Mũi kim nhọn đã chọc sau lưng
Những ánh mắt, nụ cười trao nhau, màn chào hỏi ngắn gọn đã “phá băng” rào cản rụt rè giữa các thành viên đại diện cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới đến từ cả 3 miền. Các bạn trẻ đã mạnh dạn công khai, chia sẻ khó khăn gặp phải trong cuộc sống, những nỗi lòng câm nín bấy lâu.
|
Theo Albus Trần, quản trị trang web Táo xanh, nỗi đau lớn nhất đối với LGBT (thuật ngữ dùng để chỉ chung 4 nhóm người: đồng tính nữ - Lesbian, đồng tính nam - Gay, song tính hay lưỡng tính - Bisexual và chuyển giới tính - Transgender) không phải đến từ phía xã hội mà từ chính người thân trong gia đình. Mặc dù đã có những tiến bộ về mặt truyền thông, song vẫn tồn tại kỳ thị trong chính gia đình. “Các bậc phụ huynh thường nghĩ con cái mình là gay, là les do bị bệnh. Nhiều người còn nghĩ tiêu cực, kiếp trước sống có tội nên con cái phải chịu báo ứng. Họ tìm mọi cách áp chế con. Thậm chí bị gia đình thấy chữa trị không hiệu quả đã miệt thị, xa lánh và ruồng bỏ con”, Albus Trần cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị H. (đề nghị giấu tên), một người mẹ có con đồng tính ở TP.HCM, điều Albus Trần nói hoàn toàn là sự thật. “Tôi mong muốn hội phụ nữ hãy đứng về phía những người mẹ như chúng tôi, có những cuộc tuyên truyền để xã hội chấp nhận, đồng cảm và chia sẻ”, bà H. kêu gọi.
Lộ Lộ, cô gái chuyển giới đến từ TP.HCM, kể về những tháng ngày “ác mộng” khi còn ngồi trên ghế nhà trường: “Chúng tôi bị bạo hành trong giờ học, giờ chơi. Có bạn còn bị lột hết quần áo để xem bộ phận sinh dục có giống người bình thường hay không. Giáo dục giới tính trong nhà trường không được dạy nên sự kỳ thị càng nặng nề. Điều đó với chúng tôi thật là kinh khủng. Hậu quả nhiều bạn đã phải bỏ học, có người làm nghề phi pháp, không có học vấn và trở thành gánh nặng của xã hội”.
Dù vậy, có những bạn trẻ đã cố gắng vượt qua những mặc cảm, cố gắng học hành lên cao, nhưng đến khi tìm việc làm lại tiếp tục bị kỳ thị. Chị Phan Ngọc Tuyền, đồng tính nữ đến từ Đồng Nai thổ lộ: “Để tìm cho mình công việc tốt không dễ dàng chút nào vì đa phần lãnh đạo công ty không chấp nhận. Những người đồng tính, chuyển giới hồ sơ xin việc nam, song thể hình là nữ sẽ rất khó có công việc thích hợp. Một số người đã phải làm những việc họ không mong muốn như đóng vai giả gái trong các hội chợ. Còn trong công sở, nhiều người không dám công khai là gay, là les vì sợ bị đuổi việc. Dư luận xã hội như những mũi kim nhọn, chọc sau lưng chúng tôi”.
“Tôi sống đẹp, tôi có quyền”
Tham dự buổi chia sẻ, ngoài mong muốn được giao lưu, đại diện cộng đồng LGBT còn xem đây là cơ hội gửi gắm thông điệp tới xã hội. Albus Trần bày tỏ: “Tôi tham gia hội thảo nhiều, nhưng không phải ở đâu mình cũng nhận được chia sẻ và ai cũng sẵn sàng nghe mình nói và đây là cơ hội để mình bộc lộ tâm tư nguyện vọng của mình, đó là: Tôi đẹp tôi có quyền! Từ đẹp ở đây không phải là vẻ ngoại hình mà là đẹp trong cách sống. Chúng tôi sống đẹp, chúng tôi có quyền xứng đáng được đón nhận. Đó là vẻ đẹp của sự đa dạng của sự tự do”.
Một vấn đề đang tồn tại là hoạt động của cộng đồng LGBT còn riêng lẻ. Có người tạm hài lòng với cuộc sống, có người trốn tránh, có người kỳ thị bản thân… Nguyễn Hải Yến, một người đồng tính bộc bạch: “Khi chính sách pháp luật thay đổi sẽ giảm bớt sự phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT và sẽ tác động đến chính sách giáo dục, y tế, việc làm. Quan trọng hơn cả là tác động đến con người. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến 1,7 triệu người đồng tính, song tính và chuyển giới mà còn tác động đến gia đình họ, là bạn bè, những người thân. Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu một điều tốt đẹp”.
Cuộc chia sẻ nằm trong khuôn khổ dự án “Là LGBT ở châu Á” mà Việt Nam là một trong 6 nước tham gia. Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, cho biết: “Chương trình phát triển LHQ quan tâm đến quyền và hạnh phúc của LGBT ở Việt Nam. Chúng tôi hy vọng thông qua cuộc đối thoại cộng đồng toàn quốc, chúng ta sẽ có một bức tranh rõ ràng về tác động của môi trường xã hội và luật pháp đối với cuộc sống của mỗi cá nhân và cộng đồng LGBT khi thực hiện các quyền con người của họ”.
Thu Hằng
>> Hơn 800 học sinh tham dự kỳ thi Olympic
>> Sự kỳ thị Béo & Gầy
Bình luận (0)