Khắc phục thời tiết
Mùa hoa Tết năm 2011, nhiều người phải trố mắt ngạc nhiên khi bước vào vườn hoa của ông Tùng. Không ai dám nghĩ mùa xuân mà lại có hoa nhật lê trổ bông (giống cây lựu nhưng nhỏ hơn) được trồng trong chậu cảnh để chưng trên bàn khách. Bởi ai cũng nghĩ loài hoa này xưa nay chỉ nở vào mùa hè.
|
Không ít người hỏi thủ thuật cho loài hoa này nở trái mùa. Ông Tùng kể: Trong một chuyến vào Bến Tre ngao du, nhìn thấy hoa nhật lê là ông kết ngay rồi mua giống về trồng thử nghiệm. Nhưng loài hoa này cứ nở vào mùa hè nên ông phải năm lần bảy lượt vào Bến Tre để học nghề. Khi về Bình Định, ông Tùng phải nghiên cứu thêm cho phù hợp với thổ nhưỡng, điều chỉnh lại một số kỹ thuật, thời gian ươm giống… thì hoa nhật lê mới nở đúng dịp tết. “Phải kiên trì lắm người ta mới chỉ cho chứ ai cũng giữ bí quyết riêng hết. Dễ trồng thì còn gì là hoa có giá trị nữa?”, ông Tùng nói.
|
Sau đó, ông Tùng tiếp tục thử sức với giống ly ly, cát tường,… được mang từ Đà Lạt về trồng trên đất thịt pha cát ở Tuy Phước. Những loài hoa này thì người trồng hoa Bình Định phải nhập từ nhiều nơi khác chứ ở vùng đất mà mùa mưa thì thối đất, mùa nắng thì đất nứt nẻ làm sao mà trồng được. Nhiều lời bàn tán, chê bài rằng liều, gàn hay cuồng thì ông Tùng vẫn mặc. Ông tự nhủ: “Sao Đà Lạt trồng được mà Bình Định thì không thể? Mình liều thì phải liều có tính toán chứ không thì lại khổ vợ, khổ con”.
Biết đất ở quê mình chưa phải nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho cây, ông Tùng bắt đầu với kỹ thuật pha đất. Tiếp đó, thay vì chi một nguồn vốn lớn để làm nhà kính cố định, ông thiết kế mái che 4 bên di động. Khi cây bắt đầu ra hoa ông dỡ hết mái che để hoa tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Chính nhờ thế nên những cánh hoa ly ly, cát tường ở vườn ông Tùng to hơn, cứng cáp, màu sắc sảo hơn, số lượng hoa trên một cây nhiều và nhất là thời gian trồng ngắn hơn ở Đà Lạt. Ngoài điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, phân bón, thuốc trị bệnh,… ông Tùng lưu ý nhất vẫn là thời tiết. “Khí hậu ở Bình Định thất thường nên phải luôn theo dõi nắng, mưa để điều chỉnh cho phù hợp với từng loại hoa. Nếu thời tiết lạnh thì phải trồng sớm, dùng kỹ thuật xử lý bằng điện để hoa ra đúng ngày. Những năm nắng khô thì trồng chậm lại một thời gian”, ông Tùng nói.
Luôn tìm hướng đi mới
Trước khi “liều có tính toán” với những giống hoa mới, ông Tùng vốn đã có thâm niên hơn 20 năm ăn nên làm ra với các hoa như cúc nữ hoàng, pha lê, đại đoá… Nhưng ông lại nghĩ, muốn có lãi cao hơn thì phải “chơi hàng độc”, trồng những loại hoa mà không ai trồng được chứ hoa cúc thì ngày càng được phổ biến. Khâu chăm sóc các giống nhật lê, cát tường, ly ly nhẹ hơn cúc nên sẽ giảm được chi phí thuê nhân công vốn ngày càng khan hiếm ở các làng hoa vào dịp cuối năm. Nghĩ là làm, ông Tùng đã giảm giống cúc trong vườn nhà xuống còn hơn 6.000 chậu để tăng hơn 5.000 cây hoa mới.
Tiết giảm được nhiều khâu, sau mỗi mùa, số tiền ông Tùng thu lại gấp 5, 6 lần, trừ đi các chi phí ông lời khoảng 500 - 600 triệu đồng. Mỗi năm, ông Tùng chỉ trồng hoa từ tháng 6 âm lịch đến tết, thời gian còn lại ông dành cho công việc đồng áng. Khi lúa đã đầy kho, năm nào người làng cũng thấy ông hồ hởi vai mang ba lô đón tuyến xe lên xứ hoa Đà Lạt. Mỗi chuyến đi không chỉ để học thêm kỹ thuật, ông còn tìm thêm những giống hoa mới, chất lượng cao hơn để về thử nghiệm trên mảnh đất nắng gió của quê mình.
Ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết: “Trong những năm gần đây, làng hoa Bình Lâm có 200 hộ nhưng đã thu không dưới 5 tỉ đồng mỗi vụ hoa tết, đấy là nhờ vào những cải tiến về giống, chất lượng hoa của các nông dân. Ông Tùng là một trong những người đi đầu trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương. Ông luôn tìm những giống hoa mới rồi nghiên cứu kỹ thuật trồng, canh tác cho phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và cho hoa nở theo ý muốn của mình
Minh Úc
>> Người trồng hoa Đà Lạt thiếu hạt giống để sản xuất
>> Người trồng hoa ôm nợ
>> Người trồng hoa số 1 Đông Nam Á
>> Trồng hoa bảo vệ lúa
>> Trồng hoa trên sỏi đá
Bình luận (0)