Rắc rối cách tính tiền phụ trội cho giảng viên

28/06/2013 20:15 GMT+7

(TNO) Thời gian qua, nhiều giảng viên Trường CĐ kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM) đã tỏ thái độ bức xúc với cách tính tiền phụ trội (số giờ dạy vượt) mà lãnh đạo trường đưa ra. Sự thiếu thống nhất giữa hai bên kéo dài đã gây ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của trường.

(TNO) Thời gian qua, nhiều giảng viên Trường CĐ kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM) đã tỏ thái độ bức xúc với cách tính tiền phụ trội (số giờ dạy vượt) mà lãnh đạo trường đưa ra. Sự thiếu thống nhất giữa hai bên kéo dài đã gây ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của trường.

Hai hiệu trưởng, hai cách tính

Bức xúc này xuất phát từ việc trước đây giảng viên được hưởng tiền phụ trội cao nhưng đến bây giờ theo cách tính mới bị giảm đến phân nửa.

Theo đó, hiệu trưởng cũ của trường là ông Đỗ Kỳ Công đã đồng ý với giảng viên là một giờ dạy phụ trội sẽ được tính theo công thức: tổng tiền lương 12 tháng trong năm tài chính chia cho số giờ tiêu chuẩn trong năm, sau đó nhân với tỷ lệ thời gian làm việc của giảng viên trên tổng thời gian của năm. Trong đó, số giờ tiêu chuẩn trong năm được tính là 280 giờ.

Nếu theo cách tính này thì số tiền phụ trội của giảng viên rất cao, có giảng viên được hưởng tới 400.000 đồng một giờ dạy vượt và tổng số tiền được lĩnh cả năm lên tới hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, năm học 2010-2011 thì ông Công lại tính số giờ tiêu chuẩn trong năm là 392 giờ.


Giảng viên hướng dẫn sinh viên trong giờ thực hành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đến cuối năm 2012, ông Đỗ Kỳ Công nghỉ hưu và chưa kịp chi trả tiền phụ trội theo cách tính này.

Tiếp đó, ông Văn Công Sang được bổ nhiệm làm hiệu trưởng mới ngay thời điểm giáp tết nên đã ký một văn bản tạm ứng 40% tiền phụ trội để giải quyết cho giảng viên có thu nhập, theo cách mà ông Công đã tính.

Song sau đó, ông Sang phát hiện ra cách tính này không đúng với Thông tư 50 của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính nên đã tính lại theo số giờ tiêu chuẩn trong năm là 548 giờ. Với cách tính này, thu nhập phụ trội của nhiều giảng viên giảm đi một nửa nên nội bộ đã nảy sinh mâu thuẫn.

Phân biệt giữa giờ tiêu chuẩn và giờ chuẩn

Giải thích với chúng tôi, ông Sang cho biết: “Hiệu trưởng cũ và giảng viên đã hiểu nhầm số giờ tiêu chuẩn trong năm với giờ chuẩn. Theo điều 9 tại Quyết định 64 của Bộ GD-ĐT, một năm học giảng viên phải thực hiện đủ 1.760 giờ, ở 3 nhiệm vụ. Đó là hoạt động giảng dạy (900 giờ quy thành 280 giờ chuẩn), hoạt động nghiên cứu khoa học (500 giờ quy ra 156 giờ chuẩn), hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác (360 giờ quy ra 112 giờ chuẩn). Như vậy, số giờ tiêu chuẩn ở đây phải được tính bằng tổng số giờ chuẩn của cả 3 nhiệm vụ trên, tức là 548 giờ, chứ không phải là 280 giờ. Giảng viên phải thực hiện đủ 548 giờ chuẩn của cả 3 hoạt động thì mới được tính giờ phụ trội”.

Ông Sang lý giải thêm, sở dĩ ông đã chi trả 40% theo cách tính của hiệu trưởng cũ là vì thời điểm đó ông mới về nhận nhiệm vụ (tháng 12.2012). Do là cuối năm nên ông muốn giải quyết sớm cho giảng viên và hứa trả 60% số tiền còn lại vào trước Tết Nguyên đán 2013.

“Tuy nhiên khi có thời gian xem xét lại, tôi nhận thấy cách tính đó sai và muốn tính đúng với Thông tư 50, thì giảng viên không chịu. Suốt thời gian qua cả hai bên không thống nhất được, chính tôi cũng bức xúc chứ không chỉ giảng viên”, ông Sang nói.

Thông tư mới quy định cụ thể hơn

Được biết, ông Sang cũng đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT TP.HCM, đề nghị được giải quyết theo hướng tính số giờ tiêu chuẩn trong năm là 392 giờ như năm học 2011-2012 mà hiệu trưởng cũ đã làm để sớm ổn định tình hình, tránh ảnh hưởng đến việc học của sinh viên.

Ngày 10.6, Sở đã có văn bản trả lời yêu cầu ông Sang thực hiện đúng thông tư 50, đồng thời căn cứ vào văn bản đã ký về chế độ công tác giảng viên đã được thông qua trong Hội nghị đại biểu cán bộ công chức năm học 2011-2012.

Đến nay, thời gian mâu thuẫn kéo dài khiến cho hoạt động giảng dạy tại trường ít nhiều bị ảnh hưởng. Một số giảng viên cho rằng mình không được hưởng đúng công sức mình bỏ ra nên có tâm lý chán nản, bức xúc.

Ông Lâm Văn Quản, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH, Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: “Thông tư 50 đã quy định rất rõ, nhưng do nhiều người hiểu nhầm nên mỗi trường có cách tính tiền phụ trội một kiểu. Đúng ra, số giờ tiêu chuẩn trong năm phải là tổng của số giờ chuẩn của cả 3 hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hoạt động khác, chứ không phải là 280 giờ chuẩn của chỉ riêng hoạt động giảng dạy. Chính vì thế, thông tư 07 ban hành ngày 8.3 mới đây đã “sửa sai”, quy định cụ thể hơn để tránh gây hiểu nhầm, rắc rối cho các trường”.

Ông Quản nhận định, cách tính cũ của ông Đỗ Kỳ Công là không đủ khối lượng giờ chuẩn, và cách tính mới của ông Văn Công Sang là hợp lý. 

Được biết, đến thời điểm này, ông Sang đã ký quyết định chuyển số tiền phụ trội vào tài khoản của giảng viên trên cơ sở tính đúng như thông tư 50 đã hướng dẫn. Tổng số tiền trả cho số giờ dạy vượt của năm học 2011-2012 lên tới 6,393 tỉ đồng. Số tiền này ông Sang phải lấy từ ngân sách của năm 2013 vì ngân sách cho năm học 2011-2012 không còn để chi trả.

Mỹ Quyên

>> Giáo viên mầm non được trả tiền phụ trội 200 giờ/năm
>> Giáo viên thỉnh giảng không được dạy vượt quá định mức
>> Giúp sinh viên nghiên cứu khoa học hiệu quả
>> Quá ít giảng viên nghiên cứu khoa học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.