Bộ trưởng VH-TT-DL lẽ ra đã có thể cung cấp thêm nhiều thông tin kỹ thuật về số máy bay, tầm bay, điểm đến của ngành hàng không hơn nữa, nếu như Chủ tịch QH không cắt lời: “Đồng chí mô tả đường bay thì nó dài lắm. Đồng chí nói gọn thôi”, trong tiếng cười rì rào lan nhẹ của các ĐBQH trong hội trường.
Du lịch VN vẫn rất đẹp trong mắt bạn bè !
|
Đáp lại câu hỏi của ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) về nguyên nhân chính của việc du lịch VN chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh của ngành, Bộ trưởng dẫn từ thành tích tăng trưởng của ngành đến nguyên nhân của nạn chặt chém. Điều này, khiến Chủ tịch QH phải “rung chuông”: “Đồng chí nói tới du lịch thì có một câu hỏi rất quan trọng của ĐB Thanh Hải, đồng chí nói rõ hơn một chút. Tức là du lịch của chúng ta chưa phát triển đúng với tiềm năng. Ta có khắc phục được tình hình đó không, 2020 có khắc phục được không?”.
Sau một chuỗi giải trình mới của Bộ trưởng: “Tiềm năng du lịch VN thì lớn, để tiềm năng trở thành hiện thực là cả một quá trình, kể cả tích lũy kinh nghiệm, kể cả nâng cao nhận thức”, Chủ tịch lại dừng lời lãnh đạo ngành: “Hôm nay đồng chí nói dứt điểm, câu hỏi mà đồng chí Hải hỏi thì giờ tôi hỏi lại, đến năm 2020 theo chiến lược phát triển 10 năm của ngành du lịch thì du lịch VN có ngang tầm khu vực không?”.
Sau khi bị ngắt lời, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ngập ngừng nói tiếp: “Trong chiến lược du lịch thì 2015 du lịch VN thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào GDP khoảng 60 - 70%”. Chủ tịch tiếp tục: “Ta đang so sánh với các nước, tiềm năng lớn là mình, họ tiềm năng nhỏ hơn mình”. Vẫn không trả lời trực tiếp vào vấn đề, Bộ trưởng nói: “Tiềm năng lớn nhưng thành hiện thực phải phấn đấu, nỗ lực, chung tay góp sức của nhiều người dân, chính quyền các cấp...”. Đến đây, Chủ tịch QH “chốt” nhận định: “Tức là chưa ngang bằng được phải không?”.
“Về dịch vụ ăn theo, chặt chém khách du lịch... tôi nhận trách nhiệm về mình”, Bộ trưởng nói. Bộ trưởng cũng đưa ra giải pháp thành lập cảnh sát du lịch để giải quyết vấn đề này, trước mắt, ông đề nghị cảnh sát trật tự tham gia cùng trong việc bảo vệ du khách. Tình trạng chặt chém này theo Bộ trưởng VH-TT-DL do từng nơi, chứ Đà Nẵng, Hội An không có. Một nghị quyết về tình trạng này sẽ ra đời trong tháng này là cam kết của ông.
Mục tiêu của du lịch, theo ông Tuấn Anh, chỉ ở mức “liệu cơm gắp mắm chứ đề ra chỉ tiêu cho có mà không đạt được cũng không hay”. Cho tới năm 2020, mục tiêu của chúng ta cũng chỉ là 15 triệu lượt du khách, thua xa số hằng năm hiện nay của Thái Lan, Malaysia - những nơi mà số lượng di sản thế giới thấp hơn ta nhiều.
Tuy nhiên, vị Bộ trưởng lại khá lạc quan trong nhận định du lịch VN hiện vẫn rất đẹp trong mắt bạn bè, mặc dù đã có trường hợp phải xin lỗi du khách. Thậm chí cả vị trí Đại sứ du lịch - một điểm “nóng” trong dư luận về du lịch vừa qua, cũng vẫn được ông bảo đảm tiếp tục tồn tại. “Chúng tôi đang đề ra các tiêu chuẩn, các quy trình và tháng 10 này chúng tôi sẽ công bố đại sứ mới”, ông Tuấn Anh trả lời ĐB Trương Thị Ánh (TP.HCM).
