Edward Snowden bị cáo buộc phản quốc

12/06/2013 03:30 GMT+7

Trong khi Mỹ buộc tội phản quốc và ráo riết truy lùng Edward Snowden thì số phận người này vẫn đang là một ẩn số.

>> Chấn động vụ theo dõi qua điện thoại, internet
>> Nhà Trắng phủ nhận chương trình do thám internet khổng lồ

CNN ngày 11.6 đưa tin Edward Snowden, người tiết lộ thông tin gây chấn động về chương trình bí mật theo dõi internet toàn cầu của Mỹ, đang “mất tích” sau khi trả phòng khách sạn tại Hồng Kông. Tuy nhiên, cựu nhân viên CIA 29 tuổi được cho là vẫn còn ở đặc khu kinh tế này.

Biểu tình ủng hộ Edward Snowden tại Mỹ  
Biểu tình ủng hộ Edward Snowden tại Mỹ - Ảnh: AFP

Snowden tự lộ diện qua bài phỏng vấn đăng ngày 10.6 của tờ The Guardian và tuyên bố mình hành động “vì không thể nhìn chính quyền xâm phạm các quyền cơ bản của nhiều người”.

Theo các tiết lộ của Snowden, chương trình PRISM được thành lập năm 2007 cho phép Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ truy cập trực tiếp vào các máy chủ trung tâm của 9 tập đoàn cung cấp dịch vụ internet lớn để theo dõi mọi dữ liệu mạng của người dùng trên toàn cầu. Chưa hết, nhà báo Glenn Greenwald của The Guardian tuyên bố vẫn còn “nhiều thông tin quan trọng” từ các tài liệu của Snowden và “chúng tôi sẽ tung tiếp những tiết lộ chấn động hơn nữa trong vài tuần hoặc vài tháng tới”.

Theo CBS News, thượng nghị sĩ Bill Nelson, từng làm việc 6 năm trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, hôm qua gọi hành động tiết lộ thông tin của Snowden là “phản quốc” và cáo buộc này được nhiều nghị sĩ có uy tín hưởng ứng. AFP dẫn lời đương kim Chủ tịch ủy ban trên Dianne Feinstein cho hay giới hữu trách đang truy lùng gắt gao nhân vật này. Chủ tịch Tiểu ban An ninh nội địa Hạ viện Peter King nhấn mạnh “phải dùng hình phạt nặng nhất đối với Snowden và bắt đầu quá trình dẫn độ càng sớm càng tốt”.

Trung Quốc và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ nhưng giữa Hồng Kông và Washington thì có. Tuy nhiên, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh có thể can thiệp vào quyết định dẫn độ. “Rất có thể đây là lý do Snowden chọn Hồng Kông. Có thể anh ta không tin những nước có quan hệ tốt với Mỹ và hy vọng Trung Quốc có thể ngăn việc dẫn độ”, nghị viên Hồng Kông Albert Ho nhận định với AFP. Một số chuyên gia thì cho rằng Bắc Kinh đang đứng giữa ngã ba đường: trả Snowden cho Mỹ để không làm xấu thêm quan hệ hay giữ anh ta lại nhằm khai thác thông tin và làm con bài ngã giá với Washington.

Ngày 11.6, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Văn phòng Tổng thống Nga bất ngờ tuyên bố nước này sẵn sàng tiếp nhận đơn xin tị nạn của Snowden, theo tờ Kommersant. Một “kẻ thù thông tin” khác của Mỹ là nhà sáng lập website WikiLeaks Julian Assange thì ca ngợi Snowden là “anh hùng” và khuyên anh ta nên cân nhắc chạy tới Nam Mỹ.

Trong khi đó, EU đã bày tỏ quan ngại và yêu cầu Mỹ giải thích về chương trình theo dõi nói trên sau khi giới chức Washington nói PRISM “chỉ nhằm vào những người không phải công dân Mỹ”. Theo Đài Deutsche Welle, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẽ nêu vấn đề trên trong cuộc hội kiến với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Berlin vào tuần tới.

Thụy Miên

>> Google nhận án phạt 22,5 triệu USD vì theo dõi người dùng Safari
>> Facebook bị cáo buộc theo dõi người dùng
>> Hàn Quốc phạt Apple vì theo dõi người dùng
>> Windows Phone cũng theo dõi người dùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.