Ông Đức bên phần đất của gia đình mà địa phương cưỡng chế trái luật - Ảnh: T.T.P |
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Sóc Trăng, năm 1954, gia đình bà Khương Thị Xém (mẹ ông Đức) thuê của địa chủ Đốc Ny 4.000 m2 đất sản xuất và sử dụng ổn định nhiều năm liền. Sau năm 1975, bà Xém bắt đầu làm nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước với đầy đủ giấy báo, biên lai nộp thuế. Thế nhưng, đột nhiên đến năm 1993 thì con dâu của địa chủ Đốc Ny là bà Trần Kim Ty kiện đòi lại khu đất trên. Năm 1995, Chủ tịch UBND TX.Sóc Trăng (nay là TP.Sóc Trăng) ra quyết định buộc bà Xém trả lại 4.000 m2 đất cho bà Ty. Do gia đình bà Xém phản đối không đồng ý trả đất nên từ năm 1995 - 1997, UBND TX.Sóc Trăng đã 3 lần tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ nhà của gia đình bà Xém. Trong đó, có lần đoàn cưỡng chế buộc bà Xém phải bốc mộ chồng. Con dâu bà là Huỳnh Thị Huỳnh ra ngăn cản đoàn cưỡng chế và bị xử phạt 4 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Tương tự, hộ ông Ương cũng từng thuê 1.000 m2 đất của địa chủ Đốc Ny, bị bà Ty kiện đòi lại đất và bị UBND TX.Sóc Trăng cưỡng chế trái luật. Gần 20 năm, cuối cùng sự việc đã được Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo Bộ TN-MT, Thanh tra Chính phủ vào cuộc điều tra, kết luận TX.Sóc Trăng đã ra quyết định cưỡng chế là trái luật. Sau nhiều lần thương lượng, nay UBND TP.Sóc Trăng đồng ý bồi thường cho 2 hộ dân với số tiền trên. Sau khi nhận tiền, ông Đức còn yêu cầu UBND TP.Sóc Trăng phải họp dân xin lỗi bà Huỳnh bị oan sai.
Chiều 28.6, ông Võ Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND TP.Sóc Trăng cho biết toàn bộ số tiền bồi thường thiệt hại cho hộ ông Đức và ông Ương được trích từ ngân sách UBND tỉnh trợ cấp có mục tiêu cho TP.Sóc Trăng. Nguồn ngân sách này giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Sóc Trăng quản lý. Còn về trách nhiệm của cá nhân trong việc cưỡng chế trên, theo ông Nhàn, sẽ gặp khó khăn bởi sự vụ xảy ra đã lâu, một số người đã mất hoặc đã nghỉ hưu.
Trần Thanh Phong
Bình luận (0)