Tương tự, câu chuyện tìm biểu tượng lại cũng được Bộ trưởng cho biết đang trên đường thực hiện. Đó là quốc hoa, quốc phục. “Hôm họp thì thấy Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân mặc áo dài rất đẹp và thêu hình hoa sen. Bây giờ Hiến pháp không quy định cấp thẩm quyền phê duyệt. Chúng tôi kiến nghị có phần để các biểu tượng văn hóa phải có cấp thẩm quyền nào phê duyệt”, Bộ trưởng nói. Ông mạnh mẽ hứa chỉ đạo tham mưu xây dựng đề án quốc phục, trong khi chính tại Quyết định 919 do Bộ VH-TT-DL ban hành ngày 6.3 vừa qua, kế hoạch tìm quốc phục đã không còn nữa; thay vào đó, việc tìm quốc phục đã thay đổi thành lễ phục dành cho ngành ngoại giao.
Phát huy di sản, tăng cường xử phạt biểu diễn
|
Di sản là quan tâm của ĐB Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương), khi có tới 4.000 di tích được xếp hạng, 34 di tích quốc gia đặc biệt cần quy hoạch, thì đội ngũ quy hoạch di tích lại vô cùng hạn chế. “Ngày 1.7, theo luật Di sản, chúng tôi sẽ cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức và giấy chứng chỉ hành nghề cho các cá nhân trong quá trình trùng tu tôn tạo di tích”, ông Tuấn Anh nói. Tuy nhiên, vẫn theo phong cách “né” từ đầu buổi, ông không cho biết số tuyệt đối của lượng chứng nhận sẽ trao chỉ nửa tháng tới đây để có thể so sánh với nhu cầu thực tế.
Nhiều việc khác liên quan đến di tích như đổi tiền lẻ, hay thủ tục để tu bổ kéo quá dài, bán thú rừng tại di tích, Bộ trưởng đều cho rằng cần phát huy vai trò địa phương. Riêng về lễ hội, ông cho biết sẽ có đề án quy hoạch lễ hội. Tuy nhiên, những rắc rối ở các cơ sở thờ tự, các lễ hội dân gian và lễ hội tín ngưỡng (chiếm đến 95% số lễ hội) cũng không có giải pháp cụ thể để giải quyết.
Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) về quản lý băng đĩa, các chương trình nghệ thuật có nội dung thiếu lành mạnh, Bộ trưởng cho biết đã tịch thu hàng chục ngàn băng đĩa lậu thời gian qua. Việc rút giấy phép với chương trình xấu cũng đã được thực hiện. Bộ phim Bụi đời Chợ Lớn sau kiểm định chất lượng cũng đã không được phép lưu hành. Duyệt, hậu kiểm, tăng cường xử phạt, hoàn thiện văn bản xử phạt hành chính với mức phạt cao hơn thậm chí đình chỉ biểu diễn là những giải pháp Bộ trưởng đưa ra.
Lo lắng thiếu vắng tác phẩm tốt của ĐB Nguyễn Trung Thu được giải đáp bằng biện pháp đặt hàng sáng tác, tăng nhuận bút, tăng bồi dưỡng. “Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH sửa hai quyết định. Quyết định 60 về tiền nhuận bút quá thấp từ 2003, Quyết định 180 về tiền bồi dưỡng luyện tập”, ông Tuấn Anh nói.
“Hai việc này (bảo vệ di tích và có tác phẩm tốt - NV) nói vòng vòng như thế nhưng cũng rõ ý”, Chủ tịch QH nói.
“Tôi không lạc quan tếu !”
