Hằng năm, vào khoảng tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Cư dân nơi đây thường có thói quen hái lá sầu đâu (đọt non lẫn nụ hoa) để ăn và bán. Có dịp ghé chợ Tri Tôn (H.Tri Tôn, An Giang) vào thời điểm nêu trên, có thể mua được từng bó lá, hoa sầu đâu về làm quà cho bạn bè.
Những người mới ăn lá sầu đâu lần đầu không quen sẽ thấy đắng nhưng nếu chịu khó nhai chậm rãi, vị đắng của lá sẽ biến thành vị ngọt, ăn riết rồi “đâm ghiền”! Lá sầu đâu chỉ có cách chế biến duy nhất là làm gỏi và món ăn dân dã được nhiều người thích nhất là trộn với khô sặc rằn, xoài sống và dưa leo. Về sau để món ăn thêm phần phong phú, người ta “biến tấu” bằng cách trộn thêm những nguyên liệu khác như: thịt ba rọi, tôm sú…
Sầu đâu mua ở chợ về rửa sạch, để ra rổ cho ráo. Cho vào nồi trụng với nước sôi (hay nước cơm sôi) cho bớt vị đắng để ra dĩa. Thịt ba rọi luộc xắt mỏng. Tôm sú luộc bỏ vỏ. Khô sặc rằn nướng xé nhỏ. Dưa leo và xoài xanh bằm sợi. Cho tất cả nguyên liệu trên vào trộn đều với nước mắm ớt pha chua, ngọt cho vừa khẩu vị. Nhớ chuẩn bị chén nước mắm me pha có độ sệt và đừng quên rắc một ít rau thơm, đậu phộng đâm giập, vài lát ớt vào dĩa gỏi cho có màu sắc hấp dẫn.
Gắp một miếng gỏi lá sầu đâu chấm vào chén nước mắm me đưa lên miệng nhai chầm chậm. Vị béo của thịt, vị ngọt của tôm, vị chua của me hòa lẫn vị đắng hậu ngọt của lá sầu đâu thấm dần vào vị giác, len xuống tận cổ, làm ta nhớ mãi hương vị đặc trưng của lá và hoa loại cây này.
Bài, ảnh: Hữu Tưởng
Bình luận (0)