“Vẽ” vốn đầu tư dự án không chỉ là lãng phí mà có thể là tham nhũng

07/06/2013 19:35 GMT+7

(TNO) Các đại biểu (ĐB) khẳng định phát hành trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các công trình dân sinh cấp thiết là chính sách đúng. Tuy nhiên, thực hiện và duyệt công trình thì còn nhiều bất cập, gây lãng phí, thậm chí có thể tham nhũng.

(TNO) Trong phiên thảo luận chiều nay 7.6, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khẳng định phát hành trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các công trình dân sinh cấp thiết (y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi...) là chính sách đúng. Tuy nhiên, thực hiện và duyệt công trình thì còn nhiều bất cập, gây lãng phí, thậm chí có thể tham nhũng.

Đầu tư dàn trải, lãng phí

Theo ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) việc phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay là thể hiện rõ nhất, bất cập nhất của cơ chế xin cho, gây lãng phí không nhỏ do công trình dàn trải và thời gian thi công kéo dài.

“Nhưng với cơ chế như hiện nay không dàn trải mới là lạ!”, ĐB Quyền nhận xét.


ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phát biểu ý kiến về việc sử dụng trái phiếu Chính phủ - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo đó, ĐB Quyền phân tích “mấu chốt” gây ra dàn trải là địa phương thì lập dự án, còn Trung ương thì đầu tư vốn và trả nợ. Vì vậy, địa phương coi đây là nguồn “trời cho”, không có dự án thì mất quyền lợi. Vì vậy, nhiều dự án gây lãng phí do không có quy hoạch toàn diện, không phù hợp quy mô và nhu cầu, không đồng bộ giữa trình độ nhân lực và thiết bị.

 
Số tiền “vẽ” thêm nếu làm vào dự án đã là lãng phí, nhưng đằng này, số tiền đó có thể lại “đi đâu đó”, “vào chỗ nào đó” thì đó không chỉ là lãng phí mà là tham nhũng
ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định)
“Việc lập dự án xin đầu tư trái phiếu Chính phủ hiện nay vừa thiếu kỷ cương, vừa có vấn đề về năng lực lập và quản lý dự án kém. Đây là điều chúng ta cần phải chú ý chấn chỉnh vì liên quan đến nợ công”, ĐB Quyền có ý kiến.

ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) nói thêm: “Tôi thấy việc đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án có vấn đề không chấp hành nghị quyết của QH gây lãng phí và không có cơ quan nào chịu trách nhiệm, bị xử lý vì lãng phí”.

Theo đó, ĐB Mạo bức xúc nhiều địa phương dùng trái phiếu Chính phủ với danh nghĩa thực hiện theo mục tiêu của Chính phủ, được QH phê duyệt nhưng thực chất là phục vụ mục đích khác.

“Có địa phương dùng trái phiếu Chính phủ để xây kè (theo mục tiêu được QH phê duyệt cho các công trình dùng trái phiếu Chính phủ là giao thông, thủy lợi nông thôn) nhưng thực tế đường kè đó lại phục vụ cho… khu du lịch”, ĐB Mạo nêu ví dụ.

Mặt khác, “Nhiều dự án được vẽ vốn đầu tư lên cao hơn, dự án 100 triệu là đủ thì vẽ lên tới 120-150 triệu, chưa kể trong quá trình làm dự án lại phát sinh thêm, xin tăng mức đầu tư. Số tiền “vẽ” thêm nếu làm vào dự án đã là lãng phí, nhưng đằng này, số tiền đó có thể lại “đi đâu đó”, “vào chỗ nào đó” thì đó không chỉ là lãng phí mà là tham nhũng”, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nêu ý kiến.

Rà soát “địa chỉ” lãng phí

Trong phiên thảo luận, các ĐB đều tán đồng quan điểm các công trình còn dang dở nếu không tiếp tục hoàn thiện thì sẽ tiếp tục gây lãng phí và có lỗi với nhân dân. Vì vậy, không phát hành trái phiếu cho công trình mới nhưng phải phát hành trái phiếu để hoàn thành các công trình cũ.

Theo ĐB Sơn, một số dự án đang làm lại ngưng nên không hoàn thiện để đưa vào sử dụng được, lại thành ra “trôi sông, trôi biển” thì sự lãng phí lại bày ra trước mắt. Vì vậy, đề nghị vẫn phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để hoàn thành dự án đang làm, tránh lãng phí, phục vụ người dân.


ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) phát biểu ý kiến - Ảnh: Ngọc Thắng

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị nguồn vốn trái phiếu Chính phủ phải nộp QH phân bổ, đưa vào ngân sách, tạo công bằng, minh bạch.

