Nhanh chóng xử lý “cục máu đông” nợ xấu

22/05/2013 12:25 GMT+7

(TNO) Thảo luận tại tổ sáng nay 22.5, nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm xử lý nợ xấu , khơi thông dòng vốn đang bị tắc nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phải xử lý dứt điểm nợ xấu

Đại biểu (ĐB) Thân Đức Nam (Đà Nẵng) phản ánh nghịch lý ngân hàng (NH) thừa vốn nhưng lại không thể cho vay ra, tín dụng bị chặn lại, còn DN thì vẫn cứ khó khăn, kêu không tiếp cận được nguồn vốn. Nguyên nhân chủ yếu do nợ xấu, NH phải trích lập dự phòng rủi ro, các DN rơi vào nhóm nợ xấu nên không thể tiếp tục được vay vốn.

Theo ĐB Nam, tình hình hiện nay cần tính toán tới việc tập trung thúc đẩy tăng trưởng, làm sao để DN và NH gặp được nhau. “Nếu không cứu được nợ xấu, cứ để luẩn quẩn vài ba năm nữa rồi lãi mẹ đẻ lãi con sẽ rất khó khăn”, ĐB Nam lo ngại.

ĐB Nguyễn Văn Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt Nhật) cũng đồng quan điểm trên và đề nghị phải sớm tháo gỡ khó khăn tín dụng để DN tiếp cận được vốn, nếu không dứt khoát nền kinh tế không thể phát triển được.

Hiện nay, theo ĐB Bình các DN đang bị nợ xấu tại nhiều NH, trong khi hàng tồn kho nhiều, nên một loạt DN không thể trả được nợ, bị rơi vào các nhóm nợ xấu. Vì vậy, cần phải cơ cấu lại các khoản nợ từ ngắn sang trung hạn, giãn thời gian trả nợ tùy từng DN, nhóm hàng, ngành hàng.

“Khi cơ cấu lại nhóm nợ thì phải sàng lọc DN xem DN nào làm ăn được, còn khả năng trả nợ, còn khả năng tạo công ăn việc làm thì phải bơm vốn lưu động, vốn sản xuất kinh doanh”, ĐB Bình nói.

Trưởng đoàn ĐB Nghệ An Phan Đình Trạc cũng cho rằng cần phải phân loại nợ xem loại nào cần khoanh lại, cái nào cần khoanh nợ gốc. Nên chăng có những món nợ cần phải xử lý luôn.


“Nếu không cứu được nợ xấu, cứ để luẩn quẩn vài ba năm nữa rồi lãi mẹ đẻ lãi con sẽ rất khó khăn”, Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) - Ảnh: Anh Vũ

Lãnh đạo vẫn nặng đi dự hội nghị, khánh thành

Cũng tại phiên thảo luận, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phản ánh khi tiếp xúc với cử tri, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước đang bị giảm sút, lẽ ra báo cáo cũng phải nói rõ với người dân vì sao có sự giảm sút đó trong lãnh đạo, điều hành. “Báo cáo nói rất ít, lần nào cũng vậy, tôi đề nghị UBTVQH nên quan tâm đến lĩnh vực này”, ĐB Nghĩa nói.

Về tham nhũng cũng còn nhiều vấn đề khi mà theo ĐB Nghĩa, từ khi lập Ban Nội chính đến nay vẫn chưa thấy làm được gì, chưa làm đến đâu.

“Lãng phí vẫn diễn ra, tiền ma chay, lễ hội tốn kém vô tội vạ, tiền đó là tiền ngân sách, tiền của người dân. QH đề ra chống lãng phí, tiết kiệm nhưng có ai làm đâu. Khai trương anh nào cũng đến dự. Nói lãng phí, tiết kiệm nhưng chỉ hô hào thôi, người nông dân ở nông thôn còn khổ cực, trời mưa gió không có chỗ ở. Đồng bào dân tộc, học sinh đi chân đất đi học. Các lãnh đạo phần nặng về lễ hội, khai trương dự án. Báo chí đưa lên thấy xót xa lắm”, ĐB Nghĩa bức xúc.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, cũng cho rằng, những giải pháp của Chính phủ về điều hành kinh tế xã hội đọc vào thấy không chê vào đâu được nhưng có những vấn đề tồn tại kéo dài không chỉ 1, 2 năm mà nhiều năm, nhưng: “Nếu giở tài liệu Quốc hội ra thì thấy Chính phủ đưa ra các giải pháp vẫn loay hoay như vậy thôi, còn tình hình thực tiễn khó khăn hơn nhiều đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá và cách điều hành quyết liệt”.

Theo ĐB Tâm, Chính phủ phải phân tích, nếu giải quyết vấn đề chậm sẽ dẫn tới hậu quả thế nào. “Tôi thấy không yên tâm, nhiều vấn đề kéo dài nhiều năm, còn mới đưa ra thì chậm giải quyết. Như báo cáo có nói chỉ tiêu phải tăng trưởng tín dụng 12% nhưng không đưa ra giải pháp gì hết, đọc đi đọc lại không thấy nói nguyên nhân vì sao không đạt được và giải pháp đưa ra như thế có đạt được chỉ tiêu này không. Chính sách của chúng ta làm cho người dân không yên tâm, cử tri hỏi do vấn đề gì mà đẩy khó khăn về cho người dân, tạo thuận mình cho mình trong quản lý, câu hỏi này chưa trả lời được”, ĐB Tâm nêu.

Anh Vũ - Nguyệt Minh

>> Nợ xấu còn cao, doanh nghiệp phá sản còn nhiều
>> Gia hạn nợ xấu, không nên đánh đồng
>> Xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... còn chậm
>> Chính phủ “trả lại” đề án xử lý nợ xấu
>> Nguy cơ gia tăng nợ xấu
>> Cảnh báo nợ xấu tiềm ẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.