Học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) tham gia chương trình tiếng Anh Cambridge - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Ông Chương cho biết: “Đề án 2020 của Chính phủ về chương trình ngoại ngữ nói chung, đặc biệt là tiếng Anh, mong muốn nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ trong các trường học. Riêng TP.HCM có đề án phổ cập và nâng cao năng lực tiếng Anh với mục tiêu rõ ràng là muốn 5-10 năm tới lực lượng lao động có thế mạnh về ngoại ngữ. Trong đề án 2020 cũng có một nhánh là việc dạy toán và khoa học bằng tiếng Anh cho học sinh (HS). TP.HCM thực sự đã làm điều này trước chương trình Cambridge. Cách đây 3 năm, Bộ có đề nghị xem xét cho thí điểm chương trình Cambridge tại TP.HCM, anh Minh (Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - PV) đưa về làm thí điểm với mong muốn là HS học tiếng Anh tự nhiên hơn, như một song ngữ dạy từ lớp 1”.
Bộ GD-ĐT cho đối tác đó làm
Trường đang làm thí điểm chương trình Cambridge cũng tự triển khai được nhưng xin phép Bộ vì Bộ cho đối tác đó làm NGUYỄN HOÀI CHƯƠNG Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Theo ông, có những lợi ích gì khi áp dụng chương trình Cambridge?
Ở TP.HCM hiện nay có rất nhiều trường quốc tế dạy chương trình nước ngoài với học phí rất cao. Đứng về mặt quản lý, các chương trình này có rất nhiều bất cập. Ví dụ, HS học trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không biết gì về văn hóa Việt, thậm chí không biết quốc ca, chào cờ. Chúng tôi rất lo chuyện quản lý về mặt tư tưởng, đạo đức. Chương trình Cambridge đáp ứng yêu cầu của một bộ phận phụ huynh muốn con em học tiếng Anh theo chương trình nước ngoài. Tuy nhiên, ý đồ của Sở là không mong muốn mở rộng nhiều, chỉ đáp ứng yêu cầu của một bộ phận người dân có điều kiện. Học phí tuy không cao bằng chương trình quốc tế nhưng cũng thuộc loại cao, một tháng thêm 150 USD thì cũng nhiều.
Đây là chương trình của ĐH Cambridge thực hiện hàng trăm năm, có uy tín trên thế giới nên mình yên tâm về chất lượng.
Sở có khảo sát các chương trình khác trước khi áp dụng chương trình Cambrigde không, thưa ông?
Chúng tôi có khảo sát nhiều và thấy Trường ĐH Cambridge đã nghiên cứu áp dụng việc giảng dạy trong trường phổ thông từ lâu và nghiên cứu kỹ thuật đánh giá rất kỹ. Vì vậy chương trình Cambridge rất phù hợp.
Vậy tại sao Sở GD-ĐT lại chỉ để một mình Công ty EMG thực hiện chương trình, thưa ông?
Tôi cũng nhận một vài email nói chương trình Cambridge đang độc quyền. Hiện nay có chương trình nào nữa mà không độc quyền? Vừa rồi có chương trình iSmart của Ấn Độ với giá rẻ, tôi cũng cho làm liền (giới thiệu hội thảo - PV) mặc dù chưa có ý kiến của Bộ. Nếu nói độc quyền, chương trình nào thích nghi thì làm đi. Xin ý kiến của Bộ, Sở cho làm hết. Chương trình Cambridge là HS chọn lựa, đâu có ép phải học.
Như vậy nếu một đơn vị muốn triển khai chương trình Cambridge hoặc chương trình tiếng Anh khác tại TP.HCM có được không? Một trường THPT muốn áp dụng chương trình Cambridge dạy toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh nhưng không qua EMG mà làm việc thẳng với ĐH Cambridge có được không?
Trường muốn tự làm cũng được. Ví dụ như 10 trường dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh, họ (EMG - PV) giúp giáo trình... khi nào mình thuê, hợp đồng tổ chức lớp, dạy, kiểm tra đánh giá HS mới đóng tiền. Còn trường đang làm thí điểm chương trình Cambridge cũng tự triển khai được nhưng xin phép Bộ vì Bộ cho đối tác đó làm.
Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng Sở GD-ĐT TP.HCM hoàn toàn có thể trực tiếp liên hệ với ĐH Cambridge để thực hiện chương trình sao lại phải dựa vào EMG?
Mình làm gì có giáo viên dạy, Sở GD-ĐT không có đủ khả năng làm. Tất cả phải qua một đối tác. Làm việc với Cambridge thì dễ nhưng để thực hiện chương trình thì mình không làm được.
