>> Nắng nóng sẽ lên tới 41-42 độ C
>> Mưa đá và lốc xoáy cực lớn ở Huế
>> Lốc xoáy ở Hà Nội
>> Lũ quét, 5 người chết, 5 người mất tích
>> Miền Bắc rét đậm, rét hại trên diện rộng
>> Mưa tuyết bất thường ở Sa Pa
Nắng nóng lịch sử
Mới đầu mùa hạ nhưng Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vừa trải qua một đợt nắng nóng gay gắt trên diện rộng khiến người dân choáng váng. “Nắng nóng gay gắt đến quá đột ngột nên người dân chưa kịp thích nghi”, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Hải, đợt nắng nóng này vẫn còn thua 2 đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài kỷ lục trong hai tháng liên tiếp, tháng 6 và tháng 7.2010. Đây là những đợt nắng nóng gay gắt nhất được ngành khí tượng ghi nhận từ trước đến nay.
|
“Nhiệt độ cao nhất trong các đợt nắng nóng này phổ biến từ 36-39 độ C. Đặc biệt, tại các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, nhiệt độ lên tới 40-41 độ C, một số nơi trên 42 độ C. Nhiều nơi đạt giá trị cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử, như Hòa Bình 41,8 độ C; Láng (Hà Nội) 40,4 độ C; Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 42,2 độ C; Con Cuông (Nghệ An) 42,2 độ C…”, ông Hải thông tin.
Mưa đá “khủng” nhất từ trước tới nay
Mưa đá và lốc xoáy, theo TS Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khí tượng khí hậu, đang diễn biến phức tạp, mỗi năm xảy ra hàng chục trận, riêng năm 2007 là trên 100 trận và từ đầu năm 2013 đến nay mưa đá, lốc xoáy dồn dập xuất hiện ở một loạt các tỉnh thành trên cả nước.
|
Trong đó, ông Lưu Minh Hải cho biết, trận mưa đá xảy ra vào đêm về sáng ngày 27.3 tại các huyện Mường Khương, Si Ma Cai và Bắc Hà ở Lào Cai, được xác định là trận mưa đá khốc liệt chưa từng có trong lịch sử.
Những hạt đá có đường kính từ 5-10 cm, hạt lớn 10-14 cm trút xuống đất làm 36 người bị thương, thổi bay trên 12.000 mái nhà, thiệt hại vật chất lên đến 271 tỉ đồng.
Rét kỷ lục
Năm 2011, những cơn mưa tuyết trắng trời Sa Pa (Lào Cai) và Mèo Vạc (Hà Giang) xuất hiện giữa tiết trời tháng 3. Khi đó, sáng sớm 16.3.2011, nền nhiệt độ tại Sa Pa và xã Y Tý (H.Bát Xát) chỉ còn 0 độ C, băng giá và mưa tuyết đã xuất hiện, phủ trắng cành cây, mái nhà, mặt đất với mức độ phủ dày phổ biến từ 10-12 cm.
Ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Lào Cai, nói: "Đây được xem là lần đầu tiên mưa tuyết xuất hiện vào tháng 3 kể từ trước đến nay. Mưa tuyết lần này đã xô đổ kỷ lục được thiết lập và duy trì trong suốt 43 năm qua, trở thành mưa tuyết xuất hiện muộn nhất trong lịch sử".
|
Trước đó, đợt rét đậm, rét hại khốc liệt kéo dài 38 ngày, từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 2.2008 đã tấn công miền Bắc, xô đổ “kỷ lục” rét đậm, rét hại lịch sử xảy ra trong mùa đông 1967-1968.
Các vùng cao một số tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái và nhất là Lào Cai, ngoài rét đậm, rét hại phải chịu đựng thêm từ 2-4 đợt băng giá, sương muối, hoặc mưa dông kết tạo thành băng giá với cường độ từ trung bình đến nặng.
Rét đã làm cho toàn miền Bắc chết gần 50.000 con gia súc các loại (gồm trâu, bò, ngựa, dê), sản xuất nông nghiệp bị đình trệ.
Mưa, lũ lớn chưa từng thấy
Tại hội thảo về những hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày hôm qua 21.5, ông Lưu Minh Hải nhắc lại trận mưa lớn chưa từng có trút xuống Hà Nội và các vùng lân cận kéo dài từ ngày 31.10 đến 4.11.2008.
“Mưa dai dẳng, mưa như trút sầm sập đổ xuống. Lượng mưa thu được cả đợt tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Tây (cũ), Hòa Bình, Ninh Bình dao động từ 600-1.000 mm, một con số mà lần đầu tiên ngành Khí tượng - Thủy văn nước ta mới ghi nhận được”, ông Hải nói.
|
Lượng mưa, theo ông Hải, đã vượt xa đợt mưa lớn lịch sử năm 1963 và 1984 khiến Hà Nội và các địa phương lân cận ngập chìm trong biển nước. Nhiều nơi không phân biệt nổi đâu là ao hồ, đâu là đường đi, mọi hoạt động kinh tế, đi lại của thủ đô Hà Nội có nơi bị tê liệt nhiều ngày.