Theo ĐB Tiên: Những công trình hiện nay còn dở dang thì QH sẽ xem xét dự án cụ thể (có tên, thời hạn) và cho mức đầu tư cụ thể để làm cho xong, không phình ra công trình mới. Đồng thời, QH sẽ ghi nhận nguồn trái phiếu phân bổ cho các địa phương mỗi năm, địa phương nào năm này đã nhiều thì năm sau không phân nữa.

Bên cạnh đó, nhiều ĐB nhận định Báo cáo của Ủy ban thường vụ QH về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012, mới nói chung chung là lãng phí chứ không cụ thể công trình, trường hợp sai phạm của cơ quan nào, cá nhân nào.

“Hiện nay chỉ nói chung chung là lãng phí mà chẳng biết chỗ nào lãng phí. Cần chỉ ra cụ thể “địa chỉ” làm sai, gây lãng phí để rút kinh nghiệm làm tốt hơn”, ĐB Mạo góp ý.

Đồng quan điểm, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị QH kiểm tra, rà soát lại các công trình thực hiện không đúng nghị quyết về sử dụng trái phiếu Chính phủ, gây lãng phí để công khai trước QH cho cử tri biết...

Trong phiên họp chiều nay (7.6), còn có sự giải trình của ba bộ trưởng về đầu tư, phân bổ trái phiếu Chính phủ:

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh: “Về việc tăng tổng mức đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành và địa phương giải trình và bộ, ngành, địa phương đều giải trình có lý. Ngay cả giám sát của QH cũng không chỉ rõ được lãng phí ở đâu, không thấy được sai sót ở đâu mà chỉ là cảm nhận “lãng phí” thôi”.

Từ 2011 đến nay không tăng thêm công trình mới mà chỉ tập trung hoàn thành công trình cũ, đến năm 2015 cơ bản các công trình sẽ hoàn thành. 


Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh - Ảnh: Ngọc Thắng

Các công trình cần phải làm mà thiếu vốn thì Bộ Kế hoạch Đầu tư yêu cầu các địa phương phải tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ, huy động vốn để thực hiện, rà soát đầu tư vốn theo mức độ cấp thiết của công trình, cắt các hạng mục không cần thiết.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng: Về tăng mức đầu tư thì tính đến cuối năm 2011, tổng mức đầu tư cho ngành GTVT là 116.678 tỉ đồng (trong năm 2011, Bộ GTVT có tăng mức đầu tư khoảng 1.366 tỉ, từ 2012 đến nay thì không điều chỉnh tăng bất kỳ dự án nào). Tăng mức đầu tư cho các công trình giao thông vận tải là do thay đổi cơ chế, chính sách, giá vật liệu tăng, điều chỉnh quy mô, giải phóng mặt bằng.

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư là cần thiết đối với các dự án và sau khi điều chỉnh các dự án đã phát huy hiệu quả cao. Bộ GTVT cũng làm đúng quy định khi tăng mức đầu tư và luôn có báo cáo và được Chính phủ phê duyệt.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Trái phiếu Chính phủ phê duyệt cho ngành y tế là 46.428 tỉ đồng nhưng thực chất chỉ mới có 23.000 tỉ đồng (tức khoảng 46%) và đã xây dựng được 572 bệnh viện đưa vào vận hành.

Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ quy hoạch hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế của cả nước để giải quyết vấn đề đầu tư dàn trải.

Hiện nay, thời hạn 4 năm cho một công trình lớn là quá ngắn và nhiều ngành, địa phương phải hối hả làm dự án, hồ sơ để giải ngân trái phiếu Chính phủ dẫn đến chất lượng chưa cao. Nếu phân độ 2-4 năm có nên không? Nên chăng là khoán để người ta tự phân bổ thời gian hoàn thành công trình có chất lượng, chứ chạy đua thời gian dễ dẫn đến công trình thiếu chất lượng.

Đề nghị tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ, chúng ta sợ mất đi đâu, thật ra tài sản đường sá, nhà cửa, cơ sở vật chất của chúng ta vẫn còn đó, để lại cho con cháu chúng ta, giúp phát triển kinh tế. Đồng thời, việc tiếp tục triển khai các công trình sẽ giúp giải quyết tồn kho vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm, nợ xấu.

Nguyên Mi

 >> Thảo luận tại Quốc hội: Cần hiến định tất cả quyền lực thuộc về dân
>> Đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo tình hình biển Đông
>> Nhiều đại biểu quốc hội đề nghị giữ nguyên tên nước
>> Đại biểu Quốc hội góp ý Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng
>> Còn nể nang trong phòng chống tham nhũng
>> Đóng kín cửa, dân làm sao giám sát được lãng phí!
>> Xử lý nghiêm với các quyết định gây lãng phí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.