Trước câu hỏi của một số ĐB với chung một chủ đề về Đại hội thể thao châu Á Asiad 18 năm 2019 do VN đăng cai, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã thốt lên: “Tôi tin tưởng vững chắc chúng ta sẽ vượt qua thử thách để đăng cai thành công. Tôi không lạc quan tếu!”. Và ông diễn giải: “Tôi thừa nhận trong bối cảnh kinh tế còn rất khó khăn thì 150 triệu USD (3.000 tỉ đồng) cho Asiad là khoản kinh phí khá lớn. Nhưng không thể coi là lãng phí vì việc đăng cai Asiad có ý nghĩa chính trị, ngoại giao và cả kinh tế. Đây cũng là sự kiện thúc đẩy nhà nước tăng cường đầu tư cho thể thao, khuyến khích phong trào tập luyện thể thao trong quần chúng”.
Ông tự tin: “VN đã từng đăng cai tốt SEA Games 22 năm 2003, đại hội thể thao trong nhà châu Á năm 2009. Do đó, VN có nhiều kinh nghiệm để tổ chức Asiad - đại hội mà nhiều nước trong khu vực cũng đã tổ chức rồi. Sau SEA Games 22, Bộ cũng đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt nên các công trình thể thao vẫn đem lại hiệu quả và sẽ tiếp tục được nâng cấp sửa chữa. Khi sang VN khảo sát, châu Á đã thấy cơ sở vật chất, các công trình thể thao của chúng ta tốt, đáp ứng được 80% cơ sở vật chất để tổ chức Asiad. Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ đề án đào tạo VĐV cho đại hội này và VN sẽ phấn đấu lọt vào top 15/45”. Thậm chí, Bộ trưởng còn lạc quan cho rằng: “VN cần nghĩ đến mục tiêu dài hạn là tổ chức… Olympic (!?)”. Trong hội trường có những tiếng cười khe khẽ và… Bộ trưởng cũng cười.
Bộ trưởng không thể đổ hết trách nhiệm cho địa phương
Chia sẻ với PV Thanh Niên sau phiên chất vấn Bộ trưởng VH-TT-DL chiều qua, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (ảnh), Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật (người chất vấn Bộ trưởng về lãng phí lễ hội) nhận xét: “Tôi không thể hài lòng với câu trả lời. Bây giờ có quá nhiều lễ hội như vậy thì yêu cầu đặt ra là phải tổ chức lại tất cả các lễ hội trong năm để xem lễ hội nào mới cần tổ chức, tổ chức ở cấp nào, chứ không thể tổ chức quá nhiều như hiện nay gây lãng phí. Hầu hết các lễ hội đều phải sử dụng ngân sách, cái lợi để thu về cho ngân sách không biết được bao nhiêu trong khi tiền của, sức người bỏ ra nếu tính chi li thì không thể tưởng tượng được, rất lãng phí. Đó là trách nhiệm quản lý của ngành thể thao và du lịch. Bây giờ Bộ trưởng nói việc ấy chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Người ta chịu trách nhiệm là chịu trách nhiệm việc tổ chức từng lễ hội một, còn trách nhiệm sắp xếp, tổ chức để xác định cái nào nên tổ chức, cái nào không nên tổ chức, cái nào tổ chức ở cấp nào, ở cấp quốc gia hay cấp tỉnh, thì phải là trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL chứ không thể nói là đổ hết cho địa phương được”. Bảo Cầm (ghi) |
Trinh Nguyễn - Lan Phương
>> Phó thủ tướng và 4 thành viên chính phủ sẽ trả lời chất vấn
>> Chốt" danh sách 4 bộ trưởng trả lời chất vấn
>> Đề xuất phó thủ tướng và 4 bộ trưởng trả lời chất vấn
>> Bộ trưởng GD-ĐT và Chánh án TAND tối cao sắp trả lời chất vấn
Bình luận (0)