Nhiều nhà cửa bị ngập sâu, có địa phương sâu từ 3-5 m, hầu hết diện tích cây trồng, diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị úng lụt làm mất trắng....
20 người đã bị thiệt mạng trong đợt mưa lớn dị thường này, thiệt hại về tài sản ước tính lên tới 3.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, theo TS Cường, dưới tác động của biến đổi khí hậu, lũ lụt ngày càng gia tăng về cường độ và tính trái quy luật.
Lũ lụt thường xảy ra ở miền Trung, ít nhất cũng ở một số tỉnh, nhiều nhất có thể xảy ra trên toàn miền như trong các năm 1996, 1998, 1999 và 2007.
Lũ lụt lịch sử tháng 11 và tháng 12.1999 xảy ra trên nhiều tỉnh miền Trung do những trận mưa rất lớn dẫn đến nhấn chìm hàng trăm làng mạc, tổn thất về vật chất rất to lớn, gây hậu quả lâu dài.
“Tại Nam bộ, 3 năm liên tiếp 2000, 2001 và 2002 đã xảy ra lũ lớn trên hệ thống sông Cửu Long, trong đó năm 2000 lũ lớn tương đương mức lũ lịch sử năm 1961, nhiều nơi vượt lũ lịch sử, đây là trận lụt nghiêm trọng nhất trong vòng 70 năm trở lại đây tại một vùng đông dân cư”, TS Cường nói.
“Bão ma”
Cũng tại hội thảo diễn ra ngày hôm qua, ông Lưu Minh Hải, cho biết thời gian qua đã xuất hiện nhiều cơn bão mạnh, có hướng di chuyển dị thường, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Gần đây nhất, mùa bão năm 2012, đã xuất hiện nhiều cơn bão “lạ”, bão “ma”. Trong đó, đường đi của cơn bão số 6 đã “vẽ” nên một nút thắt trên biển và cơn bão số 7 sau nhiều lần đổi hướng đã quay trở lại nơi xuất phát.
Kỳ lạ nhất có lẽ là cơn bão số 4, xảy ra ngay sau đó. Cơn bão này dị thường đến mức, Bộ TN-MT phải tổ chức một hội thảo khoa học để mổ xẻ về nó và rút kinh nghiệm cho công tác dự báo bão. Tại buổi hội thảo, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư đã phải thốt lên, đây là cơn bão diễn biến bất thường, có những diễn biến rất bất ngờ và đột ngột, làm tất cả các trung tâm dự báo bão của thế giới đều “hụt hơi” trong công tác dự báo.
|
Người đứng đầu cơ quan dự báo khí tượng thủy văn nước nhà cho biết thêm, một điểm bất thường nữa của cơn bão số 4 chính là việc nó bất ngờ tăng cấp, mạnh lên rất nhanh khi đã tiến sát vào đất liền rồi đột ngột giảm cấp cũng rất chóng vánh.
Theo ông Tăng, hầu hết các cơn bão khi vào gần bờ cường độ thường yếu đi nhưng sau khi sắp sửa độ bộ, trong khoảng 12 giờ, bão đã mạnh lên 4 cấp, từ cấp 10 lên cấp 14. Ngược lại, sau khi đi vào đất liền, cũng chỉ sau 12 giờ, cường độ bão đã giảm đi 5 cấp. “Không có bất kỳ một trung tâm báo bão nào trên thế giới có thể dự báo được diễn biến về cường độ của bão số 4. Trung tâm dự báo sát nhất cũng có sai số so với thực tế 2-3 cấp”, ông Tăng nói.
Gia tăng lũ quét
Theo TS Hoàng Đức Cường, từ năm 1980 đến nay đã xảy ra tổng cộng 300 trận lũ quét, trung bình 12 trận/năm. Các trận lũ quét tăng dần theo thời gian: giai đoạn 1981-1990 chỉ có 8 trận nhưng từ năm 1991-2000 đã có tới 101 trận và từ năm 2011 đến nay xảy ra 182 trận.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu
“Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến của mưa, bão, lũ, dông lốc, mưa đá… sẽ rất khó lường, nhiều khi không tuân theo quy luật, vượt quá những hiểu biết của con người vốn đã được đúc kết trong những cuốn sách giáo khoa về lĩnh vực này”, ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư nói.
Hiện tại, cơ quan khí tượng Việt Nam mới chỉ có thể đưa ra được cảnh báo mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất trên một khu vực rộng lớn và ở các lưu vực sông vừa và lớn, hiện vẫn “bó tay” trong việc dự báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm nêu trên đối với một con suối, trên một khúc sông và ở một khu vực hẹp, chẳng hạn như sẽ không thể chỉ ra được, lũ quét sẽ xảy ra trên con suối nào, sạt lở đất đá sẽ xuất hiện trên ngọn núi nào.
Vì thế, người dân cần hết sức chú ý quan sát địa hình nơi mình sinh sống, dựa vào cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn để có những ứng xử phù hợp nhất.
Quang Duẩn
Bình luận (0)