Quốc hội quyết nghị giám sát tối cao thực hiện tái cơ cấu kinh tế

20/06/2013 15:21 GMT+7

(TNO) Với 92,57% số đại biểu tán thành, chiều nay 20.6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014.

>> Thực hiện triệt để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
>> Tái cơ cấu chưa thực sự diễn ra
>> Tái cơ cấu Vinashin và Vinalines gặp khó khăn
>> Cần tái cơ cấu niềm tin !
>> Tái cơ cấu ngân hàng quá chậm
>> Đại biểu lo lắng tái cơ cấu kinh tế; bức xúc tham nhũng, lãng phí

Trước khi biểu quyết, Quốc hội (QH) đã nghe Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Nguyễn Hạnh Phúc trình báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014.

Theo đó, đa số ý kiến ĐBQH tán thành với Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014, tập trung vào 3 nhóm nội dung chính là xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, chất vấn và trả lời chất vấn, và giám sát chuyên đề.

Về giám sát chuyên đề, đa số ĐBQH đề nghị QH tiến hành giám sát tại mỗi kỳ họp một chuyên đề; Ủy ban TVQH tiến hành giám sát 2 chuyên đề; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH mỗi cơ quan giám sát 1 - 2 chuyên đề.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, sau khi gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH lựa chọn 2 trong số 3 chuyên đề giám sát tối cao của QH vào năm tới, đến ngày 12.6 vừa qua, Đoàn thư ký kỳ họp nhận được 280 ý kiến tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; 213 ý kiến tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012; 147 ý kiến tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình thủy điện.

 
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc - Ảnh Ngọc Thắng

Một số ý kiến đề xuất nghiên cứu bổ sung các nội dung giám sát, như tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật trong bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; về xử lý nợ xấu và hàng tồn kho, hỗ trợ các doanh nghiệp;

Những vấn đề có liên quan đến việc xây dựng các công trình thủy điện, ứng phó với biến đổi khí hậu; việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; về cải cách thủ tục hành chính... cũng là những nội dung được đề nghị đưa vào giám sát tối cao của QH năm tới.

Ủy ban TVQH khẳng định đó đều là những vấn đề quan trọng, bức xúc trong đời sống kinh tế - xã hội, được nhiều ĐBQH, cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Tuy nhiên, ngoài một số nội dung vừa nêu đã được tiến hành giám sát gần đây, số còn lại do điều kiện có hạn nên không thể đưa quá nhiều nội dung vào chương trình giám sát của QH. Do đó, đề nghị QH giao Ủy ban TVQH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của QH nghiên cứu, tiếp thu và lựa chọn để đưa vào chương trình giám sát theo lĩnh vực phụ trách.

Đối với chuyên đề Việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, ông Phúc cho hay có  ý kiến đề nghị tên chuyên đề phải rõ và gắn với việc thực hiện luật, nghị quyết của QH, vì vậy, Ủy ban TVQH xin tiếp thu và điều chỉnh tên chuyên đề là “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng” theo Nghị quyết số 10/2011 của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

Chốt lại các nội dung chuyên đề chất vấn, Ủy ban TVQH đã đề xuất lựa chọn 2 chuyên đề QH sẽ tiến hành giám sát tối cao trong năm tới. Theo đó, tại kỳ họp thứ 7, QH sẽ giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012” và tại kỳ họp 8 sẽ giám “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng”.

Đề xuất trên của Ủy ban TVQH đã nhận được sự ủng hộ của đa số ĐBQH khi biểu quyết thông qua Nghị quyết chiều nay về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2014.

Bảo Cầm 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.