Giá chỉ là thỏa thuận thôi !?
Mô hình ở Long An: Đấu thầu để chọn đối tác UBND tỉnh Long An vừa phê duyệt đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các trường công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2020” với chi phí 437 tỉ đồng. Mục đích của đề án là để giúp HS nói được tiếng Anh và tiến tới học các môn tự nhiên bằng tiếng Anh. Theo ông Trần Hoàng Nhân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An, để thực hiện đề án này, quan trọng nhất là vấn đề giáo viên. Trong thời gian thí điểm vừa qua, đã có một số giáo viên đạt chuẩn tốt nhất. Sở vẫn sẽ khảo sát trình độ của giáo viên và có lộ trình đưa đi đào tạo, tu nghiệp nước ngoài. Ông Nhân cũng cho biết sẽ có đối tác thực hiện một số công việc của đề án nhưng đối tác này được chọn lựa qua hình thức đấu thầu.
Theo một đơn vị từng làm việc với Cambridge, mức học phí chương trình này chỉ khoảng 50 USD/HS/tháng trong khi EMG thực hiện 150 USD/HS/tháng. Ông có biết thông tin này?
Làm gì có giá nào của CIE Đông Nam Á mà biết để tham khảo. Giá chỉ là thỏa thuận thôi. Không có giá nào có sẵn, chỉ khi mình mua sách, tài liệu… của họ mới có giá thôi. Học phí hiện nay (mà EMG đang áp dụng - PV) là chi phí dạy học ví dụ với lớp có 20 - 30 HS, rồi điện, nước, chi phí trả cho nhân viên… Trong quá trình làm, họ (EMG - PV) mới ngồi tính toán với trường. Đương nhiên công ty nào làm cũng có lợi. Không có công ty nào làm không.
Hiện nay có một số phản ánh trái chiều về chất lượng của chương trình Cambridge. Đến nay Sở đã có đánh giá về điều này chưa, thưa ông ?
Chúng tôi mới chỉ căn cứ đánh giá báo cáo của từng trường có áp dụng chương trình để sắp tới sơ kết đánh giá. Sau chu kỳ 5 năm mới có thể đánh giá cụ thể được. Tất nhiên một chương trình có thể tốt với người này và không tốt với người kia. Đây là sự chọn lựa, nếu phụ huynh thấy không phù hợp với con em mình thì không chọn. Ngay cả chương trình học tiếng Việt, cũng có em đạt, có em không đạt đấy thôi.
Sở có biết được chất lượng giáo viên mà EMG tuyển chọn hay không, thưa ông?
Giáo viên của chương trình phải tuyển chọn từ người bản ngữ, đúng tiêu chuẩn, có trình độ quy định. Mình cũng có kiểm soát nhưng nói thật là chỉ có mức độ thôi, cũng chỉ yêu cầu người ta báo cáo đội ngũ giáo viên bằng cấp thế nào. Gần như họ (EMG - PV) phải tự chịu trách nhiệm.
Sở không ký bất kỳ một hợp đồng nào
Dư luận cho rằng có lợi ích chung giữa Sở GD-ĐT, lãnh đạo phòng giáo dục quận, huyện, các trường có triển khai chương trình Cambridge với EMG. Các cấp lãnh đạo Sở, phòng, trường được chiết khấu từ tiền học phí, mời đi nước ngoài…
Các anh cứ hay nghĩ xấu cho người khác. Cần phải hiểu một nguyên tắc là Sở không ký bất kỳ một hợp đồng nào với EMG mà các trường sẽ ký trực tiếp. Theo tôi biết là mức thỏa thuận chiết khấu mà các trường ký với EMG là 15%.
Còn chuyện đi nước ngoài thì tôi có thể khẳng định là có một lần. Vào năm ngoái có một đoàn đi Tây Ban Nha, nước sử dụng chương trình Cambridge rất nhiều và phổ biến. Họ muốn mình đến để học tập, xem chương trình triển khai như thế nào. Đoàn đi lần đó có hiệu trưởng các trường đang triển khai chương trình, 2-3 trưởng phòng giáo dục, lãnh đạo phòng, ban của Sở và tôi. Nhưng chúng tôi phải xin ý kiến của Ủy ban Nhân dân TP.HCM.
Đăng Nguyên (Thực hiện)
>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ?
>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi? - Kỳ 2: Không nói được bao nhiêu chi phí là vừa phải!
Bình luận (0)