Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ trao Giải báo chí quốc gia

21/06/2013 22:56 GMT+7

Tối 21.6, Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ VII - năm 2012 và kỷ niệm 88 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự lễ và có bài phát biểu.

Trân trọng giới thiệu toàn toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Thưa các đồng chí,
Thưa quý vị đại biểu,

Hôm nay, tôi rất vui mừng tới dự Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ VII và kỷ niệm 88 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Thay mặt Chính phủ, tôi xin gửi tới các đồng chí, quý vị đại biểu, các nhà báo có mặt tại đây và qua các đồng chí gửi tới toàn thể những người làm báo cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa các đồng chí,
Thưa quý vị đại biểu, 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự ủng hộ của nhân dân, kể từ ngày 21.6.1925, ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất bản báo Thanh Niên - tờ báo khởi đầu cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, cho tới ngày nay, lực lượng báo chí cách mạng nước ta đã không ngừng lớn mạnh đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng và dân tộc ta và đã trở thành lực lượng xung kích tin cậy của Đảng và Nhà nước trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Báo chí đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở trong đời sống xã hội và đã trở thành một diễn đàn quan trọng phản ánh tiếng nói của người dân.

Thưa các đồng chí, các vị đại biểu,

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của mình, báo chí cả nước đã tuyên truyền cổ vũ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là chủ trương của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Có thể khẳng định rằng, báo chí nước ta đã góp phần quan trọng trong việc tạo sự đồng thuận xã hội và những thành tựu chung trên các lĩnh vực trong những năm đầy khó khăn, thách thức vừa qua.

Trong thời đại của hội nhập quốc tế và trong bối cảnh mới về thông tin truyền thông ngày nay, báo chí đã đưa tin nhanh nhạy, phản ánh phong phú đa chiều về các diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế. Thông tin và truyền thông rộng rãi về các chủ trương, chính sách, pháp luật, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành sôi động quyết liệt của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và tăng cường công tác đối ngoại, nhất là các giải pháp về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính tiền tệ, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia…

Phản ánh đa dạng, phong phú nhịp đập của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí không chỉ coi trọng việc phát hiện, giới thiệu và cổ vũ những nhân tố mới, mô hình hay, biểu dương gương người tốt, việc tốt… mà còn tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Báo chí ngày càng khẳng định là một kênh thông tin quan trọng, góp phần thiết thực vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức và vươn lên, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao với đầy đủ các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại như: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện… Và hôm nay chúng ta tự hào về đội ngũ những người làm báo hùng hậu với gần 20 nghìn hội viên trong cả nước. Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao và tạo hiệu quả xã hội tốt, thể hiện bước trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội, kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo.

Báo chí cách mạng của nước ta đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương và chúc mừng những thành tích, những kết quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng của đội ngũ những người làm báo trong cả nước. Tôi nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải Báo chí quốc gia hôm nay.

Thưa các đồng chí, các vị đại biểu,

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nghị quyết Đại hội Đảng cũng đã nêu rõ chức năng thông tin, giáo dục, phản biện xã hội… của báo chí vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Trong buổi lễ trang trọng hôm nay, tôi muốn chúng ta cùng nhớ lại lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công” .

Thực hiện Nghị quyết của Đảng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi muốn nêu một số nội dung, định hướng để các đồng chí suy nghĩ và cùng nhau thực hiện thật tốt nhiệm vụ báo chí cách mạng trong thời gian tới.

Thứ nhất, báo chí nước ta cần phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, ra sức khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết của các Hội nghị Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị và phản ánh kịp thời việc học tập, nghiên cứu, triển khai ở các cấp, các ngành, địa phương nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận về chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Đổi mới công tác tuyên truyền và nâng cao hiệu quả việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tuyên truyền, cổ vũ, động viên mọi người dân và doanh nghiệp trong cả nước thực hiện có kết quả các Nghị quyết của Quốc hội và các chính sách, pháp luật, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước ta.

Tuyên truyền, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt; quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam; tăng cường hữu nghị và hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển với các nước.

Thứ hai, báo chí cần thực hiện tốt hơn nữa, chính xác hơn nữa việc phát hiện và phê phán mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; góp phần tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống. Báo chí của chúng ta phải luôn là một lực lượng nòng cốt, quan trọng trong đấu tranh phản bác các quan điểm, các thông tin sai trái, vu khống, xuyên tạc tình hình của đất nước; cũng như những thông tin gây phân tâm, làm phức tạp tình hình và không có lợi cho đất nước.

Thứ ba, các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, các Bộ, Ban ngành và các cơ quan Trung ương phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm báo “vừa hồng, vừa chuyên”; thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí; xử lý đúng pháp luật các việc làm sai trái trong hoạt động báo chí. Thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (số 919/CT-TTg 19.6.2010) về việc Tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.

Thứ tư, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thời cơ thuận lợi và thách thức khó khăn đều lớn, đan xen nhau, đòi hỏi những người làm báo của chúng ta phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ làm báo mới mà còn phải có phẩm chất tốt đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy cảm và tỉnh táo trong xử lý thông tin và đưa thông tin. Mọi thông tin trên báo chí phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo cách mạng Việt Nam, tất cả vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của người dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ năm, tiếp tục tổ chức thật tốt Giải Báo chí quốc gia. Tuyên truyền sâu rộng hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc; có hình thức tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những nhà báo trong sáng, kiên định, dũng cảm, sáng tạo, có những tác phẩm tốt cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện. Phát huy và nhân rộng ảnh hưởng và giá trị xã hội của Giải Báo chí quốc gia sau 7 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng, khoa học, hiện đại và chuyên nghiệp.

Thưa các đồng chí, các vị đại biểu,

Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải báo chí quốc gia lần thứ VII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thân ái chúc các đồng chí, những người làm báo Việt Nam, luôn xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, cùng nhau chung sức chung lòng vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam XHCN - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chúc các đồng chí, các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt.

Xin cảm ơn!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.