Tân đã biến khu đất đồi hoang núi trọc thành trang trại trù phú, quy mô lớn nhất trong số các trang trại thanh niên ở xã Việt Cường, H.Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Con đường làm giàu của Bồ Xuân Tân trải qua không ít chông gai thử thách. Năm 2004, sau bốn năm trồng rừng, một cơn bão bất ngờ quét qua trang trại quật gãy hàng chục héc ta keo lấy gỗ. Tân ngậm ngùi bán thanh lý rừng keo non cho các nhà máy sản xuất giấy để vớt vát đồng vốn. Chưa có kinh nghiệm phòng bệnh, đàn lợn, cá thường xuyên lâm bệnh rồi hao hụt dần. Trước tình thế đó, Tân đôn đáo khắp nơi học kinh nghiệm, tự đọc sách nghiên cứu để phòng bệnh bảo vệ đàn vật nuôi.
|
Khi đã có kinh nghiệm, Tân bắt đầu mở rộng quy mô đàn lợn. Hiện tại, khu chuồng trại lúc nào cũng có 50 con lợn thịt, diện tích mặt nước thả đã rộng tới 1,5 ha. Ngoài keo lấy gỗ, Tân tìm cách thử nghiệm trồng giống mới cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật nhất là trồng thành công cây thanh long trên đất rừng Yên Bái. Mỗi cánh rừng có chu kỳ thu nhập từ 5 - 7 năm, Tân đưa ra sáng kiến trồng thêm quế gối vụ xen kẽ với keo bồ đề để có thu nhập thường xuyên, tái đầu tư vào trang trại. Gần 10 năm gây dựng, trang trại của Bồ Xuân Tân khai hoang mở rộng diện tích trồng rừng lên 27 ha, cộng thêm đàn lợn và khu ao nuôi cá, mỗi năm trang trại cho Tân nguồn thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng. Có tiền sinh lời, Tân đầu tư cả tỉ đồng mua máy xúc, bỏ công sức bạt đồi, xẻ núi mở đường kết nối các khu rừng giúp nông dân trong xã dễ đi lại thu hoạch nông sản và giao thương.
“Trang trại tổng hợp của Tân hiện là mô hình tiên phong ở xã miền núi này và đã kéo nhiều thanh niên ly hương tìm việc làm trở về làm kinh tế trang trại. Không chỉ lo làm giàu, vun vén cho bản thân, Bồ Xuân Tân còn sẵn sàng giúp đỡ nhiều thanh niên trong xã mở trang trại làm kinh tế”, anh Phạm Quốc Dân, Bí thư Đoàn xã Việt Cường chia sẻ.
Trong số nhân công từng làm việc ở trang trại, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Công bước đầu thành công với mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm. Thành quả này có sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực từ ông chủ trẻ Bồ Xuân Tân. Công từng có vài năm đi làm ăn xa quê, thu nhập mỗi tháng vài triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt và gửi về nhà phụ vợ nuôi con thì hầu như gia đình không còn vốn tích lũy. Nghe lời Tân vận động, Công trở về quê hương, vào làm việc ở trang trại để học cách làm kinh tế với mô hình trang trại. Sau một thời gian dài học việc, Công mạnh dạn vay vốn đầu tư mở trang trại trồng nông sản và chăn nuôi gia cầm.
“Tôi mong muốn mỗi bạn trẻ đều có ý chí khởi nghiệp và phát triển kinh tế hộ gia đình để sau thời gian làm việc trong trang trại, họ sẽ gây dựng được cơ ngơi cho riêng mình”, Tân nói. Chia sẻ dự định trong tương lai, Bồ Xuân Tân cho biết ngoài việc nâng quy mô đàn lợn lên 100 con, đào thêm ao gây cá giống và mở rộng diện tích trồng thanh long, anh sẽ đứng ra mở hợp tác xã, kết nối trang trại thanh niên trong toàn xã hỗ trợ lẫn nhau tạo dựng thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ.
Kết nối chủ trang trại trẻ với nhà khoa học Ngày 27.5, tại Yên Bái, T.Ư Hội LHTN Việt Nam tổ chức hội thảo lắng nghe ý kiến đề xuất của chủ trang trại trẻ các tỉnh miền núi phía bắc về khó khăn, giải pháp tháo gỡ giúp mô hình kinh tế này phát triển bền vững. Hội thảo có sự tham gia góp ý của giáo sư (GS) Nguyễn Lân Hùng, là chuyên gia quen thuộc của nông dân Việt Nam. GS Hùng cho rằng thanh niên các tỉnh miền núi phía bắc có nhiều điều kiện phát triển kinh tế trang trại nhờ đất đai rộng lớn, khí hậu thuận lợi trồng các loại cây nông sản có giá trị kinh tế cao. Hiện nay các nhà khoa học nghiên cứu thành công nhiều loại nông sản có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở khu vực này. Trong điều kiện vốn eo hẹp, các bạn trẻ nên chọn mô hình có đầu tư nhỏ để phát triển từng bước. GS Hùng đề xuất ý tưởng T.Ư Hội LHTN Việt Nam sẽ làm đầu mối thành lập hệ thống nhà sách chuyên về nông nghiệp dành cho các nhà nông trẻ tiếp cận tìm hiểu tri thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất. Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư T.Ư Đoàn, khẳng định hỗ trợ thanh niên phát triển mô hình kinh tế trang trại, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn là giải pháp cụ thể của Đoàn trong đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh việc tham mưu cơ chế hỗ trợ vốn từ ngân sách, các tỉnh, thành Đoàn còn nghiên cứu sáng tạo các phương thức hùn vốn, lập tổ tiết kiệm huy động vốn nội lực trong thanh niên. Anh Dũng nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, Đoàn thanh niên cần có vai trò cầu nối, liên kết giữa các chủ trang trại trẻ với nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu khoa học nhằm đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào chăn nuôi, sản xuất; tư vấn, hỗ trợ chủ trang trại trẻ xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ. Dịp này, Hội LHTN Việt Nam đã đứng ra thành lập CLB trang trại trẻ các tỉnh miền núi phía bắc quy tụ các mô hình trang trại thanh niên ở 13 tỉnh khu vực này. |
Phan Hậu
>> Chàng trai hào hiệp
>> Đừng bỏ mặc nông dân
>> Điều tra vụ ăn chặn tiền hỗ trợ nông dân
>> Phim về nông dân lôi cuốn khán giả
>> Nông dân trồng hồ tiêu lãi lớn
>> Nông dân kiện nhà văn
Bình luận (0)