Ngày 22.5, Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt lên tiếng kêu gọi bình tĩnh để thiết lập lại trật tự nhưng vẫn không giúp tránh khỏi đêm bạo động thứ 4, theo AFP. Mồi lửa khiến bạo động bùng phát là vào ngày 19.5, một người đàn ông 69 tuổi “có biểu hiện tâm thần không ổn định” dùng mã tấu đe dọa cảnh sát và bị bắn chết tại khu ngoại ô Husby, phía bắc Stockholm. Tuy lai lịch của nạn nhân không được công bố nhưng nhiều nhóm thanh niên ở khu vực phức tạp này cáo buộc cảnh sát hành động “tàn nhẫn”, “phân biệt chủng tộc” và bắt đầu tấn công các đồn an ninh, đốt xe hơi, đập phá cửa hàng…
Sau đó, bạo động dần lan về phía tây và phía nam Stockholm. Đến đêm 22.5, một số thành phố khác như Malmö bắt đầu có xe bị đốt. Cùng ngày, tại khu ngoại ô Hagsätra, phía nam Stockholm, khoảng 50 thanh niên trên dưới 20 tuổi ném đá về phía cảnh sát và đập phá nhà cửa gần đó. Theo lời kể của một nhân chứng, những người này hành động không hỗn loạn mà có vẻ đã tính toán cẩn thận. Đến nay, đã có nhiều người bị thương, bị bắt giữ, hàng chục xe bị đốt trụi trong khi trường học, trung tâm văn hóa và nhiều cửa hàng hư hại.
|
Làn sóng bạo lực xảy ra giữa lúc châu u đang chìm trong khủng hoảng tài chính và nợ công. Thụy Điển tuy không bị ảnh hưởng quá nặng nề nhưng vẫn gặp khó khăn, phải siết lại ngân sách và càng gây thêm bất mãn cho giới trẻ và bộ phận người nhập cư thất nghiệp.
Khủng hoảng ở “thiên đường”
Vì sao một đất nước nổi tiếng là “thiên đường phúc lợi” như Thụy Điển vẫn không thoát khỏi tình trạng căng thẳng xã hội những năm gần đây ở các nước châu u? Trùng hợp là chưa đầy 1 tuần trước khi bạo động bùng phát, tờ Svenska Dagbladet dẫn báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết Thụy Điển là một trong những nước thành viên có chênh lệch thu nhập tăng nhanh nhất. Năm 1995, nước này đứng đầu OECD về bình đẳng về lương bổng. Hiện nay, Thụy Điển rớt xuống vị trí 14/34. Khoảng hơn 1 thập niên trở lại đây và đặc biệt từ năm 2006, khi cánh hữu chiến thắng trên chính trường, phúc lợi xã hội dành cho bệnh nhân, người thất nghiệp, người hưu trí… đã bị cắt giảm. Khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 càng làm tình hình u ám hơn.
|
Theo tờ The Guardian, đầu thập niên 1970, Thụy Điển thuộc nhóm 3 quốc gia giàu nhất thế giới. Ngân sách dư giả được Stockholm dùng để xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội cực tốt. Nhưng từ năm 1973, khủng hoảng dầu hỏa ảnh hưởng đến Thụy Điển. Chế độ phúc lợi bắt đầu bớt “hào phóng”. Sau đó, tuy kinh tế Thụy Điển dần phục hồi nhưng nhiều vấn đề xã hội đã hình thành. Đỉnh điểm của bất ổn là năm 1986, Thủ tướng Olof Palme bị ám sát và đến nay vẫn chưa xác định được hung thủ.
Một vấn đề đau đầu khác đối với Stockholm là giúp dân nhập cư hòa nhập xã hội. Những người có gốc nước ngoài hiện chiếm gần 15% dân số nước này, cao nhất khu vực Scandinavia. Về mặt tích cực, dân nhập cư giúp tỷ lệ dân số trẻ của Thụy Điển tăng đáng kể, đứng đầu các nước Bắc u nên được ngành giáo dục cực kỳ ủng hộ. Tuy nhiên, nếu không giúp họ hòa nhập được với môi trường mới sẽ dẫn đến nhiều hệ quả về mặt xã hội.
Trả lời Đài France 24, chuyên gia về khu vực Scandinavia Jenny Anderson nhận định: “Các khu vực ngoại ô tập trung đông dân nhập cư ở Stockholm, Göteborg, Malmö thường xuyên căng thẳng. Phần lớn dân những khu này đều nghèo khổ và cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội, bị đối xử bất bình đẳng. Nơi họ sống có cơ sở hạ tầng cũ kỹ, thiếu nhiều dịch vụ quan trọng như ngân hàng, trung tâm thương mại… Một số cộng đồng người nhập cư có tỷ lệ thất nghiệp lên đến 80%, trong khi tỷ lệ này ở người Thụy Điển “chính gốc” là 6%”. Bên cạnh đó, khủng hoảng kinh tế khiến các tổ chức cực hữu thắng thế tại Thụy Điển và khiến nạn phân biệt chủng tộc tăng cao. Trong đợt bạo động lần này, một số nhân chứng cho biết cảnh sát nhiều lần dùng những lời lẽ như “dân da đen”, “đồ lêu lổng” để lăng mạ người ở khu Husby, nơi bùng phát bất ổn.
Anh bàng hoàng vì vụ giết người tàn bạo Cả nước Anh vẫn còn rúng động sau khi một binh sĩ bị giết một cách tàn nhẫn ngay giữa thủ đô London, theo tờ Le Figaro. Chiều 22.5, 2 thanh niên khoảng 20 tuổi đã tông xe vào nạn nhân, sau đó xuống xe và dùng dao rựa chém liên tiếp vào người này. Trong đoạn phim do một số nhân chứng quay lại, các thủ phạm tuyên bố hành động để “trả thù cho người Hồi giáo và muốn gây ra một cuộc chiến ngay tại London”. Cả 2 bị thương nặng do trúng đạn của cảnh sát và đang được điều trị tại bệnh viện dưới sự canh gác nghiêm ngặt. Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua đã họp với giới chức an ninh về vụ việc và ra lệnh điều tra xem các thủ phạm có liên quan đến các tổ chức khủng bố hay không. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Lính Mỹ báo động vì tình hình Libya
>> Trung Quốc dùng chó dự báo động đất
>> Trung Quốc bắt 19 người trong vụ bạo động Tân Cương
>> Venezuela báo động âm mưu bạo loạn
>> E ngại Triều Tiên, đảo Guam nâng mức báo động
Bình luận (0)