Từ khu vực hồ Tekapo thuộc một hòn đảo phía nam của New Zealand, Google đã thả 30 khinh khí cầu vào tầng bình lưu để thử nghiệm cách thức đưa internet tiếp cận toàn thế giới.
Đặt tên cho dự án thử nghiệm là Loon, gã khổng lồ Google đưa các quả khinh khí cầu lên độ cao gần 20 km trên không trung và chu du vòng quanh trái đất.
Các khinh khí cầu được bơm đầy khí heli, đường kính 15 m và mang thiết bị phát có thể truyền chùm dữ liệu internet tốc độ 3 G tới 4,8 tỉ người trên thế giới chưa được truy cập internet, phủ sóng một diện tích gấp đôi thành phố New York (Mỹ).
Dự án Loon đã được xây dựng trong phòng thí nghiệm X của Google do cùng một nhóm chuyên gia chế tạo Google Glasses và xe không người lái. Nhóm nhiên cứu hy vọng dự án này sẽ giúp sức cho các quốc gia đang phát triển, nơi mà việc online với cáp quang cần phải chi phí khá cao như tại châu Phi, Đông Nam Á. Ý tưởng của dự án là làm cho việc kết nối toàn cầu trở nên dễ dàng hơn nhờ tận dụng bầu trời - cái chung của cả thế giới. Do đó, dự án hy vọng có thể tiết kiệm chi phí lắp đặt cáp quang cho các nước đang phát triển để có thể kết nối và gia tăng truy cập internet đáng kể tại các nước phát triển ở châu Phi và Đông Nam Á.
50 cư dân đã tình nguyện đăng ký làm đối tượng thử nghiệm cho dự án này. Họ được các kỹ sư đến nhà lắp đặt thiết bị nhận tín hiệu có kích cỡ bằng một quả bóng rổ, màu đỏ, nhìn giống như ký hiệu định vị trên bản đồ của Google. Một trong những phần phức tạp nhất của dự án này là các khinh khí cầu được làm thủ công phải đủ bền, sáng, mạnh mẽ để có thể chịu được nhiệt độ và áp lực của sự đung đưa trong không trung. Các kỹ sư của Google đã nghiên cứu và chế tạo các khinh khí cầu từ các tấm phim mỏng giống túi đựng thực phẩm. Chúng bay tự do và vượt ngoài tầm mắt thường, thu năng lượng từ các tấm bảng năng lượng mặt trời có kích cỡ bằng một cái bàn, được gắn đung đưa bên dưới khinh khí cầu. Các khinh khí cầu sẽ thu đủ năng lượng trong 4 tiếng đồng hồ để sử dụng cho 1 ngày khi bay vòng quanh trái đất theo chiều gió.
Xa bên dưới, các trạm ở mặt đất với khả năng truyền internet trong vòng 100 km phát lại tín hiệu lên các khinh khí cầu. Các tín hiệu sẽ truyền từ khinh khí cầu này sang khinh khí cầu khác dọc theo thứ tự.
Google đã giảm nhẹ những lo ngại về việc giám sát và nhấn mạnh rằng họ sẽ không gắn theo máy chụp hình hoặc bất kỳ thiết bị không liên quan nào khác. Các khinh khí cầu sẽ được hướng dẫn đến các điểm tập trung và sẽ được thay thế định kỳ.
Đối với dự án Loon, địa hình không thành vấn đề. Các khinh khí cầu có thể truyền dữ liệu internet tới các ngọn đồi của Afghanistan và thủ đô Yaounde hay Khyper Pass quanh co của Cameroon - nơi mà Ngân hàng Thế giới ước tính chỉ có trung bình 4/100 người có thể truy cập internet.
Có rất nhiều cách để bắt tín hiệu, trong đó có một yêu cầu mà bất cứ ai sử dụng internet khinh khí cầu của Google cũng cần có là một thiết bị nhận tín hiệu được cắm vào máy tính. Google chưa công khai chi phí của thiết bị nhưng họ cho biết sẽ cố gắng để khinh khí cầu và thiết bị thu dữ liệu có giá rẻ nhất có thể.
Báo Daily Mail dẫn lời ông Cassidy, chỉ huy dự án cho biết trong giai đoạn tiếp theo của cuộc thử nghiệm, hy vọng sẽ phát triển thành công 300 khinh khí cầu hình thành một vòng trên dải khinh khí cầu song song thứ 40 ở phía nam từ New Zealand tới Úc, Chile, Paraguay, Uruguay và Argentina.
Phương Tú - Tạ Xuân Quan
>> Khinh khí cầu cá voi
>> Dùng robot, khinh khí cầu đưa điện ra đảo Cô Tô
>> Kỷ lục khinh khí cầu trên Nam cực
>> Sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội khinh khí cầu VN
>> Họ đã dùng khinh khí cầu giăng dây điện cao thế như thế nào?
Bình luận (0)