Hé lộ bí ẩn tàu cổ bị đắm ở Quảng Ngãi

26/06/2013 14:45 GMT+7

(TNO) Theo các nhà khảo cổ học, những đặc trưng hiếm có của vỏ tàu cổ đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) là cơ hội đối với giới nghiên cứu lịch sử tàu thuyền, lịch sử thương mại ở VN và thế giới.

(TNO) Theo các nhà khảo cổ học, những đặc trưng hiếm có của vỏ tàu cổ đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) là cơ hội đối với giới nghiên cứu lịch sử tàu thuyền, lịch sử thương mại ở VN và thế giới.

>> Chậm trục vớt, cổ vật “bốc hơi”
>> Bình Châu “nóng” lên vì cổ vật
>> Hoàn tất trục vớt cổ vật trong tàu cổ đắm
>> Tàu cổ ở Bình Châu khả năng có từ thời Tống - Nguyên

Ông Đoàn Sung, đại diện Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (doanh nghiệp thực hiện khai quật), cho biết sau khi hoàn tất việc khai quật, trục vớt cổ vật nằm bên trong con tàu cổ đắm ở Bình Châu, từ 30.6-15.7, Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương phối hợp cùng các nhà khảo cổ học tiếp tục mở rộng vùng khai quật thêm 300 m2 bằng phương pháp dùng thợ lặn để tìm kiếm, trục vớt cổ vật bị rơi vãi ra bên ngoài xung quanh khu vực tàu đắm.

Theo nguồn tin của Thanh Niên Online, các thông tin liên quan đến việc khai quật, trục vớt cổ vật trên tàu đắm ở Bình Châu sẽ được UBND tỉnh Quảng Ngãi công bố vào chiều 30.6.

 Hé lộ bí ẩn tàu cổ đắm 1
 Xác tàu cổ đắm và hệ thống bánh lái tàu còn khá nguyên vẹn

Hé lộ bí ẩn tàu cổ đắm 2

Hé lộ bí ẩn tàu cổ đắm 3
Số cổ vật khai thác được trên tàu cổ đắm ở Bình Châu

Hé lộ bí ẩn tàu cổ đắm 4
Công tác khai quật cổ vật nằm bên trong tàu cổ đắm đã hoàn tất

Theo phương án trục vớt đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt, sau khi thu gom toàn bộ cổ vật trên tàu sẽ tiến hành trục vớt vỏ tàu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế, các nhà khảo cổ học cho rằng việc đưa vỏ tàu về Bảo tàng Quảng Ngãi bảo quản, trưng bày trong thời điểm hiện nay là chưa phù hợp, nên bảo quản thân tàu tại chỗ nhằm phát huy du lịch văn hóa biển đặc biệt hiếm có.

Nguyên do, việc bảo quản vỏ tàu cổ trên cạn - nhất là con tàu có hiện trạng tốt như tàu cổ đắm tại Bình Châu - đòi hỏi phải có nguồn tài chính rất lớn cùng với kinh nghiệm xử lý tiên tiến của các chuyên gia.

Theo TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á (Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam), tàu cổ đắm ở Bình Châu có chiều dài 21 m, phần đáy chỗ rộng nhất 5,6 m. Đây là loại thuyền buồm của nhà buôn có 12 khoang, 3 tầng.

Mặc dù bị cháy, đắm chìm dưới biển và chịu tác động dữ dội của thời tiết suốt gần 700 năm qua nhưng hiện chiều cao vỏ tàu vẫn còn khoảng 1/3.

Về mặt cấu trúc, tàu có nhiều đặc điểm nổi bật, không giống với 12 con tàu cổ bị đắm ở châu Á được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu.

Đó là: Hệ thống bánh lái còn tương đối nguyên vẹn, chưa có tàu cổ nào cùng niên đại thế kỷ 14 đã khai quật được ở châu Á có được; kỹ thuật làm vách ngăn thuyền cổ cũng rất đặc biệt, cả một phiến gỗ lớn, đường kính khoảng 1 m, tất cả hệ thống ván ốp thuyền bằng gỗ thông dày từ 6-8 cm.

“Những dữ liệu trên chứng tỏ nơi đóng tàu cổ đắm tại Bình Châu rất giàu về gỗ quý và kinh nghiệm làm thuyền buồm đi biển giai đoạn này đã tương đối phát triển”, TS Việt nhận định.

Bài; ảnh: Hiển Cừ

>> Giải mã con tàu cổ
>> Bắt tàu trục vớt cổ vật trái phép
>> Hoàn tất trục vớt cổ vật trong tàu cổ đắm
>> Chính thức khai quật tàu cổ đắm
>> Thi công đê chắn sóng tại khu vực tàu cổ đắm
>> Thu giữ 300 tiêu bản hiện vật từ con tàu cổ bị chìm
>> Trung Quốc điều tàu cỡ lớn tuần tra biển Đông
>> Trục vớt xác tàu có 3 đầu lâu bên trong
>> Cấm tàu thuyền neo đậu tại khu vực tàu cổ đắm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.