Theo ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục ATTP, ngay sau khi nhận được tin cảnh báo từ Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc Đài Loan và Cơ quan lương thực thực phẩm và thú y Singapore về việc phát hiện sản phẩm sử dụng axit maleic (chất không được phép sử dụng trong thực phẩm) trong bột làm trà sữa, Cục ATTP đã lấy 6 mẫu hạt trân châu trên địa bàn Hà Nội tiến hành xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm, phân tích thành phần hóa học cho thấy không phát hiện có axit maleic trong các sản phẩm. Đối với 13 mẫu trà sữa trân châu được giám sát, 100% có hàm lượng axit benzoic (từ 30,6 - 199,6 mg/kg sản phẩm) dưới mức giới hạn quy định của Bộ Y tế và không phát hiện có axit maleic.
Theo ông Trung, Cục ATTP đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục mở rộng giám sát, lấy mẫu hạt trân châu và trà sữa trân châu đang lưu thông trên thị trường để kiểm nghiệm phát hiện hóa chất độc hại nhằm cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.
Theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên Online chiều 3.6 tại các phố Hàng Buồm, Hàng Giầy (Hà Nội) là khu vực chuyên bán các nguyên liệu pha chế đồ giải khát thì tại đây có bán nguyên liệu bột trà không rõ nguồn gốc.
Theo các chủ hàng, pha chế trà sữa trân châu ngoài “bột sữa”, hạt trân châu còn cần thêm bột trà để tạo hương vị trà, vì vậy các cửa hàng giải khát vẫn mua bột trà để pha chế trà sữa.
Trên bao bì gói bột trà toàn chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt, không ghi nhà nhập khẩu và không bày bán công khai.
“Thường ở đây vẫn bán cho người quen dùng chủ động hỏi mua loại bột này”, một chủ hàng trên phố Hàng Buồm cho biết.
Bột trà không rõ nguồn gốc có giá bán từ 60.000 - 65.000 đồng/gói trong lượng 0,6 - 1 kg.
Nam Sơn
>> Kiểm tra chất lượng trà sữa trân châu
>> Xét nghiệm chất lượng trà sữa, trà chanh
>> Cục Quản lý cạnh tranh giám sát TMV việc kiểm tra, sửa chữa xe bị lỗi
>> Trung Quốc điều tra sữa gây dậy thì sớm
Bình luận (0)