|
Việc tạm ngưng vắc xin Quinvaxem gây xáo trộn về lịch tiêm và lo ngại nguy cơ về sự trở lại của một số dịch bệnh. Trao đổi với Thanh Niên, GS-TS Nguyễn Trần Hiển cho biết: Hiện tại chúng ta vẫn chờ đợi trả lời kết quả xét nghiệm về chất lượng vắc xin tại một phòng thí nghiệm độc lập của Tổ chức Y tế thế giới và kết quả của cuộc họp của Ủy ban Cố vấn toàn cầu về an toàn tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới sau khi phân tích các báo cáo phản ứng sau tiêm chủng của các nước trên thế giới có sử dụng vắc xin Quinvaxem, trong đó có Việt Nam. Dự kiến cuối tháng 6.2013, chúng ta sẽ có đầy đủ kết luận về tính an toàn của vắc xin Quinvaxem của Tổ chức Y tế thế giới. Khi đó Bộ Y tế có quyết định chính thức tiếp tục hay ngừng sử dụng Quinvaxem. Việc dừng vắc xin phải dựa trên các bằng chứng khoa học và không làm gián đoạn chương trình tiêm chủng.
Trong thời gian chờ đợi trẻ sẽ không được tiêm đúng lịch khiến nhiều gia đình lo lắng ảnh hưởng đến khả năng được bảo vệ trước các bệnh nguy hiểm này?
Việc dừng vắc xin này chỉ là tạm thời trong khoảng 2 tháng và cố gắng không để thời gian tạm dừng này kéo dài. Gián đoạn mũi tiêm trong thời gian 2 tháng không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của trẻ khi tiêm các mũi tiêm tiếp theo đối với những trẻ đã được tiêm 1 hay 2 mũi trước đó. Trên thực tế các nước có lịch tiêm khác nhau về khoảng cách giữa các mũi tiêm bạch hầu - ho gà - uốn ván là 2-4-6 tháng, hoặc 3-5-12 tháng chứ không phải là 2-3-4 tháng như lịch của nước ta.
|
GS từng cho biết, trong Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào gây phản ứng mạnh, vậy chúng ta có phương án thay thế vắc xin an toàn hơn không?
Về lâu dài Bộ Y tế sẽ lập đề án với lộ trình thích hợp trình Chính phủ thay thế bằng các vắc xin khác thế hệ mới có ít phản ứng tại chỗ hơn. Tuy nhiên tôi cũng lưu ý, không có vắc xin nào là an toàn 100%. Ngay cả khi nếu có thay thế vắc xin khác cũng vẫn có thể có các báo cáo về phản ứng sau tiêm chủng nặng do cơ địa của trẻ và do trùng hợp ngẫu nhiên.
Trước mắt, chúng ta sẽ chờ có đầy đủ kết luận về tính an toàn của vắc xin Quinvaxem của Tổ chức Y tế thế giới vào cuối tháng 6, trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ đưa ra quyết định. Theo tôi, nếu không có bằng chứng về mối liên quan giữa các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng nặng với chất lượng vắc xin thì nên sử dụng lại. Nếu trong trường hợp ngưng sử dụng Quinvaxem thì việc tiêm sẽ được thay thế bằng vắc xin trong nước như đã sử dụng trước đây là mũi tiêm vắc xin 3 trong 1 (bạch hầu - ho gà - uốn ván), và mũi tiêm vắc xin viêm gan B, nhưng khi đó không có thành phần hib (thành phần phòng bệnh viêm màng não, viêm phổi do vi khuẩn hib).
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, mẫu vắc xin Quinvaxem đã được kiểm định tại phòng xét nghiệm tại Anh. Khó khăn trong xác định nguyên nhân tai biến do sốc phản vệ do vắc xin hay trùng hợp ngẫu nhiên vì các bé đều tử vong tại nhà, không có hồ sơ theo dõi diễn biến phản ứng sau tiêm ở cơ quan y tế, và cũng không có mổ tử thi nên không có bằng chứng để kết luận nguyên nhân. Các nhà khoa học trong nước và trên thế giới đang hợp tác cố gắng tìm nguyên nhân. Trong các trường hợp sau tiêm vắc xin, trẻ cần được theo dõi trong vòng 48 giờ (đặc biệt chặt chẽ trong vòng 24 giờ đầu). Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường như: khóc thét kéo dài, sốt cao, tím tái... |
Liên Châu
(thực hiện)
Bình luận (0)