Tại phòng khám tư vấn dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia, chúng tôi gặp người mẹ (ở Bắc Giang) đến nhờ tư vấn cho trường hợp của con trai 16 tháng tuổi. Con trai của chị chỉ nặng 7,2 kg; chiều cao 70 cm. Theo bác sĩ, trường hợp của bé suy dinh dưỡng nặng. Cân nặng thiếu 3 kg và chiều cao thiếu 10 cm so với chuẩn lứa tuổi.
Người mẹ kể: con trai chào đời nặng 3,2 kg, có bú sữa mẹ lúc nhỏ. Bé ăn dặm (bột) từ 4 tháng tuổi, hiện đang ăn cháo. Bé ăn ngoan, một ngày 3 bữa cháo, mỗi bữa một bát. “Bé ăn tốt mà vẫn còi, nhiều tháng nay không tăng cân, không thấy lớn”, người mẹ lo lắng. Ngoài bú mẹ, bữa nào người nhà cũng ninh xương lấy nước nấu bột, nấu cháo cho bé. “Bột, cháo nấu với nước xương nhưng không cho bé ăn thêm gì vì thấy nước xương ninh đã thơm ngon rồi”.
|
Có trường hợp gia đình cho con đến khám vì thường xuyên bé đi phân sống. Mẹ của bé gái 8 tháng tuổi kể: “6 tháng bé mới ăn bột và có uống thêm sữa. Tôi cho bé ăn tủy xương hằng ngày bằng cách đánh nhuyễn tủy xương với bột nhưng gần đây thấy bé đi ngoài phân sống, không lên cân”.
Theo TS-BS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ chỉ được ăn cháo với nước xương ninh như trường hợp của cháu trai 16 tháng như vậy không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng. Trẻ nên ăn dặm từ sau 6 tháng tuổi, khi ăn dặm, trẻ cần tiếp tục được duy trì sữa mẹ. Với bột, cháo nấu cho trẻ ăn, cần cho thêm trứng hoặc thịt bò, thịt gà, gan, rau xanh băm nhỏ. Khi trẻ lớn, có thể ăn cơm, vẫn tiếp tục duy trì các thức ăn đa dạng: thịt, cá, cua, hải sản, trứng, gan, rau xanh, trái cây.
TS-BS Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết thêm: phần lớn trẻ suy dinh dưỡng do người lớn chế biến thức ăn không phù hợp khi trẻ bắt đầu vào tuổi ăn dặm. Nhiều người chăm trẻ chỉ ninh xương lấy nước khuấy bột, nấu cháo cho trẻ và cho rằng như vậy là bổ xương, giúp trẻ cao lớn nhờ nước xương có nhiều canxi, tủy xương có đủ chất bổ. Tuy nhiên, trong tủy xương có nhiều chất béo nhưng đó là chất béo động vật (béo no) rất khó tiêu hóa. Nếu trẻ ăn nhiều sẽ gây tiêu chảy hoặc phân sống vì không hấp thụ được. Canxi trong nước hầm xương là canxi vô cơ, cơ thể trẻ cũng không thể hấp thụ được. Đây chính là nguyên nhân khiến trẻ ăn cháo, bột từ nước hầm xương thường xuyên bị còi xương, chậm mọc răng. Nhiều bà mẹ lại không cho con ăn rau vì khi ăn rau, thấy bé đi ngoài có phân màu xanh nên lo sợ. Trong khi rau xanh cung cấp vitamin, chất xơ chống táo bón rất cần cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Trẻ từ tuổi ăn dặm phải dần làm quen với các thức ăn khác nhau bác sĩ nhãn khoa, đủ các nhóm bột, rau xanh, đạm, béo. Không nên chỉ cho trẻ ăn nước không ăn “cái” (thịt, tôm, cá bỏ xương, rau băm nhỏ). Trẻ cần được tập ăn trái cây, sữa chua. Nên tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn hợp lý cho trẻ, đặc biệt lưu ý khi trẻ không tăng cân, chậm mọc răng, tóc khô, rụng.
Liên Châu
>> Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng
>> Chăm sóc trẻ ở tuổi biết đi
>> Chăm sóc trẻ tiêu chảy
>> Tư vấn miễn phí về chăm sóc trẻ sơ sinh
>> Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng
Bình luận (0)