>> Đề xuất cuối năm 2014 trình Quốc hội luật Biểu tình
>> Sớm ban hành luật Tiếp công dân, luật Biểu tình
>> Xây dựng luật Biểu tình để đảm bảo quyền tự do, dân chủ
>> Dự luật Biểu tình gây tranh cãi ở Quốc hội
>> Sẽ trình Luật Biểu tình khi đủ điều kiện quy định
Sáng nay 5.6, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại Hội trường về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, nhiệm kỳ QH khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến trái ngược nhau là có nên đưa luật Biểu tình vào chương trình 2014 hay không.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội trường - Ảnh: Ngọc Thắng
Nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Pháp luật trong đó có nói ưu tiên xây dựng các luật để triển khai các quyền ghi nhận trong Hiến pháp sửa đổi cũng như về bộ máy nhà nước, song đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung một số luật, trong đó có luật Biểu tình.
“Ủy ban Pháp luật nói rằng Chính phủ có đề nghị đưa vào chương trình 2014, nhưng thấy rằng nhiều quá sợ không kịp. Cho nên chúng ta tạm gác lại, tôi vẫn tiếp tục đề nghị đưa vào chương trình năm 2014”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Theo phân tích của ông Nghĩa thì hiện nay vấn đề đang băn khoăn là ban hành luật Biểu tình có thể dẫn đến nguy cơ có những hành vi lợi dụng quyền biểu tình để làm mất an ninh trật tự, xã hội, thậm chí vận động chống Đảng, chống Nhà nước, hay ban hành luật này sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân trong một xã hội ngày càng phát triển, một xã hội dân chủ.
Ông Nghĩa khẳng định: Ban hành luật luật Biểu tình sẽ ngăn chặn, đề phòng và chống được việc lạm dụng gây mất trật tự an ninh xã hội và thậm chí là những hành vi xấu chống lại chế độ…, vừa đáp ứng được quyền hiến định của nhân dân. “Không nên nói dài hơn về việc cần hay không cần, vì không phải là Thủ tướng và Chính phủ không nghiên cứu kỹ khi đưa ra cái này, không phải ngẫu nhiên đa số ĐBQH cũng đã biểu quyết đưa vào chương trình xây dựng luật của Khóa XIII”, ông Nghĩa nói thêm.
Ông Nghĩa đồng thời dẫn chứng ngay từ năm 1945, trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài, chính quyền còn trong trứng nước, đặc biệt là dân trí còn rất thấp nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không bãi bỏ quyền biểu tình mà yêu cầu báo trước 21 tiếng. Không có lý do gì mà chúng ta lại không tin tưởng ở chúng ta, mà chúng ta ngại rằng có thể những kẻ lợi dụng và phá hoại điều này.
Để giải quyết mối lo quá tải khi đưa luật này vào chương trình năm 2014, ông Nghĩa kiến nghị Chính phủ huy động các luật sư, luật gia tham gia xây dựng luật để vừa đỡ công sức, tiền bạc cho ngân sách, đồng thời có thể làm kịp, đáp ứng yêu cầu. “Không có nghĩa ban hành ngay năm 2014 mà chúng ta đưa vào, nhưng có thể ban hành năm 2015 - 2016”, ông Nghĩa đề nghị.
Phát biểu trước đó, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, ông Lê Nam cũng cho rằng, chúng ta đã “nợ” dân luật Biểu tình 68 năm rồi, bây giờ đã đủ điều kiện để xây dựng và ban hành luật này để đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn.
Trước khi ra luật Biểu tình, phải hỏi… doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Tiếp tục thể hiện quan điểm cá nhân về dự luật Biểu tình, ĐB Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) biểu thị đồng tình với giải trình của Thường vụ QH khi cho rằng các dự án, trong đó có luật Biểu tình đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII, cho nên theo thứ tự ưu tiên, không có lý do gì để có sự nôn nóng, để đưa ra những yêu cầu nói về luật Biểu tình.
Phát biểu trước QH, ông Phước cũng nhấn mạnh quan điểm “khi xây dựng luật Biểu tình đòi hỏi rất nhiều những công phu”, và dẫn thêm thực tế từ một số nước như Úc, Nga, Mỹ liên quan đến luật này. “Tôi thấy nước Nga năm 2012 khi Tổng thống Vladimir Putin ban hành một luật, mỉa mai là "luật chống biểu tình", tháng 10.2012 đến phiên tổng thống Mỹ Barack Obama ký ban hành luật HR347 mà giới báo chí cũng nói đây là "luật chống biểu tình". Như vậy sự cẩn trọng đã được đặt ra ở những cường quốc có từ năm 1958 đến nay. Sự cẩn trọng như vậy chúng ta cũng có thể rút kinh nghiệm”, ông Phước đúc kết.
ĐB này cũng đồng thời phân tích: Nếu nói về ý nghĩa của chữ "biểu tình" trong từ điển Việt Nam trong môi trường Việt Nam, cho văn hóa Việt Nam thì thời hiện đại của chúng ta còn có nghĩa là người dân đã có những góp ý qua email, qua thư tín và qua buổi tiếp xúc với ĐBQH, với các chức sắc cao cấp từ Trung ương đến địa phương. Và như vậy, tất cả những cái chúng ta lồng trong ý nghĩa của biểu tình chỉ còn thiếu còn một chi tiết đó là tụ tập đông người, căng biểu ngữ, ngoài ra tất cả đều đã được thể hiện một cách văn minh, hiện đại.
“Khi chúng ta nói rằng đây là điều cấp bách phải nghĩ tới, phải đưa vào chương trình luật sớm thay vì đợi năm 2015, 2016, phải chăng chúng ta muốn nói lên một điều những buổi tiếp xúc cử tri, tiếp xúc nhân dân, lắng nghe ý kiến của người dân chúng ta đã không thực hiện một cách hiệu quả, đó là lý do tôi ủng hộ nội dung của Nghị quyết (của Ủy ban Thường vụ QH - PV)”, ông Phước lập luận.
Thậm chí, ông Phước cho rằng, khi chúng ta ra luật Biểu tình, nhất thiết phải sửa một số điều của luật hình sự và khi ra luật Biểu tình, phải đặt câu hỏi là đã hỏi ý kiến các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm y tế chưa? “Chỉ khi nào làm việc với tất cả các cơ quan này và đưa những nội dung này vào nội dung của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm y tế thì chúng ta mới yên tâm để có luật Biểu tình. Hơn nữa, sự gấp gáp đề nghị như vậy, chúng ta đã tước đi quyền của người dân, vì người dân cần thời gian tham khảo, tham chiếu, nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo, trao đổi, tranh luận về nội dung sự cần thiết của luật Biểu tình. Đó là chưa kể luật Biểu tình nếu muốn chúng ta có thể phải thông qua trưng cầu ý dân...”, ông Phước nhấn mạnh.
Bảo Cầm
Bình luận (0)