Ngày 6.6, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức sơ kết 1 năm xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trên địa bàn. Thông tin từ hội nghị cho hay CĐML đến nay đã phát huy hiệu quả.
CĐML lợi nhiều thứ
Nông dân Lê Quang Thiện (xã Trường Long Tây, H.Châu Thành A) phấn khởi nói mô hình CĐML đã giúp nông dân nhiều thứ, từ máy móc (làm đất, bơm tưới, thu hoạch, phơi sấy) đến giống, phân bón, thuốc trừ sâu, kỹ thuật canh tác rồi bao tiêu luôn sản phẩm… Theo ông Nguyễn Văn Tâm (xã Vị Thanh, H.Vị Thủy), trước đây nông dân thường có thói quen sạ lúa dầy vừa hao giống, tốn phân, dễ phát sinh sâu bệnh mà năng suất lại không cao. Nay bà con vào CĐML được cán bộ FF (cán bộ phụ trách kỹ thuật) của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) hướng dẫn sạ thưa, sạ hàng dễ làm cỏ, chăm sóc lúa mà năng suất lại cao. Ông Mai Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Vị Thanh cho hay nông dân nhận thức được lợi ích của CĐML. Người dân hiểu rằng diện tích lúa mà tham gia CĐML thì năng suất, lợi nhuận luôn cao hơn những cánh đồng sản xuất bình thường vì vậy rất ủng hộ mô hình.
|
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang Lê Văn Đời, qua 1 năm triển khai CĐML, cơ quan chuyên môn đã thống kê so sánh rất chi tiết. Theo đó, ở vụ lúa đông xuân 2012-2013, CĐML đạt lợi nhuận gần 13 triệu đồng/ha, tăng hơn 5,1 triệu đồng so với cánh đồng sản xuất bình thường. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng CĐML năm qua mang lại hiệu quả rất tốt trong việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nông thôn toàn diện. Cán bộ FF xuống tận ruộng cận kề nông dân để hướng dẫn kỹ thuật. Qua đó, nông dân quen dần với “Sổ tay ghi chép” (ghi tỉ mỉ lịch xịt thuốc, nhổ cỏ, bón phân, thu hoạch…) nên sản xuất lúa một cách khoa học, hiệu quả. Lợi ích này duy chỉ có CĐML mới đem lại được.
Tiếp tục hoàn thiện CĐML
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, cho hay toàn tỉnh hiện có 1.458 hộ dân tham gia sản xuất 1.314 ha lúa trên CĐML tại các xã Trường Long Tây (H.Châu Thành A), Vị Thanh (H.Vị Thủy), Tân Bình (H.Phụng Hiệp), thị trấn Long Mỹ (H.Long Mỹ) và P.Hiệp Thành (TX.Ngã Bảy). Qua 1 năm thực hiện với những lợi ích không thể phủ nhận, CĐML vẫn còn bộc lộ những tồn tại. Cụ thể như mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân nhiều nơi chưa chặt chẽ trong khâu cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm; cơ cấu giống lúa chất lượng cao chưa đồng nhất trong mô hình; khâu tiêu thụ lúa thông qua hợp đồng với DN chưa nhiều và chưa ổn định; chưa có DN đầu tư khép kín từ sản xuất đến thu mua…
|
Phát biểu tại diễn đàn hội nghị, ông Lê Minh Thảnh (phụ trách chương trình Cùng nông dân ra đồng của AGPPS) thông báo AGPPS sẽ tiếp tục tập huấn nông dân thăm đồng thường xuyên hơn, biết cách bón phân đạm một cách cân đối và nhất là hướng dẫn nông dân trồng hoa trên bờ ruộng để bảo vệ thiên địch. “AGPPS đang triển khai chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường tại nhiều nơi trong đó có CĐML của Hậu Giang. Qua chương trình, rác thải nông nghiệp (vỏ chai thuốc, bao bì, nắp nhựa) được gom giữ tập trung. Sau đó, lực lượng của AGPPS sẽ vận chuyển rác về nhà máy tại An Giang tiêu hủy”, ông Thảnh thông tin thêm.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thành Nhơn, chính quyền các cấp thời gian qua đã chỉ đạo nông dân gắn CĐML với cải tạo vườn tạp (trồng dừa dứa, chanh không hạt, dừa xiêm lùn), với giao thông, thủy lợi và nông thôn mới. Tới đây sự gắn kết này phải chặt chẽ, rộng mở hơn nữa. Từ thực tiễn CĐML, tiêu chí nào không phù hợp thì chúng ta kiến nghị để T.Ư điều chỉnh. Hậu Giang cũng có thể xây dựng CĐML theo cách đặc thù của địa phương mình. Tới đây, Hậu Giang không chỉ có CĐML về lúa mà còn phải có CĐML liên quan đến mía, hoa màu, vườn cây ăn trái, hoa kiểng… “Tôi rất buồn về công tác giống trên CĐML thời gian qua. Bộ NN-PTNT luôn kêu gọi nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu nhưng có doanh nghiệp lại thích thu mua lúa gạo phẩm cấp thấp. Vì vậy tới đây công tác chọn giống chất lượng cao cho CĐML phải được chấn chỉnh một cách cụ thể, quyết liệt”, ông Nhơn khẳng định.
Quang Minh Nhật
Bình luận (0)