Lý Hiển Long: "Đông Bắc Á cần khép lại quá khứ Thế chiến 2"

23/05/2013 13:05 GMT+7

(TNO) Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cần khép lại những vấn đề thuộc Thế chiến 2 để vun đắp các mối quan hệ song phương.

(TNO) Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cần khép lại những vấn đề thuộc Thế chiến 2 để vun đắp các mối quan hệ song phương.

>> Lá chắn tên lửa tại Đông Bắc Á
>> Thế trận tên lửa Đông Bắc Á: Các kịch bản đánh chặn
>> Thế trận tên lửa Đông Bắc Á

Ông Lý phát biểu như vậy tại Tokyo hôm 22.5 trong chuyến thăm 4 ngày đến xứ Phù Tang, bắt đầu từ 21.5.

Cũng hôm 22.5, ông Lý có cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe. Theo báo Straits Times, hai bên đang thúc đẩy tiến đến một Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhằm thay thế Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản-Singapore (JSEPA) được ký kết năm 2002.

Bên cạnh bày tỏ ủng hộ đối với kế hoạch cải tổ kinh tế của ông Abe, vốn đang được chú ý trên thế giới như một học thuyết kinh tế với tên gọi Abenomics, ông Lý cũng kêu gọi Nhật Bản hướng mạnh hơn vào ASEAN.

Càng gần gũi ASEAN, Nhật Bản càng có cơ hội cải thiện quan hệ với các đối tác của ASEAN như Trung Quốc, Hàn Quốc, nhờ các cuộc gặp bên lề các hội nghị của ASEAN, ông nói.

Chấp nhận lịch sử và khép lại quá khứ

Ông Lý cũng nhận định rằng bế tắc trong vấn đề tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện nay “có liên hệ chặt chẽ với những vấn đề chưa được giải tỏa” từ cuộc chiến kết thúc cách đây gần 70 năm.

Cuộc chiến mà ông Lý muốn nói đến chính là Thế chiến 2, với việc chiếm đóng và gây ra nhiều tội ác của quân đội Nhật ở Trung Quốc, Hàn Quốc, cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, gồm cả Singapore.

Tuy nhiên, “Nếu chúng ta cứ tiếp tục lật lại những chuyện cũ, sẽ rất khó để phát triển các mối quan hệ và hợp tác cần thiết cho sự tiến lên trong thế kỷ 21”, ông Lý nói.

Ông Lý cũng chỉ ra hai điển hình mà quá khứ chiến tranh đã được khép lại. Đó là ở châu u và giữa Nhật Bản với các nước Đông Nam Á.

“Ở châu u, các quốc gia đã chấp nhận và đối mặt trực diện với lịch sử, để rồi tiến lên. Bất luận đọc lịch sử Pháp hay lịch sử Đức, bạn đều nhận được những thông tin chính yếu giống như nhau… Bất cứ người Đức nào cũng thừa nhận Hitler là một người xấu”, báo Straits Times trích lời ông Lý.

“Nhưng ở châu Á, điều đó đã không xảy ra, dù rằng Thủ tướng Tomiichi Murayama đã thay mặt nước Nhật xin lỗi trong thập niên 1990. Bất đồng cứ tái diễn khi này khi khác chỉ bởi những điều xuất hiện trong sách sử của Nhật Bản”, ông Lý nói thẳng.

Đài tưởng niệm nạn nhân Thế chiến I và II ở ngay trung tâm Singapore - Ảnh: Seng Kang
Đài tưởng niệm nạn nhân Thế chiến I và II ở ngay trung tâm Singapore - Ảnh: Seng Kang 

Dù vậy, Đông Nam Á cũng đã khép lại quá khứ, ông nói.

“Ở Singapore, mặc dù những người sống qua thời chiến vẫn còn nhớ như in những gì đã xảy ra với họ. Nhưng Singapore, với tư cách một xã hội, chúng tôi đã khép lại những câu chuyện”, ông nói.

Ông cũng nhắc lại: “Hồi thập niên 1960, vấn đề lại được xới lên khi người ta phát hiện hố chôn tập thể những người bị thảm sát trong thời chiến. Nhưng sau khi chính phủ Nhật chi một khoản bồi thường, chúng tôi đã xây lên đó một đài tưởng niệm dân sự, và khép lại quá khứ”.

“Nhưng tôi không nghĩ đó là thực tế giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó không phải là thực tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Lỗi thuộc về ai?”, ông nêu vấn đề.

“Tôi không nghĩ việc chỉ mặt đặt tên thì có ích gì… Nhưng đó là một vấn đề mà Nhật Bản cần phải cân nhắc”, ông Lý kết luận.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Thủ tướng Lý Hiển Long "tấu hài" về môi trường Trung Quốc
>> Trung Quốc trong cái nhìn của ông Lý Hiển Long
>> Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh giá cao Duyên Dáng Việt Nam 18
>> Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.