“Danh thiếp” văn hóa bị lãng quên

27/06/2013 03:25 GMT+7

Những tác phẩm có thể bán vé đàng hoàng tại nước ngoài - một cách làm ngoại giao văn hóa hiệu quả - dường như bị nhà quản lý lãng quên trong những chiến dịch giới thiệu hình ảnh đất nước.

Nhìn từ cửa sổ phòng họp báo ở tầng 19 tòa nhà Pacific (Hà Nội) dường như mây đang ở rất gần. Nhưng các nghệ sĩ khiếm thính của đoàn múa Nơi đến hôm đó chắc còn lâng lâng ở cao hơn cả chín tầng mây. “Vở Ký ức thở dài của chúng tôi được nhà hát châu u mời sang biểu diễn, có bán vé chứ không phải là chương trình hữu nghị”, bà Lưu Lan, quản lý của đoàn múa Nơi đến cho biết. Sau đó, nhà phê bình nghệ thuật Đức Heike Marx đánh giá đây là vở diễn “liên kết xúc cảm dào dạt với thẩm mỹ khắt khe thành một trải nghiệm vũ đạo cực kỳ quyến rũ”.

Vở Ký ức thở dài của đoàn múa Nơi đến đã được mời sang diễn có bán vé tại Đức - d
Vở Ký ức thở dài của đoàn múa Nơi đến đã được mời sang diễn có bán vé tại Đức
- Ảnh: đoàn múa cung cấp
 

Nếu như việc ngoại giao sân khấu từng được làm trước đó với những lần đánh tiếng của Hồn Trương Ba, da hàng thịt tại Mỹ thì giờ đây nó gần như bị bỏ bẵng. Trong khi ngoài Ký ức thở dài, chúng ta còn có vở xiếc Làng tôi cũng kín lịch diễn châu u trong vài năm. Chưa kể, tới đây, Người lạ của Sân khấu Nháp do Phan Ý Ly thực hiện cũng được mời dự liên hoan sân khấu thế giới. Sân khấu dù chông chênh, nghệ sĩ dù phải vật lộn, người xem lúc mua vé lúc không nhưng vẫn có những tác phẩm có thể làm “danh thiếp” văn hóa.

“Tiếp thị văn hóa” cho tới giờ vẫn được nhiều quốc gia xem như một cách ngoại giao hiệu quả. Trong muôn vàn con đường tiếp thị, sân khấu - với cảm xúc trực quan mạnh, hơi thở nghệ thuật thời đại và triết lý kín đáo luôn được ưu tiên chọn lựa. Không phải ngẫu nhiên, Năm ngoại giao Pháp - Việt năm nay, hàng loạt vở diễn sân khấu được mang sang Việt Nam. Đặc biệt, trong những món quà ấy - có cả vở ballet từng gây tranh cãi hàng trăm năm - Nghi lễ mùa xuân - tác phẩm nếu đã là biên đạo ắt sẽ ao ước có ngày được dựng.

Gửi gắm “công hàm ngoại giao” qua vở ballet Nghi lễ mùa xuân, hay vở xiếc Ở đây, bây giờ và nơi ấy - người Pháp đã vô tình khiến công chúng phải so sánh cách thức ngoại giao văn hóa của chính chúng ta. Không thể không so sánh, bởi Ở đây, bây giờ và nơi ấy đã sử dụng một đường dây kể chuyện rất gần với Làng tôi - xiếc âm hưởng Việt. Xiếc không bị đứt ra thành từng tiết mục. Những tiết mục nhỏ xưa kia giờ kết lại với nhau trong một âm hưởng văn hóa chung mà nghệ sĩ lựa chọn. Trang phục, âm nhạc ăn khớp nhau hoàn toàn trên nền tảng âm hưởng đó. Xem cả hai vở xiếc để thấy, Làng tôi xứng đáng là một lời chào văn hóa ra thế giới ra sao. Cũng để thấy tiếc, sao Làng tôi chưa được ngành văn hóa lẫn ngoại giao trọng thị trong những lần đem chuông đi đánh nước người. Nghệ sĩ Nhất Lý, cha đẻ của Làng tôi - từng tâm sự ông đã buồn vì chất lượng nhiều chương trình nghệ thuật trong nước mang sang Pháp ra sao. Với những Việt kiều như ông Lý, một vở diễn không chỉ là vở diễn, nó còn là hình ảnh nghệ thuật quê nhà. Hẳn họ đều mong chờ thứ nghệ thuật tinh tế và có thứ hạng chứ không chỉ là những tiết mục đóng hộp đã rất cũ kỹ. 

Trinh Nguyễn

>> Nghệ sĩ khiếm thị Nobuyuki Tsujii biểu diễn tại Việt Nam
>> Nghệ sĩ origami Việt Nam được khen ngợi trên báo Mỹ
>> Lệch cán cân “nghệ sĩ phòng vé”
>> 7 nghệ sĩ Việt vào nhóm Ngôi sao ăn chay hấp dẫn nhất thế giới
>> Thẻ hành nghề cho nghệ sĩ: Quá nhiều bất cập
>> Nữ nghệ sĩ dương cầm Mona Asuka Ott trình diễn tại VN
>> Video: Nghệ sĩ khuyết tật một tay chơi hai nhạc cụ cùng lúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.