>> Vững chãi Trường Sa - Kỳ 1: Tuổi 18 giữa sóng nước biển Đông
>> Thiếu tướng hải quân Lê Kế Lâm: Đừng để Trung Quốc lấn tới
Chỉ khác một điều, trong khi chàng thanh niên ở Lặng lẽ Sa Pa đo nhiệt độ, khí hậu trên đỉnh Yên Sơn cao 2.600 m thì ở đây những người bám chuyện hải đăng, khí tượng Trường Sa lại làm những công việc tương tự ở giữa biển trời bao la.
20 năm biền biệt xa vợ
Trong số những nhân viên hải đăng ở Trường Sa, có lẽ anh Vũ Sỹ Lưu - Trạm trưởng hải đăng Trường Sa Lớn - có thâm niên làm việc ở đây lâu nhất.
Cách đây hơn 20 năm, anh Lưu đã có mặt ở Trường Sa, từ khi ngọn hải đăng đầu tiên được xây dựng ở quần đảo này. Và từ đó đến nay, anh Lưu hầu như đã kinh qua các đảo chìm, nổi ở Trường Sa.
“Hơn 20 năm sống và bám trụ ở biển, có lẽ anh Lưu là một trong số rất ít người hiểu từng hàng cây ngọn cỏ, từng dòng nước, cơn sóng ở Trường Sa rộng lớn này”, anh Lê Huy Tân - đồng nghiệp của anh Lưu kể.
|
Hiện vợ và con anh Lưu vẫn ở Hải Phòng. Do chồng đi xa biền biệt nên hơn 20 năm qua, hầu như mọi việc lớn nhỏ ở đất liền đều một tay vợ gánh vác. Hằng năm, sau chuyến công tác dài ngày anh Lưu lại được nghỉ 3 tháng về đất liền.
|
Anh Lưu kể khó khăn lớn nhất và khó vượt qua nhất chính là suốt ngày phải sống đối phó với biển, nhất là những anh em hải đăng ở các đảo chìm.
“Nếu để ý kỹ sẽ thấy tướng của dân làm hải đăng khi đi luôn đổ người về phía trước do suốt ngày phải leo thang. Ngoài ra người làm lâu năm nghề này rất dễ bị trầm cảm. Có thể họ sẽ rất ít nói hoặc sẽ nói to hơn vì suốt ngày phải nghe tiếng sóng biển ầm ĩ”, anh Lưu đúc kết.
Anh Nguyễn Đức Thanh, quê ở Hải Phòng, công nhân đèn hải đăng ở đảo An Bang cho hay: “Vì là đảo chìm nên nhà chỉ có bốn cọc dựng trên biển, suốt ngày phải đối chọi với bão. Chỉ cần gió cấp 5-6 là anh em phải di chuyển liền. Cái khó là dù đi trú ẩn nhưng bão càng to thì anh em hải đăng càng phải trực để báo tín hiệu cho các tàu qua lại được an toàn”.
Kể về gia đình mình, anh Thanh cho hay anh và vợ yêu nhau được mấy tháng, anh phải đi Trường Sa. Sau đó anh tranh thủ về phép cưới vợ. Sinh con hai tháng anh Thanh lại phải tạm biệt vợ con để trở ra Trường Sa.
“Khi tôi về thì con đã biết nói. Gần một tuần bố con mới làm quen được với nhau. Cả hai đứa con, tôi đều không có cảm giác con biết bò, biết chững, biết đi”, anh Thanh kể.
Đỏng đảnh như khí hậu
Hết tháng 5 năm nay, anh Nguyễn Văn Nga, quê ở Nghệ An tròn 14 tháng làm công tác khí tượng, hải văn ở Trường Sa.
Tốt nghiệp Cao đẳng Tài nguyên môi trường TP.HCM năm 2011, Nga xin vào làm ở Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ. Điều chuyển nhiều nơi, cơ duyên đến khi nghe tin đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ thông báo tìm người đi Trường Sa, Nga đăng ký luôn.
Nga kể: Bộ đội và dân hải đăng hằng năm sẽ được vào đất liền một lần trong khi đó, dân khí tượng phải bám trụ suốt ba năm. Và khi vào đất liền, sẽ không phải ra lại, coi như đó là “phần thưởng” hoàn thành nhiệm vụ.
Hằng ngày, công việc của Nga và 6 nhân viên khí tượng ở Trường Sa Lớn là đo nhiệt độ, áp suất gió mưa và đo độ mặn của mực nước biển sau đó báo về cho đài khí tượng thủy văn Nam Trung bộ.
|
Nga bảo do Trường Sa Lớn là đảo cấp 1 nên công tác cập nhật thời tiết phải thường xuyên. Một ngày chia làm 8 “ốp”, cứ cách nhau 3 giờ đồng hồ anh em phải thay nhau ghi lại thông số kỹ thuật, ra biển đo mực nước báo cho đất liền.
“8 ốp là chuẩn ngày thường, chứ còn về mùa mưa thì 1 tiếng phải đo một lần, có khi 30 phút phải đo một lần. Thậm chí những lúc thời tiếp xấu hay bão, cứ 15 phút anh em cập nhật một lần về đất liền. Đến ca trực, khi ngủ anh nào cũng phải có hai cái đồng hồ báo thức nhưng vẫn cứ sợ ngủ quên”, Nga cho hay.
Dân làm khí tượng vẫn ví khí hậu Trường Sa như “một cô gái đẹp nhưng luôn đỏng đảnh và hay dỗi hờn”. Đang nắng chang đó nhưng chỉ chốc lát sau có thể mưa ào ào như trút nước.
Từ tháng 7 trở đi, Trường Sa mưa liên tục, có khi mưa kéo dài cả tháng khiến anh em khí tượng rất vất vả. Có khi sóng biển đập cao cả chục mét như muốn trôi cả cầu cảng ở Trường Sa Lớn khiến anh em rất cực khi phải ra đó đo mực nước biển.
|
Nga nói: “Thời tiết ở Trường Sa có 3 tháng nắng và 9 tháng mưa. Chín tháng mưa, tụi em làm việc vất vả. Hầu như không khi nào hết việc và phải cập nhật tin tức cho đất liền thường xuyên để cảnh báo tàu bè qua lại ở Trường Sa”.
Nga bảo nhà có hai mẹ con, hiện mẹ đang sống một mình ở Ninh Thuận nên đi xa Nga rất nhớ và thương mẹ. Đến bây giờ Nga cứ ân hận một điều không được gặp mẹ lần cuối trước khi lên tàu ra Trường Sa với thời gian 3 năm đằng đẵng.
Trung Hiếu
>> Tặng quà cho chiến sĩ Trường Sa
>> Cận cảnh" cuộc sống người dân trên quần đảo Trường Sa
>> Rau xanh, nước ngọt cho Trường Sa
>> “Hoàng sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”
>> Trung Quốc không hề có Hoàng Sa - Trường Sa
>> Triển lãm tranh từ thiện góp tiền giúp trẻ em Trường Sa
>> Tàu ngư chính Trung Quốc xâm nhập trái phép Trường Sa
Bình luận (0)