“Thòng lọng” của tháp G

24/06/2013 03:25 GMT+7

Vi phạm ở suối cổ Mỹ Sơn, oái oăm thay, lại được phát hiện khi chuyên gia nước ngoài đi thực địa để bàn kế hoạch trùng tu khu tháp G ở đây.

“Ngay trên đường tới thực địa cụm tháp G để bàn việc triển lãm, trùng tu tháp, đoàn chuyên gia cả trong và ngoài nước bắt gặp suối cổ Mỹ Sơn bị kè bê tông”, một chuyên gia cho biết. Với vị này, những bờ kè cứng hóa tại Mỹ Sơn khi đó chẳng khác gì một “thòng lọng” bê tông thít vào chính tháp G - nơi việc trùng tu bài bản đã được chuyên gia nước ngoài hỗ trợ thực hiện trong suốt 10 năm qua. Không chỉ ông, nhiều chuyên gia cũng đã chết đứng khi tận mắt nhìn thấy cả đoạn bê tông “thòng lọng” ở suối cổ.

Ngay từ trước khi khu tháp G lừng danh ở Mỹ Sơn được mở cửa lại ngày 22.6 vừa qua, việc trùng tu ở đây đã rất nổi tiếng về sự nghiêm ngặt, khoa học. Thậm chí, tư liệu về quá trình khảo cổ, nghiên cứu còn được UNESCO ấn bản và phát tặng đại biểu dự chùm hội thảo di sản Việt Nam của tổ chức này hồi tháng 3 năm ngoái.

Chính vì thế, khánh thành trùng tu cụm tháp G, người ta không chỉ thấy những nụ cười hết cỡ của chuyên gia trước những tòa tháp, mà còn trước triển lãm bao hiện vật từ quá khứ hiện về. Đỉnh tháp chóp nhọn, giờ mái có khắc chữ Chăm, những bức tượng linh vật cổ... Chúng được tìm thấy trong suốt những năm dài khai quật, nghiên cứu, phục chế. “Ở Mỹ Sơn, có thể nói, cứ đào là thấy di vật”, một chuyên gia cho biết.

Cũng chính chuyên gia đó còn nói thêm, nơi được coi là “mỏ” di vật tiềm tàng chính là dòng suối cổ. Trong thung lũng thiêng Mỹ Sơn, dòng suối là một trong những nơi thiêng nhất. Ở đó, cư dân cổ đã thực hiện nhiều nghi lễ thiêng. Do đó, những di vật của việc hành lễ được kỳ vọng sẽ tìm thấy khi khai quật dòng suối này. Có điều, khả năng đó hầu như không còn khi máy xúc đã được huy động tại đây cho việc cứng hóa.

Vấn đề là những người quyết định “thắt thòng lòng” bê tông ở Mỹ Sơn, cũng chính là những người được nhà nước giao cho quản lý di sản. Họ cũng không phải không từng biết đến quy trình nghiêm ngặt cần áp dụng với di tích. Mười năm chuyên gia Ý, cũng như Viện Bảo tồn di tích làm việc ở đây họ cũng là người có liên quan, có kết hợp.

Ngày vui cuối chặng đường 10 năm, vì vậy, thấp thoáng nỗi buồn của đoạn suối cổ đã mất - nó sẽ chẳng bao giờ được nghiên cứu, được trưng bày hiện vật như khu tháp G. Nó đặt ra câu hỏi lớn hơn: cụ thể là ai, với sự thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết và tùy tiện đã khiến đoạn suối thiêng giờ không còn?

Trinh Nguyễn

>> Trưng bày nhóm tháp trùng tu 10 năm của Mỹ Sơn
>> Miễn phí tham quan Hội An và Mỹ Sơn
>> Di tích Mỹ Sơn lên máy bay
>> Quảng bá di tích Mỹ Sơn qua đường hàng không
>> Bê tông hóa suối cổ Mỹ Sơn: Lấy ý kiến chuyên gia trước ngày 10.5
>> Gần 5.000 du khách đến Mỹ Sơn dịp lễ
>> Bê tông hóa suối cổ Mỹ Sơn: Rải đất rồi trồng cỏ
>> Bê tông hóa suối cổ Mỹ Sơn: Lấy ý kiến chuyên gia trước ngày 10.5
>> Bê tông hóa suối cổ Mỹ Sơn: Rải đất rồi trồng cỏ
>> Bê tông hóa suối cổ Mỹ Sơn: Trái quy hoạch đã phê duyệt
>> Bê tông hóa suối cổ Mỹ Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.