(TNO) Những hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh như không mặc quần áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các điểm đang hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nơi đang làm việc của các cơ quan nhà nước hoặc chửi tục nơi công cộng... đã bị xử phạt từ lâu.
Theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang thì không phải đợi đến chuyện Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình do Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan soạn thảo trình Chính phủ ban hành mới có chuyện xử phạt các hành vi nói trên, mà các trang thông tin trích dẫn sai gây hiểu lầm, hoang mang cho nhiều bạn đọc.
Thực chất, trong thời gian qua, việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính nói trên trong Dự thảo Nghị định đã được thực hiện theo Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội; Nghị định số 52/2012/NĐ-CP ngày 14.6.2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10.12.2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình...
Đối chiếu với các Nghị định 73/2010/NĐ-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, có hiệu lực từ ngày 1.9.2010 thì trong điều 10, quy định các hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh ghi rõ:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hoá, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội;
2. Không có vé mà vào những nơi quy định phải có vé;
3. Có lời nói hoặc cử chỉ thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa ở nơi công cộng.
Trong câu chữ, Dự thảo Nghị định lần này và cả Nghị định 73/2010/CP cũng tách rõ làm hai vế chỉ xử phạt khi: Không mặc quần áo hoặc chỉ mặc quần áo lót nơi hội họp, đông người. Không hề có chuyện xử phạt việc Không mặc quần áo lót như các trang thông tin trích dẫn và hiểu sai.
Điểm khác biệt là Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình lần này có mức phạt tiền cao hơn là 100.000-2000.000 đồng.
|
Điều đó cũng đã được Bộ trưởng Trần Đại Quang giải thích rõ trong tờ trình rằng: quá trình thực hiện các nghị định đã đạt được những kết quả nhất định, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần giáo dục cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực: an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mại dâm có những diễn biến phức tạp mới, một số quy định về hành vi vi phạm, mức xử phạt, hình thức xử phạt bổ sung, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt của một số chức danh quy định trong các nghị định không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước...
Bên cạnh đó, thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, như: Luật thi hành án hình sự, Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Nghị định số 90/2010/NĐ-CP quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Nghị định số 25/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Nghị định số 26/2012/NĐ-CP quy định về trình tự , thủ tục, thẩm quyền, kinh phí phục vụ cho việc thu hồi, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ…theo đó, có nhiều hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Nghị định nói trên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành này.
Ngoài ra, ngày 20.6.2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật này đã có những thay đổi cơ bản như: mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền và thủ tục xử phạt. Do đó, từ ngày 1.7.2013, khi luật có hiệu lực thì nhiều nội dung trong các nghị định quy định về xử phạt nêu trên cũng sẽ hết hiệu lực và cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Mặt khác, Quyết định số 1473/QĐ-TTg ngày 5.10.2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai và Danh mục nghị định quy định chi tiết thi hành luật Xử lý vi phạm hành chính, đã giao Bộ Công an soạn thảo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống mại dâm, ma túy, đánh bạc trái phép; phòng cháy và chữa cháy; bạo lực gia đình phải được quy định chung trong một Nghị định của Chính phủ.
Từ lý do trên việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết.
Bộ Công an cũng thông tin rõ rằng, việc xây dựng Nghị định nói trên được tiến hành bởi Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Nghị định, với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ Công an, chứ không chỉ có mỗi mình Bộ Công an.
T.Trung
>> Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị
>> KBS cấm phát "Gentleman" vì cảnh quay thiếu văn minh
>> Nhà lữ hành giữa các nền văn minh
>> Tập hợp thanh niên địa phương trong xây dựng văn minh đô thị
>> Tri ân chiến sĩ Trường Sa và xây dựng văn minh đô thị
>> Thanh niên hành động vì văn minh đô thị
>> Xây dựng văn minh đô thị
>> Vận động Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị
>> Đến Đà Nẵng, đi chợ... văn minh!
>> Giới trẻ với văn minh xe buýt
>> Văn minh xe buýt
>> Công khai xử phạt hành chính 5 người đánh bạc
>> Đánh bạc 6,9 triệu đồng chỉ xử phạt hành chính
>> Thường vụ Quốc hội tán thành xử phạt hành chính tối đa 2 tỉ đồng
>> Đề xuất nâng trần xử phạt hành chính lên 2 tỉ đồng
Bình luận (0)