>> Đề xuất tăng phí, giảm quyền lợi khám BHYT
>> Tăng phí cũ, thu phí mới
>> Bệnh viện muốn tăng phí kịch trần
>> Tăng phí để tận thu ?
>> Sẽ tăng phí đóng bảo hiểm y tế
Theo Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban này là bà Trương Thị Mai ký ban hành, đến nay đã có 61/63 tỉnh, thành phố T.Ư đã triển khai thực hiện Thông tư 04, với mức giá dịch vụ y tế trung bình bằng khoảng 65-85% so với mức giá tối đa được quy định.
Tại các tỉnh miền núi, nơi hơn 90% dân số có BHYT (chủ yếu do ngân sách hỗ trợ mua, quỹ BHYT có tỉnh kết dư đến 100-150 tỉ đồng/năm) đã quyết định áp dụng mức giá viện phí 80-90% so với mức giá tối đa và dự kiến nửa cuối năm nay Hà Nội và TP.HCM sẽ áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư này.
Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội, sau gần 20 năm, giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh, việc thay đổi lần này thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện, nâng cao quyền lợi cho bệnh nhân BHYT và vận hành chính sách theo đúng quy luật. “Tuy nhiên, giá dịch vụ y tế điều chỉnh cũng là gánh nặng đối với người chưa có thẻ BHYT (khoảng 33% dân số), phần nào tác động đến chỉ số lạm phát”, Ủy ban này nhận định.
Đặt trong mối liên hệ giữa tăng phí dịch vụ y tế với lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, Ủy ban Các vấn đề xã hội nhìn nhận việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cũng là biện pháp thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân, góp phần cho mục tiêu tăng tỷ lệ dân số có BHYT từ 67% (2012) lên 80% vào năm 2020.
Thực tế, năm 2012, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho nhóm cận nghèo mua BHYT, song do hạn chế về tuyên truyền, vận động nên chỉ có 25% số hộ cận nghèo tham gia BHYT, đồng thời do chưa xây dựng tiêu chí mức sống trung bình của nhóm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nên chưa triển khai chính sách hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho nhóm đối tượng này. Đến cuối năm 2012, cả nước vẫn còn 18 tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT dưới 60%, trong đó có 5 tỉnh chỉ đạt dưới 50% .
Bệnh lạ do “nhiễm độc tố vi nấm”
Báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng đề cập đến tình trạng bệnh lạ ở Ba Tơ (Quảng Ngãi) và những kết luận ban đầu của Bộ Y tế về căn bệnh này.
Từ tháng 4.2011 - 6.2012, tại 5 xã của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi (vùng dân tộc thiểu số H’rê sinh sống) đã phát hiện 216 trường hợp bị viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, trong đó có 13 trường hợp tử vong (đều ở xã Ba Điền). Ủy ban này cho hay Bộ Y tế đã điều tra tìm nguyên nhân và kết luận: Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân không phải bệnh nhiễm trùng, nguyên nhân là do nhiễm độc tố vi nấm, trong đó chủ yếu là Aflatoxin do ăn gạo cũ bị mốc trên cơ địa người bị thiếu vi chất dinh dưỡng.
Hiện hầu hết người bệnh đều ổn định và suốt 8 tháng liên tục tiếp theo (kể từ khi can thiệp), không có trường hợp mắc bệnh mới, không tử vong thêm trường hợp nào. Thời gian gần đây (từ tháng 2 - 3.2013), lại phát hiện thêm 16 bệnh nhân, trong đó 2 ca bệnh ở huyện bên cạnh, hiện đã được trị bệnh ổn định.
Trước thông tin Bộ Y tế báo cáo, Ủy ban Các vấn đề xã hội thận trọng dẫn ý kiến một số chuyên gia cho rằng Aflatoxin có thể liên quan tới tổn thương gan, gây suy gan dẫn đến tử vong, nhưng chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa Aflatoxin và viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Trên thực tế, người dân Ba Tơ cũng như hàng trăm ngàn người dân H’rê ở các vùng khác từ lâu nay đã ăn gạo ủ nhưng không bị bệnh. “Do đó, Bộ Y tế cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ vấn đề này”, Ủy ban này đề nghị.
Đồng thời, theo Ủy ban này, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan và tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai các giải pháp nghiên cứu xác định các nguyên nhân để ngăn chặn bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, rút kinh nghiệm cho các vùng miền núi dân tộc khác.
Bảo Cầm
Bình luận (0)