẫn hoàn toàn im lặng về vấn đề này. Lo ngại càng tăng lên khi Trung Quốc đang hình thành mạng lưới cơ sở hạ tầng cảng biển trải từ Bangladesh, Myanmar, Sri Lanka và Pakistan bao quanh Ấn Độ.  

 Sức mạnh đội tàu sân bay Ấn Độ
Tàu sân bay INS Vikramaditya - Ảnh: Sevmash

Sức mạnh đáng gờm

Hồi tuần trước, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố chính thức đưa phi đội chiến đấu cơ MiG-29K đầu tiên vào biên chế lực lượng hải quân, theo báo Economic Times. Phi đội có tên Báo đen INAS 303 quy tụ 16 chiến đấu cơ MiG-29K phiên bản hoạt động trên tàu sân bay do Nga sản xuất. Phi đội này được dự kiến dành cho tàu sân bay INS Vikramaditya, đang trong giai đoạn nâng cấp tại Nga và sẽ về đến Ấn Độ vào tháng 11 hoặc 12.2013. MiG-29K được trang bị tên lửa không đối không R-73 và RVV-AE, tên lửa chống hạm Kh-35E, bom dẫn đường KAB 500KR/OD TV và rocket S-8KOM. Sắp tới, Ấn Độ sẽ nhận thêm từ Nga 29 chiến đấu cơ loại này.

Bên cạnh đó, theo tạp chí The Diplomat, Ấn Độ đang xúc tiến kế hoạch tự đóng 2 tàu sân bay hiện đại. Chiếc đầu tiên là INS Vikrant với độ choán nước 40.000 tấn, đang được đóng tại xưởng đóng tàu Cochin và sẽ vào biên chế trong vòng 4-5 năm tới. Giới chức quốc phòng Ấn Độ cho biết tàu sẽ hạ thủy lần đầu tiên vào ngày 12.8 và sẽ bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển trong 12 tháng sau đó. Tàu sân bay nội địa thứ hai tên INS Vishal còn “khủng” hơn với độ choán nước 65.000 tấn và sử dụng hệ thống CATOBAR giúp máy bay cất cánh bằng bệ phóng giống như các siêu tàu sân bay của Mỹ. Với CATOBAR, mũi tàu sẽ không phải hếch lên cho máy bay cất cánh như nhiều tàu sân bay hiện nay. Nhờ đó, INS Vishal sẽ chở được nhiều chiến đấu cơ hơn. Ngoài MiG-29K, Ấn Độ còn dự kiến cho các máy bay Rafale-M mua của Pháp và chiến đấu cơ nội địa HAL Tejas hoạt động cùng tàu này. Theo kế hoạch, INS Vishal sẽ đi vào hoạt động vào đầu thập niên 2020.

Ưu thế so với Trung Quốc

Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời các chuyên gia nhận định chương trình tàu sân bay của Ấn Độ có nhiều ưu điểm hơn của Trung Quốc. Ít nhất là trong hiện tại, Trung Quốc đang trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh các chiến đấu cơ J-15 (được cho là nhái mẫu Su-33 của Nga). Cũng như Su-33, máy bay J-15 khá nặng và “to con” trong khi hệ thống cất - hạ cánh trên tàu Liêu Ninh được đánh giá là vẫn chưa hoàn thiện. Vì thế, hiện tàu Liêu Ninh chỉ mới chở được từ 12-18 chiến đấu cơ. Trong khi đó, chưa kể đến tàu “khủng” INS Vishal, mỗi tàu sân bay Ấn Độ có thể tiếp nhận từ 16-20 máy bay nhờ MiG-29K khá gọn nhẹ nhưng có sức chiến đấu mạnh mẽ đã được chứng minh trong thực tế.

Mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ ra báo cáo dự đoán trong 15 năm tới, Trung Quốc sẽ đóng thêm vài tàu sân bay còn Tân Hoa xã dẫn lời Phó tham mưu trưởng hải quân Tống Học tuyên bố tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ lớn hơn tàu Liêu Ninh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không tìm được loại chiến đấu cơ phù hợp với tàu sân bay hơn và cải thiện hệ thống cất - hạ cánh thì dù Trung Quốc có 3 tàu chở J-15 cũng khó “lên mặt” với Ấn Độ.

Thủ tướng Trung Quốc đến Ấn Độ

Ngày 19.5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thủ đô New Delhi, bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ 3 ngày. Dự kiến, lãnh đạo hai bên sẽ chính thức hội đàm vào hôm nay 20.5 về các vấn đề song phương cũng như quốc tế và sẽ ký nhiều thỏa thuận hợp tác. Chuyến thăm của ông Lý diễn ra trong bối cảnh 2 bên phần nào xoa dịu được căng thẳng liên quan đến vụ lính Trung Quốc xâm nhập sâu vào vùng Ladakh do New Delhi kiểm soát tới 19 km hôm 15.4. Theo Hãng tin PTI, Ấn Độ sẽ bày tỏ quan ngại về vụ này trong cuộc gặp hôm nay. Hai bên cũng được cho là sẽ bàn về thỏa thuận hợp tác phòng thủ biên giới mà Trung Quốc đề xuất ngày 5.5. Ấn Độ là điểm dừng chân thứ nhất trong chuyến công du 4 nước đầu tiên của ông Lý trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc. Tân Hoa xã nhận định việc ông Lý chọn thăm Ấn Độ đầu tiên gửi thông điệp rằng dàn lãnh đạo mới của Bắc Kinh ưu tiên nâng cao quan hệ với New Delhi dù hai bên vẫn còn tranh chấp chủ quyền và nhiều vấn đề khác.

Văn Khoa

Trùng Quang

>> Sóng ngầm giữa Ấn Độ Dương
>> Ấn Độ, Trung Quốc đều sẽ mua 100 tàu chiến trước năm 2032?
>> Mỹ phạt hãng dược Ấn Độ bán thuốc kém chất lượng 500 triệu USD
>> OPPO sắp trình làng Find 5 tại Ấn Độ
>> Ấn Độ ra mắt phi đội MiG-29K cho tàu sân bay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.