(TNO) Trung Quốc đang nhắm đến hệ thống tên lửa phòng không có khả năng phong tỏa toàn bộ không phận Đài Loan, tuần san quốc phòng và công nghệ Defense News (Mỹ) hôm 25.5 cho biết.
HQ-9 và S-300, hai hệ thống tên lửa phòng không di động mà Trung Quốc hiện đang sở hữu, có tầm bắn chỉ vươn đến một phần nhỏ của khu vực tây bắc Đài Loan.
Tuy nhiên, với kế hoạch mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga (tầm bắn 400 km), Trung Quốc lần đầu tiên sẽ có thể "tự tin kiểm soát toàn bộ không phận của Đài Loan".
|
Các cuộc đàm phán về đơn đặt hàng mua S-400 của phía Trung Quốc đã được các quan chức Nga xác nhận vào năm 2012, Defense News dẫn lời ông Vasily Kashin, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga.
“Điều này có lẽ chính là lý do vì sao Đài Loan không còn mặn mà với mẫu tiêm kích F-16 thế hệ thứ tư của Mỹ mà trước đó Đài Loan rất thích”, Ian Easton, chuyên gia nghiên cứu quân đội Trung Quốc tại Viện Dự án 2049 của Mỹ (chuyên nghiên cứu chính sách an ninh ở Trung Á và châu Á - Thái Bình Dương), nhận xét.
Đài Loan hiểu rằng sẽ cần phải có chiến đấu cơ tàng hình hiện đại F-35 của Mỹ trước năm 2023 và nếu Mỹ từ chối bán mẫu này cho Đài Loan, như đã từng từ chối bán F-16, thì “giải pháp duy nhất của Đài Loan là phải tìm cách cải tiến mạnh mẽ tên lửa hành trình và tăng cường triển khai các tên lửa đạn đạo mà thôi”, ông Easton nhận định.
York Chen, một cựu quan chức an ninh Đài Loan, cho rằng một khi S-400 kết hợp với các binh chủng trên đất liền và trên biển của Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ “tự tin hơn trong việc duy trì việc thống trị vùng trời của Đài Loan vì đã có khả năng vô hiệu hóa bất kỳ đợt phản công nào của không quân Đài Loan và đồng thời ngăn chặn được sự can thiệp của Mỹ”.
Thương vụ mua S-400 từ Nga của Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra sớm nhất là vào năm 2017, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có thông tin hay diễn tiến gì về cuộc đám phán giữa hai bên và cũng chưa rõ là Trung Quốc sẽ mua bao nhiêu, ông Kashin cho hay.
“Almaz-Antey, hãng sản xuất S-400, hiện đang bù đầu với các đơn hàng từ chính quân đội Nga và một số khách hàng nước ngoài khác. Trước đó, các quan chức Nga từng cho biết rằng việc chuyển giao S-400 cho phía Trung Quốc sẽ chỉ diễn ra sau khi hãng này giao hàng xong cho Bộ Quốc phòng Nga, vốn phải đến sau năm 2017”, ông Kashin phát biểu.
Giới quan sát nhận định việc Trung Quốc mua S-400 không chỉ ảnh hưởng đến Đài Loan, mà còn đe dọa cả Ấn Độ và Nhật Bản.
“Điều này sẽ khiến Ấn Độ lao vào chạy đua vũ trang vì nước này lệ thuộc vào các tên lửa đạn đạo để đối phó với Trung Quốc”, ông Easton cho hay.
Trên lý thuyết về tầm bắn, S-400 cũng có thể bao trùm không phận của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản.
Hoàng Uy
>> Nga triển khai S-400 ở khu vực giáp Trung Quốc và Triều Tiên
>> Nga thử hệ thống tên lửa phòng không S-400
>> Nga sẽ bán tên lửa S-400 cho Trung Quốc
>> Quân khu miền đông Nga nhận tên lửa S-400
>> Nga đưa tên lửa S-400 tới vùng Viễn đông
>> Nga sắp triển khai tên lửa S-400 ở Kaliningrad
Bình luận (0)