Mỹ bị tố theo dõi cả Tổng thống Nga

18/06/2013 03:15 GMT+7

Tiết lộ từ Edward Snowden cáo buộc tình báo Mỹ từng theo dõi Tổng thống Nga, còn Anh thì tận dụng Hội nghị G20 để chơi trò nội gián.

Ngày 17.6, Hội nghị thượng đỉnh 8 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G8) khai mạc tại Bắc Ireland do chính phủ Anh làm chủ nhà với hàng loạt vấn đề nóng bỏng nằm trong chương trình nghị sự, chẳng hạn như khủng hoảng tại Syria. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại rằng các nhà lãnh đạo khó mà thẳng thắn bàn luận khi không khí không thoải mái bao trùm sau những tiết lộ động trời mới từ Edward Snowden, người công khai chương trình bí mật theo dõi internet toàn cầu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Tờ The Guardian hôm qua công bố tài liệu mà Snowden lấy được của NSA và Cơ quan Chỉ huy liên lạc chính phủ Anh (GCHQ) cho thấy 2 bên đã phối hợp bí mật theo dõi các phái đoàn nước ngoài đến tham dự 2 kỳ họp G20 tại London vào tháng 4 và tháng 9.2009, và mục tiêu đặc biệt nhất là Tổng thống Nga khi đó Dmitry Medvedev.

 Tổng thống Barack Obama (trái) và ông Dmitry Medvedev, khi đó còn là Tổng thống Nga - d
Tổng thống Barack Obama (trái) và ông Dmitry Medvedev, khi đó còn là Tổng thống Nga
- Ảnh: The White House

Theo dõi tinh vi

Bài báo của The Guardian nêu rõ GCHQ, hoạt động tương tự như NSA, đã xâm nhập điện thoại di động và thư điện tử của các phái đoàn ngoại giao, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. “Anh đã dùng những công nghệ tình báo tiên tiến nhất, tinh vi nhất để theo dõi sát sao liên lạc giữa thành viên các phái đoàn”, tờ báo viết. Ngoài ra, tại các điểm cà phê internet, được lập dành riêng cho người tham dự hội nghị, GCHQ cài đầy bọ nghe lén, mã độc như các ứng dụng theo dõi thao tác bàn phím (keylogger) lên các máy tính. Mọi thông tin lấy được sẽ truyền trực tiếp về trụ sở của GCHQ, phóng lên một màn hình lớn cũng như lên máy tính của 45 chuyên gia phân tích chia ca hoạt động cả ngày lẫn đêm. Các chương trình keylogger còn giúp chính phủ Anh có được “một kênh theo dõi ngay cả khi hội nghị chấm dứt”. The Guardian trích tài liệu mật do Snowden cung cấp cho hay trong báo cáo một tuần sau hội nghị tháng 9, GCHQ viết: “Hoạt động nghe lén điện thoại rất thành công và bảo đảm rằng chính phủ biết được phái đoàn nào làm gì trước, trong và sau hội nghị”. Kết quả thu thập được từ những hành động do thám và tình báo này có vẻ như được dùng làm con bài trên bàn đàm phán về các vấn đề thương mại cũng như những chuyện thời sự nóng bỏng ngay trong hội nghị và cả về sau.

Mục tiêu Medvedev

Về phần NSA, được sự cho phép và phối hợp của GCHQ, cơ quan này đã theo dõi dữ liệu liên lạc từ điện thoại di động và điện thoại vệ tinh của ông Medvedev và các quan chức tháp tùng ở London, ngay trước khi ông lần đầu tiên hội kiến người đồng cấp Mỹ Barack Obama. Theo The Guardian, những thông tin này được xử lý tại Trung tâm tình báo Menwith Hill ở North Yorkshire, Anh. Ở đó, các điệp viên Mỹ lần theo tín hiệu liên lạc của ông Medvedev từ nơi họp đến tận Đại sứ quán Nga và chia sẻ chúng với các đồng nghiệp của Anh, Úc, Canada, New Zealand. 

Dù việc tình báo Mỹ - Nga do thám lẫn nhau là chuyện “xưa như trái đất” nhưng có được cáo buộc và chứng cứ cụ thể lại là chuyện khác. Moscow chưa có phản ứng chính thức nhưng RIA-Novosti dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga Alexei Pushkov nói đây là vụ bê bối lớn.

Tổng thống Obama chưa đưa ra tuyên bố nào, còn khi được hỏi về vấn đề này, Thủ tướng Anh David Cameron trả lời: “Chúng tôi chưa bao giờ bình luận về các vấn đề an ninh hoặc tình báo, và tôi sẽ không phải là người đầu tiên làm vậy”.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc về Snowden

AFP hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh khẳng định những nghi ngờ rằng Edward Snowden làm nội gián cho Bắc Kinh là “hoàn toàn không có cơ sở”. Đây cũng là tuyên bố chính thức của Trung Quốc từ khi cựu nhân viên CIA này chạy đến Hồng Kông. Hiện nay, Mỹ đang ráo riết tìm cách dẫn độ Snowden về nước và có tin FBI đang điều tra theo hướng anh ta được Bắc Kinh tuyển làm gián điệp. Trước đó, cựu Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney tuyên bố: “Chẳng phải tự nhiên mà Snowden lại đào thoát đến lãnh thổ của Trung Quốc”, còn tờ Hoàn Cầu thời báo đăng xã luận viết nếu Snowden bị dẫn độ sẽ “làm tổn hại hình ảnh của Hồng Kông nói riêng và Trung Quốc nói chung”.

Thụy Miên

>> Edward Snowden bí mật công kích tập đoàn tham lam khi ở CIA
>> Anh cấm cửa Edward Snowden
>> Snowden: Hãy để người dân Hồng Kông định đoạt số phận của tôi
>> Cựu nhân viên CIA Edward Snowden “có thể bị ám sát”
>> Edward Snowden bị cáo buộc phản quốc
>> Nga xem xét cho cựu nhân viên CIA Edward Snowden tị nạn chính trị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.